Hướng Dẫn Cách Trồng Tía Tô Đất Trong Chậu

1781 lượt xem

Nhắc đến lá tía tô, không ai không biết đến loại rau gia vị có thể ăn sống và có mặt hầu như trong những bữa ăn gia đình. Nhưng có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi, lá tía tô được trồng như thế nào? Cách chăm sóc nó ra sao chưa? Hãy cùng Đặng Gia Trang khám phá bí quyết trồng tía tô trong chậu hiệu quả qua bài viết này nhé!

1/ Chuẩn bị gì khi trồng tía tô

1.1 Thời vụ trồng tía tô

Tía tô là một loại cây thân cỏ dễ sống, nên bạn có thể trồng chúng vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, để cây sống bền vững ra lá xum xuê thì nên trồng vào hai mùa vụ sau đây:

Mùa xuân: Trồng từ tháng 1 sang tháng 3, sẽ giúp rau phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và rau sẽ có hương vị đậm đà hơn.

Mùa thu: Từ tháng 8 đến tháng 11, thời điểm này gió mát không oi bức cùng những cơn mưa phùn sẽ cực kỳ thích hợp cho sự sinh triển của cây tía tô. Bạn nên gieo hạt từ khoảng tháng 6 đến tháng 8.

1.2 Chậu trồng

Đối với loài cây giản dị này không cần phải chuẩn bị quá cầu kỳ, bạn cũng có thể tận dụng lon hay hộp nhựa cũ vẫn có thể trồng chúng. Các dụng cụ trồng đều phải đục một vài lỗ nhỏ phía dưới để giúp cây thoát nước.

1.3 Vị trí trồng tía tô

Đặt nơi có ánh sáng và gần nguồn nước là giải pháp tốt nhất cho cây.

1.4 Đất trồng tía tô

Với điều kiện môi trường ổn định, cây tía tô có thể trồng trên nhiều nền đất khác nhau. Nên lựa chọn những loại đất hữu cơ sạch, đảm bảo chất dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt đồng thời chống chịu được sâu bệnh. Nhưng để cây phát triển một cách tốt nhất, bạn nên dùng đất trộn với những chất dinh dưỡng như phân trùn quế, phân gà, mùn xơ dừa,…Tỉ lệ trộn sẽ là 5 phần đất, 3 phần mụn dừa và 2 phần phân bón. Nếu không có thời gian hoặc không có đất sẵn bạn có thể tham khảo những loại đất hữu cơ trồng cây hiện có trên thị trường. Sfarm có thể tư vấn giúp bạn.

1.5 Giống tía tô

Hiện nay, có 2 phương pháp chính để trồng cây tía tô là gieo hạt và giâm cành. Thông thường, cách trồng tía tô bằng hạt được nhiều người ưa chuộng hơn bởi nó mang đến năng suất cao hơn. Theo kinh nghiệm của các nhà nông, cây tía tô được trồng từ hạt có sức sống bền vững và ra lá nhiều hơn so với cây giâm chiết cành. Có nhiều cửa hàng kinh doanh hạt giống tía tô để bạn lựa chọn trên khắp cả nước.

2/ Tiến hành gieo trồng tía tô

2.1 Gieo hạt

Bạn có thể gieo hạt giống tía tô trực tiếp vào đất để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nếu muốn cây phát triển nhanh hơn bạn nên ngâm hạt giống với nước ấm, sau đó vớt để ráo nước rồi mới tiến hành gieo hạt.

Trước khi gieo, cần phải san bằng bề mặt lớp đất đã chuẩn bị sẵn. Rải hạt giống đều theo hướng dẫn được ghi trên bao bì. Sau khoảng 1 tháng khi trồng cây, quan sát thấy cây đã có tầm 4-5 lá nên cắt tỉa cây giúp cây thon gọn và phần thân cứng cáp hơn.

2.2 Giâm cành

Đầu tiên là lựa chọn một cây tía tô với những cành khoẻ mạnh, xanh tươi. Nên ngắt các lá trên thân cây, chỉ để lại tầm 2-3 lá non.

Sau đó dùng kéo cắt một đoạn phần thân có độ dài khoảng 4-6cm tính từ phần lá trở xuống gốc. Không nên cắt quá sát gốc vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây tía tô bị ngắt. Tiếp đến là ngâm cành giâm vào nước, để nước ngập đều khoảng 2/3 cành, nên đặt ở nơi thoáng mát, có ánh sáng chiếu vào.

Sau khoảng 3 tuần, quan sát thấy rễ cây trong nước đã hình thành và mọc dài khoảng hơn 10cm. Ngắt bớt lá trên thân cây sau đó mang đi trồng vào chậu đã có đất. Điều này giúp cây bớt tiêu hao năng lượng, tập trung vào phần thân hấp thụ chất dinh dưỡng để cây khỏe mạnh hơn.

3/ Cách chăm sóc tía tô

3.1 Tưới nước

Theo dõi kiểm tra và tưới nước thường xuyên để giữ được độ ẩm cho cây. Nên tưới nước đều đặn ngày 2 lần, tưới vào sáng sớm và chiều tối. Đối với tía tô con, bạn nên sử dụng bình phun nước nhẹ, tránh tưới nước trực tiếp lên cây vì thân cây còn non sẽ rất dễ bị gãy đổ.

3.2 Bón phân

Sau khi gieo hạt được 10 ngày, đã có thể tiến hành bón phân cho nhằm giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng kịp thời. Giai đoạn cây trưởng thành sẽ cần thêm nhiều dưỡng chất do đó bạn cần quan sát kỹ lưỡng sự phát triển của cây, màu sắc và đặc biệt là phần thân.

Bón phân hữu cơ là lựa chọn thông thái nhất đối với những người làm vườn. Vì lá tía tô được sử dụng thường xuyên cho món ăn hàng ngày, sử dụng phân hữu cơ sẽ mang lại sự an toàn cho cây và cả người sử dụng. Có một số loại phân bạn nên tham khảo là phân trùn quế, phân được ủ từ rác thải trong nhà. Tuỳ thuộc vào diện tích và số cây trong chậu để bón phân cho hợp lý.

3.3 Phòng ngừa sâu bệnh

Để phòng ngừa sâu bệnh cho cây tía tô khi trồng trong chậu, bạn nên kiểm tra cây thường xuyên. Bắt sâu, nhổ cỏ dại mọc trong chậu là việc cần thiết để cây không bị hư hại. Quan sát nếu cây có hiện tượng úa vàng trên lá, nên ngắt bớt lá đi để không bị ảnh hưởng cả toàn thân cây.

4/ Thu hoạch

Sau khi gieo hạt khoảng từ 1 – 1,5 tháng chúng ta đã có thể tiến hành thu hoạch. Tán lá tía tô chuyển sang màu tím nhạt, lá mềm và rộng là bạn đã có thể ngắt. Không nên để tía tô quá lâu, nó sẽ bị già đi và ăn rất đắng. Bạn cần hái lá thường xuyên để cây tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó nên bón thêm phân và tưới nước cho cây để bổ sung chất dinh dưỡng. Nếu chăm sóc cây tía tô tốt, bạn có thể thu hoạch lá từ 3-4 tháng. Tuy nhiên đối với trồng cây trong chậu, khoảng thời gian đó có thể sẽ bị ngắn đi.

5/ Những lợi ích của cây tía tô

Tía tô được xem như là một vị thuốc quý, đây là loại thảo mộc dễ tìm kiếm và sử dụng đầu tiên trong mục đích y học. Sfarm sẽ điểm qua một số công dụng của tía tô để bạn đọc nắm rõ:

Chữa trị những bệnh đường hô hấp

Hen suyễn, ho, cảm cúm,…Dầu của hạt tía tô chính là khắc tinh của những loại bệnh này. Khi ăn lá tía tô bạn sẽ cảm nhận có vị the the hơi đắng. Lá tía tô ăn sống hoặc lấy nước sẽ giúp phổi lưu thông khí, tăng chức năng của các cơ quan trong đường hô hấp, ngăn ngừa và giảm được bệnh.

Chống oxy hóa

Trong cây tía tô có chất chống oxy hóa mang tên là aldehyde. Chất này giúp ngăn ngừa sự tổn thương đối với tế bào DNA. Ăn tía tô đều đặn và thường xuyên sẽ giúp hạn chế nếp nhăn, bổ sung những chất đề kháng cao trong việc hỗ trợ chống lão hoá da và loãng xương.

Làm đẹp da mặt

Một số chị em phụ nữ thường sử dụng lá tía tô tại nhà để làm đẹp da mặt thay vì đến spa hay sử dụng mỹ phẩm đắt đỏ. Chỉ cần chuẩn bị một ít sả, chanh, muối, lá tía tô. Mang chúng nấu sôi sau đó đem xông hơi. Một tuần đều đặn 2- 3 lần các bạn sẽ có làn da căng mịn khoẻ mạnh hơn mong đợi.

Tía tô không những là loại cây dễ ăn mà còn rất dễ trồng và chăm sóc. Với những thông tin về kinh nghiệm trồng cây và tác dụng chữa bệnh của tía tô hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn phần nào về lợi ích và cách trồng cây tía tô trong chậu đơn giản. Do vậy, những chị em nội trợ hãy thử trồng một vài cây tía tô để có được những món ăn ngon mà lại an toàn cho gia đình mình nhé. Đừng quên đồng hành và theo dõi Đặng Gia Trang để có thêm những thông tin bổ ích trong cuộc sống thường ngày. Nếu có bất cứ thắc mắc gì thì vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 bạn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết