CÂY CAM BẠC TỶ TRÊN ĐẤT CON CUÔNG TỈNH NGHỆ AN

204 lượt xem

Từ năm 2000, một số hộ người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An) trồng thử nghiệm các giống cây cam Vân Du, Bãi Phủ, V1… thì đến năm 2008, phong trào này đã phát triển mạnh, nhiều hộ sang vùng Phủ Quỳ mua giống cam V2 về trồng

Đến nay, toàn huyện Con Cuông đã có trên 130 ha cam các loại, nhiều hộ dân có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm từ cây trồng này. Hiện sản phẩm cam Con Cuông đã vươn ra Hà Nội và một số tỉnh, thành. Nhờ đó trở thành cây làm giàu cho người dân huyện miền núi cao này.

Ông Lô Văn Tý, bản Tân Hương, xã Yên Khê cho biết: Năm 2006, nhà ông trồng 500 gốc cam Vân Du, V1 và Sông Con (1 ha). Vụ đầu thu hoạch (năm 2011) ông bán được 3 tấn quả, thu về trên 70 triệu đồng. Năng suất từ đó tăng dần, đến năm 2014, ông bán tại vườn 16 tấn cam, lãi ròng gần 400 triệu đồng.

vuoncamconcuong-phantrunqueVườn cam “bạc tỉ” của gia đình ông Lô Văn Thanh

Theo ông Tý, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương này rất phù hợp với cây cam. Cam Con Cuông quả to, mẫu mã đẹp, vị đậm đà nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều người vào tận vườn mua cam gửi ra Hà Nội làm quà. Nhờ cây cam, gia đình ông thoát nghèo, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn và xây được nhà. Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Con Cuông, Cam Vân Du, V1, Sông Con, Bãi Phủ tại Con Cuông cho năng suất cao nhưng có nhược điểm là đều nhiều hạt, thường chín rộ vào khoảng tháng 9 – 10 ÂL (mùa mưa) nên giá bán còn thấp.

Đây cũng là thời điểm ruồi vàng, sâu đục quả, bướm xuất hiện nhiều và tấn công làm rụng quả. Vì thế, hiện nhiều hộ dân đã chủ động đã tìm giống cam khác về trồng thử nghiệm. Ông Nguyễn Viết Thanh ở thôn Tân Trà, xã Bồng Khê là người tiên phong đi tìm giống mới. Năm 2008, ông sang huyện Quỳ Hợp mua 600 gốc cam V2 về trồng.

Cũng áp dụng kỹ thuật trồng và cách chăm bón như các giống khác, sau 4 năm, gia đình ông Thanh bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên. Chúng tôi đến khi ông Thanh vắng nhà, vườn cam được rào kín bằng hệ thống dây kẽm gai, cửa khóa cẩn thận. Tận mắt nhìn thấy 600 gốc cam V2 của ông Thanh đã bắt đầu chín rộ chuẩn bị xuất bán (vụ thứ 3) vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Theo cán bộ khuyến nông huyện Con Cuông, bình quân mỗi gốc cam có thể thu hái được 30 – 40 kg quả/vụ. Như vậy, tết năm nay, gia đình ông Thanh sẽ có trên 20 tấn cam. Với giá bán tận vườn 50.000 – 60.000 đ/kg, trừ các khoản chi phí đầu tư phân bón, thuê nhân công, năm nay gia đình ông Thanh “bỏ túi” gần 1 tỷ đồng. Sau khi nhìn thấy mô hình của gia đình ông Thanh cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân đã làm theo, diện tích cam V2 trên địa bàn huyện Con Cuông nhờ đó đã không ngừng tăng lên.

Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An hỗ trợ 100% giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho 3 hộ người dân tộc Thái làm 2 ha mô hình SX giống cam V2. Đến nay, sau gần 4 năm trồng và chăm sóc, gần 200 gốc cam V2 của gia đình ông Phùng Ngọc Bình tại bản Pha, xã Yên Khê đã phát triển tốt và bói quả. Ông Bình dự đoán năng suất cam V2 sẽ ngang ngửa với các giống cam khác trên địa bàn. Cam V2 quả bé hơn cam Vân Du nhưng lại có nhiều ưu điểm vượt trội các giống cam khác như mẫu mã đẹp, vàng ống, vị ngọt thanh, chín vào cuối tháng Chạp đến giữa tháng Giêng nên bán được giá, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Điều này khiến ông Bình và bà con ở đây thêm hào hứng mở rộng diện tích. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Con Cuông, đến nay toàn huyện có trên 13 ha cam các loại. Riêng năm 2014 diện tích trồng mới toàn huyện được trên 60 ha (trên 60% là giống cam V2). Chủ yếu tại các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Thạch Ngàn…

Ông Lê Khắc Sỹ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Con Cuông phấn khởi: “Hiện nay, chúng tôi đã có trên 46 ha cam cho thu hoạch, số còn lại đang trong thời gian kiến thiết. Các giống cam Vân Du, Bãi Phủ, V1 cho thu nhập 500 – 600 triệu đ/ha/năm. Riêng giống V2, hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi. Trong thời gian tới, Con Cuông sẽ tăng diện tích trồng cam lên 300 ha, đặc biệt là giống cam V2.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con, việc chuyển đổi cây trồng phải “lấy ngắn nuôi dài”, tránh việc chặt phá giống cũ, trồng ồ ạt giống mới dễ lâm vào tình thế không đủ sức đầu tư cho vườn cây phát triển. Chúng tôi sẽ xúc tiến việc xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho cam Con Cuông trong thời gian sắp tới…”

Theo nongnghiep

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết