Cây móng bò: Ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc tại nhà

1385 lượt xem

Cây móng bò là một trong những hình thái cây lá được ưa chuộng làm cây đô thị bởi tán lá rộng cùng màu sắc hoa bắt mắt. Vậy cụ thể cây móng bò có đặc điểm gì? Vì sao lại có cái tên thú vị như vậy, có phải lá hay hoa của cây trông giống móng con bò không? Bà con hãy cùng SFARM tìm hiểu thêm về đặc điểm, công dụng cũng như kỹ thuật trồng cây móng bò bằng phân hữu cơ qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tổng quan về cây móng bò

Cây móng bò, đặc biệt là móng bò tím là loại cây công trình được yêu thích bởi tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ trồng, tạo bóng mát tốt cùng với màu sắc hoa rất nổi bật. 

1.1 Cây móng bò là gì?

Cây móng bò hay gọi chung là chi Móng bò, chi Hoàng hậu, là một chi chứa hơn 200 loài thực vật có hoa trong phân họ Vang (Caesalpinioideae) của một họ lớn là họ Đậu (Fabaceae) được phân bổ rộng khắp vùng nhiệt đới. 

1.2 Nguồn gốc và phân bố cây móng bò

Cây móng bò có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Phi và châu Mỹ, trong đó một số loài phổ biến như Bauhinia variegata được cho là có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. 

Hiện nay, móng bò được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là trồng rộng rãi trong khu vực nhiệt đới để làm cảnh và tạo bóng mát. Ở châu Á, cây phân bố nhiều tại các quốc gia như Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. 

1.3 Đặc điểm hình thái của cây móng bò

Móng bò là loại thân gỗ nhỏ, không sần sùi, cây có thể phát triển cao đến khoảng 15m. Phần thân phân nhiều cánh nhánh, tán lá rộng xum xuê nên tạo bóng mát tốt. Lá cây có màu xanh nhạt, phiến lá to khoảng 8-15cm, có 9-11 gân bên, cuống lá dài 2-4cm. Bề mặt trên lá nhẵn, bề mặt dưới có lông nhẹ và nhiều gân nổi rõ. Sở dĩ có tên gọi là móng bò, bởi lá có xẻ thủy ở giữa chia thành 2 hình oval như là hình móng chân con bò.

Lá cây móng bò xẻ thùy ở giữa
Lá cây móng bò xẻ thùy ở giữa

Hoa móng bò là thuộc lưỡng tính, hoa có nhiều loại nên cũng có nhiều màu: trắng, hồng phớt, tím,… Tại Việt Nam thường trồng dòng móng bò tím. Hoa mọc thành từng chùm ở đầu cành hoặc nách lá, mỗi chùm có thể có hơn 10 bông. Mỗi hoa gồm 5 cánh mềm, đầu cánh hẹp và có viền răng cưa nhẹ. Bên trong hoa là 5 đến 6 nhụy được bao quanh bởi 5 đài hoa. Khi nở tỏa ra mùi thơm thoang thoảng dễ chịu.

Màu sắc của hoa móng bò
Màu sắc của hoa móng bò

2. Các loại cây móng bò phổ biến

Cây móng bò có nhiều loại khác nhau, mỗi loại đều mang một vẻ đẹp riêng. Cây thường được trồng làm cảnh hoặc mọc tự nhiên trong rừng. Dưới đây SFARM sẽ giới thiệu ba loại móng bò phổ biến nhất.

2.1 Cây móng bò tím 

Móng bò tím là loài phổ biến nhất tại Việt Nam, cây thường được trồng để làm cảnh trên đường phố, công viên và sân vườn. Cây thân gỗ nhỏ hoặc dạng cây bụi, có tán rộng và lá hình trái tim chẻ đôi như móng bò – đặc điểm đặc trưng tạo nên tên gọi của loài cây này. 

Hoa có màu tím nhẹ nhàng pha chút trắng ở đầu cánh, mỗi bông gồm 5 cánh mềm mại, viền răng cưa mảnh, tỏa hương dịu nhẹ khi nở. Hoa mọc thành từng chùm ở đầu cành hoặc nách lá, góp phần tạo vẻ đẹp duyên dáng cho cảnh quan.

Cây móng bò có hoa màu tím thanh tao 
Cây móng bò có hoa màu tím thanh tao

2.2 Cây móng bò lửa

Khác với móng bò tím thường trồng để làm cảnh, móng bò lửa được biết đến như 1 bài thuốc. Móng bò lửa là loại dây leo có thân to, thường nhận biết qua các móc cong và lớp lông dày bao phủ ở cành non, mặt dưới lá và cụm hoa. 

Lá cây có nhiều gân nổi bật (11–13 gân từ gốc), phiến lá có dạng lông dày, dễ rụng. Hoa mọc thành chùm dày ở đầu cành hoặc nách lá, cánh trắng dài khoảng 2 cm, có lông mịn ở mặt ngoài. Quả dạng dẹt, dài khoảng 12–13 cm, chứa 3–4 hạt tròn dẹp khá lớn.

Móng bò lửa thường mọc ở các bờ rừng, ven suối hoặc trong rừng thường xanh ở độ cao dưới 800 m. Tại Việt Nam, móng bò thường mọc nhiều ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là vùng Than Mọi – Lạng Sơn. 

Cây móng bò lửa có hoa trắng
Cây móng bò lửa có hoa trắng

2.3 Cây móng bò rừng

Móng bò rừng là loài cây mọc hoang trong các khu rừng rậm, thuộc dạng cây bụi. Cây có sức sống mạnh mẽ, dễ thích nghi với môi trường hoang dã, thường thấy ở rừng tự nhiên hoặc rừng thứ sinh. 

Lá móng bò rừng cũng có hình dáng tương tự với móng bò tím, nhưng thường nhỏ hơn và có màu xanh đậm hơn. Hoa của móng bò rừng thường có màu trắng hoặc tím nhạt, mọc đơn lẻ hoặc theo chùm nhỏ, không nổi bật bằng móng bò tím. 

Cây móng bò rừng mọc hoang 
Cây móng bò rừng mọc hoang

3. Cây móng bò có tác dụng gì?

Cây móng bò mang lại nhiều giá trị trong đời sống. Tùy vào từng loại mà cây có thể được sử dụng để làm cảnh, làm thuốc hoặc mang giá trị về mặt phong thủy. Dưới đây là những tác dụng nổi bật của cây móng bò trong cảnh quan, y học và phong thủy.

3.1 Tác dụng trong cảnh quan đô thị

Đầu tiên phải kể đến là làm đẹp cảnh quan đô thị. Cây móng bò thường được trồng tại các khu dân cư, công viên, trường học hoặc dọc theo các tuyến phố. Việc trồng móng bò góp phần tăng thêm sự sinh động và tính thẩm mỹ cho cảnh quan đô thị.

Trồng cây móng bò góp phần thẩm mỹ cho khuôn viên đô thị
Trồng cây móng bò góp phần thẩm mỹ cho khuôn viên đô thị

3.2 Công dụng làm thuốc và y học cổ truyền

Ngoài làm cây đô thị, móng bò còn được biết đến như một loại dược liệu quý giá với nhiều công dụng cho sức khỏe. 

  • Nụ hoa: Phơi khô pha nước uống, giúp hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu dạ dày.
  • Lá cây: Dùng để chữa ho, viêm phế quản, tiêu chảy, bí tiểu, bổ phổi.
  • Thân và vỏ cây: Có chứa tanin giúp cầm máu, giải độc do rắn cắn. Nước ép từ vỏ tươi còn được dùng chữa bệnh sản ở trẻ em.
  • Rễ cây: Sao vàng hạ thổ, sắc nước uống giúp chữa đau dạ dày, viêm ruột và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.

 Tùy từng bộ phận và cách chế biến, cây móng bò có thể trở thành vị thuốc lành tính và hữu ích trong đời sống hằng ngày.

Thân cây móng bò được dùng làm bài thuốc đông y
Thân cây móng bò được dùng làm bài thuốc đông y

3.3 Ứng dụng trong phong thủy & đời sống

Trong phong thủy, cây móng bò có ý nghĩa rất tốt đối với gia chủ. Người ta tin rằng trồng cây móng bò trước nhà hoặc trong sân vườn sẽ giúp mang lại cảm giác thư thái, tạo nguồn năng lượng tích cực và thu hút may mắn. 

Ý nghĩa phong thủy khi trồng cây móng bò
Ý nghĩa phong thủy khi trồng cây móng bò

4. Cách trồng và chăm sóc cây móng bò tại nhà

Cây móng bò không chỉ đẹp khi ra hoa mà còn khá dễ trồng nếu biết cách chăm sóc đúng. Dù là trồng trong vườn nhà, trước sân hay chậu cảnh, cây đều có thể phát triển tốt nếu đảm bảo đủ điều kiện về đất, nước và ánh sáng. Tuy nhiên, để cây móng bò phát triển khỏe mạnh, bạn vẫn cần một chút tỉ mỉ và kiên nhẫn trong từng giai đoạn chăm sóc. 

4.1 Điều kiện sinh trưởng phù hợp

Cây móng bò là loại cây có sức sống tốt, dễ trồng và dễ thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa đẹp, bạn nên trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng, đất tơi xốp, thoát nước tốt và giàu chất dinh dưỡng. Cây cũng ưa khí hậu mát mẻ, không chịu được ngập úng kéo dài.

4.2 Kỹ thuật trồng cây móng bò 

Để chuẩn bị trồng cây móng bò, bạn nên đào hố trước khoảng 1-2 tuần để đất được thông thoáng. Kích thước hố nên khoảng 50x50x50 cm. Sau khi đào, bón thêm lớp phân lót bằng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ để đất thêm dinh dưỡng.

Về đất trồng, nên chọn loại đất tơi xốp, có độ mùn cao và thoát nước tốt. Bạn có thể dùng đất trộn với phân chuồng, tro trấu, mụn dừa hoặc các loại giá thể hữu cơ để cây dễ phát triển. 

Nếu trồng bằng cây giống, chọn cây cao khoảng 30-40 cm, rễ khỏe, không sâu bệnh. Khi trồng, đặt cây vào giữa hố rồi lấp đất chặt tay. Trong 1-2 tuần đầu sau trồng, nên tưới nước hằng ngày vào sáng sớm hoặc chiều mát, không tưới vào trưa nắng gắt vì dễ gây sốc nhiệt cho cây.

Để cây phát triển khỏe mạnh, bạn nên bón phân hữu cơ đều đặn, ưu tiên cách bón phân một lần mỗi tháng. Sử dụng các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân dơi để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây, giúp cây phát triển đều và ra hoa đẹp.

4.3 Cách chăm sóc cây móng bò đúng cách

Giai đoạn đầu sau khi trồng, cây chưa cần bón phân thêm vì đất đã có sẵn phân lót. Từ tháng thứ 3-4 trở đi, bạn có thể bón thêm phân hữu cơ, phân vi sinh định kỳ để bổ sung dưỡng chất. Đặc biệt, sau khi hoa tàn, cây thường yếu đi nên cần bón phân và tưới nước đều để giúp cây phục hồi.

Ngoài ra, bạn cần thường xuyên theo dõi sâu bệnh, đặc biệt là vào thời điểm trước mùa hoa nở. Nếu phát hiện có sâu hoặc nấm bệnh, có thể xử lý bằng cách bắt thủ công hoặc dùng thuốc sinh học nhẹ nhàng.

4.4 Một số lưu ý khi trồng và chăm sóc

  • Không nên trồng cây ở nơi dễ bị ngập úng, vì rễ cây dễ bị thối.
  • Tưới nước vừa phải, tránh tưới quá nhiều gây úng rễ.
  • Nếu trồng trong chậu, cần đảm bảo chậu có lỗ thoát nước và thay đất định kỳ mỗi năm.
  • Sau mỗi mùa hoa, nên cắt tỉa cành khô, cành yếu để cây phát triển tán mới tốt hơn.

5. Phân biệt cây móng bò và cây hoa ban

Móng bò và hoa ban là hai cái tên thường xuyên bị nhầm lẫn vì ngoại hình khá giống nhau. Để không bị nhầm lẫn, bạn nên biết cách phân biệt cơ bản giữa hai loại cây này. Dưới đây là một số đặc điểm giúp bạn nhận diện dễ dàng hơn.

5.1 Cách nhận biết cây móng bò

Cây móng bò dễ dàng được nhận diện nhờ những chiếc lá hình tim với hai thùy rõ nét và các gân lá tinh tế. Khi ra hoa, cây thường bung nở thành từng chùm, tạo nên điểm nhấn cho không gian cảnh quan đô thị.

5.2 Điểm khác nhau giữa cây móng bò và hoa ban

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa móng bò và hoa ban vì ngoại hình cả 2 đều có nét tương đồng. Tuy nhiên, thực tế thì hoa ban chỉ là một trong số hơn 40 loài thuộc chi móng bò ở Việt Nam. Mỗi loại có đặc điểm riêng về lá, hoa, thân và cách sử dụng.

Thực chất hoa ban chỉ là một loài nhỏ trong họ móng bò – thường được gọi là “móng bò sọc”. So sánh với móng bò tím, hoa ban có một vài điểm khác biệt như sau:

  • Lá: Móng bò tím thường có lá với số gân ít hơn (9–11 gân) và cuống lá dài hơn (khoảng 4 cm), trong khi hoa ban lại có từ 11 đến 13 gân và cuống lá ngắn hơn (khoảng 2,5 cm).
  • Hoa: Hoa của móng bò tím chủ yếu là màu tím, ít thay đổi, còn hoa của hoa ban có màu sắc đa dạng từ trắng, hồng đến tím, cùng với những đường sọc rất rõ nét trên cánh hoa. Ngoài ra, số lượng nhị của hoa móng bò tím thường chỉ từ 3 đến 4, trong khi hoa ban có thể có từ 5 đến 6 nhị.
Sự khác biệt hình thái giữa hoa móng bò và hoa ban
Sự khác biệt hình thái giữa hoa móng bò và hoa ban

6. Câu hỏi thường gặp về cây móng bò

Bạn có thắc mắc về những đặc điểm, tên gọi hay thời điểm cây móng bò ra hoa? Phần này SFARM sẽ giúp bạn tổng hợp những câu hỏi thường gặp xoay quanh cây móng bò. 

6.1 Cây móng bò tên gọi khác là gì?

Thực tế, tại Việt Nam, chúng ta thường hay nghe đến nhiều tên khác nhau như “móng bò tím”, “móng bò đỏ”, “hoa ban” hay “móng bò sóc” tùy vào từng loại cây thuộc họ móng bò. Ví dụ, cây móng bò tím có tên khoa học là Bauhinia purpurea còn được gọi là “cây hoàng hậu”, trong khi hoa ban (móng bò sọc) là Bauhinia variegata

6.2 Cây móng bò ra hoa vào tháng mấy?

Không phải ngẫu nhiên mà cây móng bò lại được ví như biểu tượng sắc đẹp giữa lòng đô thị. Nhờ khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại các thành phố lớn, cây thường được lựa chọn để tô điểm cho cảnh quan công viên, resort hay các tuyến phố. 

Hoa móng bò nở rộ rực rỡ từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau, kéo dài 4–5 tháng. Khi hết mùa hoa, cây cần được bổ sung dưỡng chất để duy trì sức sống, đặc biệt là với những cây non. Ngược lại, các cây lâu năm thường có sức đề kháng tốt hơn và dễ chăm sóc hơn theo thời gian.

Cây móng bò thường nở rộ hoa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau
Cây móng bò thường nở rộ hoa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau

SFARM hy vọng rằng những thông tin chi tiết về cây móng bò sẽ hỗ trợ bạn hiệu quả trong quá trình trồng và chăm sóc cây. Để cập nhật thêm nhiều mẹo hữu ích về việc trồng và chăm sóc các loại cây khác, đừng quên theo dõi SFARM Blog nhé!

Xem thêm:

SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của hơn 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý Khách hàng liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:

Website: https://sfarm.vn/

Hotline: 0902652099

Zalo: CSKH SFARM – 0902652099

 

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết