Cách trồng và chăm sóc rau ngót tại nhà cực đơn giản

1662 lượt xem

Rau ngót là loại rau có có giá trị thanh nhiệt, giải độc rất hiệu quả. Là món ăn không thể thiếu trong thực đơn ăn uống ngày hè của nhiều hộ gia đình. Đặc biệt loại cây này rất dễ trồng, thích hợp cho nhiều vùng khí hậu khác nhau, lại cho thời gian thu hoạch lâu dài. Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu cách trồng rau bồ ngót tại nhà cực đơn giản ngay nhé!

1/ Đặc điểm sinh học, công dụng của rau ngót

1.1 Đặc điểm sinh học

Cây rau ngót hay còn gọi là rau bồ ngót, mì chính, thuộc họ thầu dầu. Thuộc cây thân gỗ, thẳng, nhiều cành nhánh, có chiều cao từ 1,5 đến 2m. Lá rau ngót mọc cách, hình bầu dục, lá già màu xanh đậm. Cây bồ ngót có hoa đơn tính mọc ở nách lá. Quả nang có hình dạng như quả cà nhưng nhỏ hơn, màu trắng, có chứa hạt.

1.2 Công dụng của rau ngót

Trong rau bồ ngót có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như protit, gluxit, tro, mà chủ yếu là canxi, photpho, vitamin C và các axit amin thiết yếu. Dưới đây là một số tác dụng rau ngót mang lại:

  • Thanh nhiệt, giải độc: Rau bồ ngót có tính mát, vị ngọt. Được sử dụng trong những ngày hè giúp thanh nhiệt và giải độc cơ thể.

  • Hạ huyết áp: Cây rau ngót có chứa hoạt chất papaverin, chất này có tác dụng giãn mạch, chống co thắt cơ trơn nên được xem như vị thuốc giảm huyết áp hữu hiệu.

  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường:Theo nghiên cứu của viện Sinh học hệ thống thuộc trường đại học Kebangsaan Malaysia, chỉ ra rằng rau ngót có tác dụng cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường.

  • Giúp giảm cân: Nhờ hàm lượng vitamin C có trong rau ngót (239mg vitamin C trong 100g lá rau ngót), làm tăng quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra lượng protein và chất xơ có trong lá rau giúp tăng cảm giác no lâu.

  • Làm đẹp da: Sự dồi dào vitamin A và C có trong lá rau ngót giúp nuôi dưỡng và chăm sóc da hiệu quả với việc dùng nước ép rau ngót hàng ngày.

2/ Chuẩn bị trồng rau ngót

2.1 Đất trồng

Cách trồng cây rau ngót khá đơn giản. Loại đất thích hợp cho cây rau ngót sinh trưởng tốt là đất thịt nhiều mùn, thoát nước tốt. Cần bón bổ sung phân hữu cơ tăng độ tơi xốp và chất dinh dưỡng trước khi trồng cây.

2.2 Vị trí trồng

Rau ngót thích hợp với mọi điều kiện thời tiết, tuy nhiên cây sẽ phát triển tốt ở những vị trí có bóng râm, nơi có độ ẩm cao.

2.3 Chọn giống và cách nhân giống rau ngót

Rau bồ ngót thường có 2 giống, rau bồ ngót lá to và rau bồ ngót lá nhỏ. Rau bồ ngót lá to có thân lá màu xanh đậm, phiến lá to và mỏng, sinh trưởng khỏe. Rau bồ ngót lá nhỏ có thân lá màu xanh nhạt, phiến lá nhỏ và dày, ít bị sâu bệnh hại tấn công hơn.

Có hai cách nhân giống cây bồ ngót là trồng rau bồ ngót bằng hạt và trồng rau bồ ngót từ cành. Tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm khi nhân giống bằng hạt không cao, thời gian thu hoạch lâu. Vì vậy giâm cành là phương pháp nhân giống phổ biến. Chọn những đoạn cành bánh tẻ làm giống từ cây mẹ khỏe, sạch bệnh. Tiến hành cắt thành từng đoạn cành dài từ 15-20cm.

2.4 Chậu trồng rau ngót

Vì rau ngót là loại cây thân gỗ, nên chọn loại chậu có độ sâu và lấp đất đầy chậu. Có thể chọn mua các loại chậu tại cửa hàng hoặc tận dụng thùng xốp bỏ đi để trồng cây.

3/ Tiến hành trồng

Để kích thích cành giâm đâm rễ nhanh nên ngâm vào dung dịch kích thích ra rễ (NAA) trước khi trồng. Khoảng cách cây cách cây từ 20 – 25cm, hàng cách hàng 50 – 60cm, đặt một góc nghiêng 45 độ, lấp đất ngập ⅔ đoạn cành, một gốc có thể trồng hai cành.

4/ Cách chăm sóc rau ngót

4.1 Tưới nước

Sau khi giâm cành nên tiến hành tưới nước giữ ẩm 1 đến hai lần trong ngày tùy vị trí đặt chậu cây. Đảm bảo giữ cho đất luôn ẩm.

trồng rau ngót

Rau ngót giai đoạn sinh trưởng

4.2 Bón phân

Rau ngót là loại rau ăn lá. Do đó cần bón bổ sung dinh dưỡng đạm và lân nhiều hơn kali. Trong giai đoạn đầu cần bón nhiều dinh dưỡng cho cây sinh trưởng mạnh, ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, sinh học đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình bạn.

4.3 Tỉa cành, làm cỏ

Thường xuyên nhổ sạch cỏ, tỉa cành nhánh già, rậm rạp quanh gốc để tạo độ thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển.

4.4 Phòng trừ sâu bệnh

Cây rau ngót là loại cây dễ trồng, sinh trưởng nhanh nên ít bị sâu bệnh tấn công. Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nên thường xuyên ngắt tỉa các lá già, lá vàng để hạn chế sâu bệnh.

5/ Cách thu hoạch rau ngót

Khi rau ngót phát triển cao khoảng 40 – 50cm có thể tiến hành thu hoạch. Lưu ý cắt chừa lại đoạn gốc từ 10 – 15cm để cây nảy chồi mới. Bón bổ sung dinh dưỡng cho cây phát triển đều kết hợp xới xáo đất tạo độ thông thoáng.

Cây rau ngót cho thu hoạch trong thời gian dài, lên đến vài năm. Trung bình cứ 20 – 25 ngày sẽ cho một đợt thu hoạch.

6/ Những lưu ý khi trồng rau ngót tại sân thượng

Mặc dù kỹ thuật trồng rau ngót khá đơn giản, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề khi chọn trồng rau ngót trên sân thượng.

Rau ngót ưa phát triển trong bóng mát, độ ẩm cao. Vì thế phải đảm bảo cung cấp độ ẩm cho rau ngót thường xuyên. Thêm vào đó, sân thượng là khu vực nhận nhiều ánh sáng trực xạ, nên đặt chậu cây dưới tán của những cây khác hoặc làm mái che hạn chế ánh nắng gay gắt vào những giờ cao điểm.

Trên đây là một số lưu ý trong cách trồng rau ngót tại nhà đơn giản, hiệu quả của Đặng Gia Trang. Nếu có bất cứ thắc mắc gì thì vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 bạn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết