Đâu là đầu ra cho nông sản hữu cơ?

1756 lượt xem

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ phục vụ cho nhu cầu của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Mặc dù sản xuất nông sản hữu cơ có tiềm năng lớn nhưng song song đó cũng khó khăn trăm bề. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là: “đầu ra cho nông sản hữu cơ”. Đây cũng chính là nỗi lo của nhà vườn, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng,…

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hội viên Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ như: Công ty Ecolink (1.000 ha chè hữu cơ tại Hà Giang, Lào Cai); Công ty Viễn Phú sản xuất lúa – cá (Cà Mau); Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ,… Gần đây một số tỉnh thành có chủ trương thành lập Hội nông nghiệp hữu cơ như: Khánh Hòa, Bình Thuận, Hòa Bình,…Vậy tại sao đầu ra cho nông sản hữu cơ vẫn đang gặp nhiều khó khăn?

dau-la-dau-ra-cho-nong-san-huu-co-3

1/ Câu chuyện gặp khó trong đầu ra

Người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp tiêu thụ và sử dụng nông sản hữu cơ. Đa số người tiêu dùng trong nước vẫn chưa hiểu hoàn toàn về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ. Do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

Một trong những nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của người tiêu dùng là họ khó truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất; không kiểm soát được các khâu chế biến sau thu hoạch; không biết thông tin về bảo quản, vận chuyển của sản phẩm hữu cơ.

Đa số người tiêu dùng khó tiếp cận nông sản hữu cơ vì có đến 85% nông sản tiêu thụ qua các kênh truyền thống là chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường, chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, vẫn còn dư luận cho rằng nhà bán lẻ là đơn vị trung gian, vừa “ăn chặn” của nhà sản xuất, vừa “móc túi” của người tiêu dùng; nguồn sản xuất trong nước cung cấp cho nhà bán lẻ không ổn định, do không có nhiều doanh nghiệp bài bản hay lực lượng hùng hậu để cung cấp số lượng ổn định trong thời gian dài. Chất lượng sản phẩm không ổn định, giá cả cũng phập phù lên xuống, thậm chí nhà bán lẻ còn gánh chịu rủi ro vì bị nhà cung cấp thấy giá thị trường cao hơn, họ sẵn sàng phá vỡ hợp đồng đã ký để bán bên ngoài… Tuy nhiên, những khó khăn đó vẫn chưa quan trọng bằng việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.

Sự tham gia của các nhà phân phối lớn đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản hữu cơ. Các doanh nghiệp lớn dần xác định organic là nhóm hàng trọng điểm trong tương lai và mong muốn liên kết nhiều hơn với các nhà vườn, doanh nghiệp sản xuất để mở rộng nhóm hàng này. Và trước suy nghĩ của người tiêu dùng họ sẵn sàng chi trả cho thực phẩm hữu cơ nhưng đòi hỏi đó phải là hữu cơ đích thực, được kiểm soát chặt trong quá trình trồng trọt, vận chuyển, phân phối. Trước tình hình thực tế trên việc kết nối sản xuất – tiêu dùng là vấn đề sống còn.

Ngoài ra, hạ tầng phụ trợ như chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung ứng vật tư cho nông nghiệp hữu cơ cũng gần như chưa có.

2/ Đâu là giải pháp ?

Hướng tới phát triển thị trường cho nông sản hữu cơ, các chuyên gia khuyến nghị, cần có giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý, nhà sản xuất cho đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, huyện nên có đề án hoặc nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, địa phương.

Cần tạo lập một môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, bình đẳng trong cạnh tranh, hỗ trợ liên kết hợp tác, đầu tư sản xuất phân phối, xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bền vững. Đặc biệt, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng nông sản giả, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Về phía người sản xuất, cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia đình, trang trại (chợ địa phương, khu vực dân cư, siêu thị hay xuất khẩu…) để có hướng đi đúng đắn và dễ dàng xâm nhập vào các thị trường tiềm năng.

Về phía các tổ chức chứng nhận: cần nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ, giữ vững chữ “tâm” với nghề đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, minh bạch các hoạt động của tổ chức chứng nhận, khuyến khích người sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ đã lựa chọn và góp phần làm minh bạch thị trường. Không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận, gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận.

dau-la-dau-ra-cho-nong-san-huu-co-2

Về phía nhà phân phối nên tìm hiểu rõ ràng sản phẩm đang phân phối, Có trách nhiệm tăng cường quảng bá sản phẩm, vì chính họ tiếp xúc hàng ngày với người tiêu dùng. Sự tham gia vào cuộc của các nhà phân phối là động lực để các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư, kéo sản phẩm hữu cơ về giá trị thật và phổ biến hơn.

Về phía người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu rõ các thông tin khi mua sản phẩm hữu cơ, thông tin chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, thường xuyên đóng vai trò là giám sát viên thị trường đối với sản phẩm gia đình đang sử dụng, điều này đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tính minh bạch của thị trường lên cao hơn…

Có thể thấy, Câu chuyện tìm đầu ra cho nông sản hữu cơ là việc kết nối giữa các “Nhà” để tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn một cách bền vững. Hệ thống bán lẻ được đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng chất lượng, thường xuyên; đơn vị sản xuất có “đầu ra” ổn định để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
4.8/5 - (6 bình chọn)