Trồng hoa cẩm chướng trong chậu với kiểu dáng nhỏ gọn rất thích hợp trang trí nội thất trong nhà. Hoa cẩm chướng mang một vẻ đẹp rất riêng với ý nghĩa sâu sắc. Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về cách trồng hoa cẩm chướng phù hợp để có những chậu thật xinh xắn nhé!
1/ Nguồn gốc của hoa cẩm chướng
Hoa cẩm chướng có nguồn gốc từ Châu Âu, chủ yếu là vùng Địa Trung Hải và du nhập vào Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Hoa cẩm chướng có rất nhiều tên gọi khác như hoa phăng, hoa hương thạch trúc, hoa tiễn nhung, hoa lạc dương. Từ thời La Mã Hy Lạp cổ đại, cẩm chướng đã được ưa chuộng nhất. Loài hoa này được ra mắt lần đầu tiên tại Hoa Kỳ trong một chuyến hàng hoa từ Pháp gửi đến vào năm 1852. Cẩm chướng đỏ là quốc hoa của Tây Ban Nha và Monaco.
Hoa cẩm chướng có nhiều tên gọi khác nhau
2/ Phân loại hoa cẩm chướng
Cẩm chướng có gần 300 loài và hơn 1000 loại biến chủng khác nhau cho thấy sự đa dạng cực kỳ lớn mà loài hoa này mang lại. Hoa thường được phân loại dựa vào độ lớn của hoa, ở Việt Nam phổ biến với những loại cẩm chướng sau:
Cẩm chướng vườn: Đây là loại đa niên, được chia làm hai loại nhỏ là cẩm chướng ven bồn và cẩm chướng tiệm hoa. Cẩm chướng ven bồn có chiều cao từ 30-35cm, cây mọc thành bụi, độ lớn hoa từ 3-5cm. Cẩm chướng tiệm hoa có chiều cao cây đến 1m, ưa thích khí hậu mát mẻ, hoa có mùi thơm và nhiều màu sắc khác nhau như hồng, cam, tím, vàng…
Cẩm chướng Rose bowl (loài chén hồng): Cũng thuộc cây đa niên, hoa có màu hồng phấn và rất thơm, độ lớn của hoa khoảng 1,5cm với chiều cao cây là 15cm. Đặc biệt, loại này cho hoa nở quanh năm.
Cẩm chướng Rock pink (loài hồng đá): Đây là loại có kích thước nhỏ nhất và có sức sống mãnh liệt, thân dạng bụi, mọc thành cụm, thích hợp trồng trong vườn nhà. Hoa có màu đỏ thắm và độ lớn hoa khoảng 2-3cm.
Cẩm chướng Sweet William: Loại này có thân cứng cáp, chiều cao cây từ 20-25cm, hoa mọc thành chùm và có mùi thơm nhẹ, màu sắc hoa đa dạng như đỏ, trắng, tím,… giống này thường được trồng vào đầu xuân và cho hoa vào mùa hè.
Ngoài ra, cẩm chướng còn được phân loại thành cẩm chướng cánh đơn và cẩm chướng cánh kép với nhiều màu sắc đa dạng.
Cẩm chướng Sweet william
3/ Ý nghĩa của hoa cẩm chướng
Cẩm chướng sở hữu những cánh hoa mỏng xuyên tâm, mùi thơm dịu nhẹ, ngọt ngào. Ban đầu hoa có màu nguyên bản là tím hồng sáng nhưng do nhu cầu chơi hoa ngày càng tăng mà loại hoa phăng này đã được chọn giống, lai tạo thành nhiều màu sắc khác nhau. Trong mỗi màu hoa lại ẩn chứa những ý nghĩa riêng biệt:
Cẩm chướng màu nguyên bản: Thể hiện sự đồng ý, đáp lại tình cảm của đối phương.
Cẩm chướng hồng: Thể hiện sự trân trọng, nâng niu, lòng tri ân sâu sắc đến người được nhận hoa. Đây là màu hoa được sử dụng nhiều trong ngày của Mẹ, một biểu tượng của lòng vị tha, bao dung vô bờ bến.
Cẩm chướng đỏ: Màu đỏ của hoa phăng thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng mộ đối với người được tặng hoa.
Cẩm chướng đỏ thẫm: Ngược lại với màu đỏ, màu đỏ thẫm lại thể hiện sự đau khổ trong tình yêu.
Cẩm chướng tím: Màu tím nhẹ nhàng nhưng lại tượng trưng cho sự khó chiều, sáng nắng chiều mưa của người con gái.
Cẩm chướng vàng: Sự thất vọng, hối hận, sự từ chối là những gì mà hoa cẩm chướng vàng thể hiện,
Cẩm chướng trắng: Màu trắng là màu của tinh khôi, thuần khiết, thể hiện sự ngọt ngào, tinh tế của người phụ nữ và mang lại may mắn.
Cẩm chướng có sọc, vằn: Màu hoa độc đáo này lại thể hiện sự từ chối, khước từ tình cảm của đối phương.
Cẩm chướng hồng đẹp dành tặng người thân
4/ Đặc điểm của hoa cẩm chướng
Cẩm chướng thuộc cây thân thảo, sống lâu năm, thân có các đốt ngắn dễ gãy, chiều cao 20 – 50 cm. Lá thon dài, thanh mảnh, có màu xanh xám đến xanh lam. Lá và thân được phủ một lớp phấn trắng mỏng giúp giảm thoát hơi nước và chống sâu hại. Hoa cẩm chướng mọc đơn hay cụm từ 2 – 5 bông, đường kính hoa 3 – 5 cm và hương thơm ngọt. Mùa hoa nở vào mùa xuân, mùa hè và kéo dài đến đông nếu thời tiết không quá lạnh.
5/ Điều kiện ngoại cảnh
– Đất: Cẩm chướng ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, giữ ẩm và thoát nước tốt, có độ pH từ 6 – 7.
– Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp từ 18 – 25 độ. Nếu vượt qua ngưỡng tối thích này sẽ ức chế sự sinh trưởng của cây, chất lượng hoa kém, màu sắc hoa không đẹp…
– Độ ẩm: Độ ẩm thích hợp 60 – 70 %, độ ẩm ổn định tạo điều kiện cho cây hút chất dinh dưỡng thuận lợi, cây sinh trưởng tốt hơn.
– Ánh sáng: Cường độ ánh sáng thích hợp từ 1500 – 11000 lux. Trong quá trình phân hóa mầm hoa, nếu cường độ ánh sáng >11000 lux cây sẽ ra hoa sớm, nếu <1500 lux cây sẽ ra nụ, nở hoa muộn.
– Dinh dưỡng: Nếu thiếu dinh dưỡng cây sẽ còi cọc, cho hoa nhỏ và dễ bị sâu bệnh hại tấn công.
Nhiệt độ ảnh hưởng lớn đếu màu sắc hoa phăng
6/ Chuẩn bị trồng hoa cẩm chướng trong chậu
6.1 Thời gian trồng
Vụ mùa thích hợp để trồng hoa cẩm chướng là vụ thu (cuối tháng 8) hoặc vụ xuân (giữa và cuối tháng 3). Cẩm chướng sẽ ra rễ nhanh, phát triển tốt nhất trong 2 vụ này và đủ cứng cáp sống qua mùa đông.
6.2 Giống hoa cẩm chướng
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống hoa cẩm chướng từ thân cao đến thân lùn, hoa đơn lẫn hoa kép. Việc lựa chọn giống hoa cẩm chướng để trồng tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Tùy vào từng giống sẽ có tốc độ nảy mầm và thời gian ra hoa khác nhau. Mua hạt giống tại các cơ sở uy tín đảm bảo hạt giống sạch bệnh và tỷ lệ nảy mầm cao.
Cây giống hoa phăng
6.3 Đất trồng
Hoa cẩm chướng ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước và giữ ẩm tốt. Có thể tham khảo công thức giá thể phối trộn gồm đất sạch, phân trùn quế, mụn dừa và trấu hun với tỷ lệ 3:3:2:2. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên dùng cho hoa kiểng với đầy đủ dinh dưỡng mà vô cùng tiện lợi và nhanh chóng.
6.4 Chậu trồng
Chọn trồng hoa cẩm chướng trong chậu nhựa vì giá thành rẻ, dễ dàng di chuyển đến vị trí bạn muốn. Có thể trồng vào bất kỳ loại chậu nào yêu cầu cần lỗ thoát nước dưới đáy, đường kính khoảng 20 – 30 cm là thích hợp.
6.5 Vị trí trồng
Cẩm chướng là loài cây ưa sáng, ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp và thời gian ra hoa của cây. Để đảm bảo cây phát triển tốt nên đặt cây ở nơi có thời gian chiếu sáng từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày.
7/ Cách trồng hoa cẩm chướng trong chậu nhiều hoa
7.1 Trồng hoa cẩm chướng từ cây con
Giống cây con cẩm chướng có thể mua trực tiếp tại các vườn ươm, được giâm bằng cành hoặc gieo hạt. Trồng hoa cẩm chướng bằng cây con sẽ rút ngắn giai đoạn vườn ươm đồng thời đảm bảo cây sạch bệnh.
Cẩm chướng đỏ
Chọn cây con có bộ rễ tốt, dài khoảng 2 – 3 cm để trồng. Cho giá thể đã phối trộn vào cách miệng chậu 3 – 5 cm, đặt cây con vào cho giá thể xung quanh, ấn nhẹ gốc cho đứng vững.
7.2 Trồng hoa cẩm chướng từ hạt
Hạt cẩm chướng khá nhỏ nên có thể gieo trực tiếp vào chậu rồi phủ lên một lớp đất mỏng và tưới phun sương giữ ẩm. Sau 4 – 6 ngày, hạt sẽ nảy mầm. Khoảng 25 – 30 ngày sau khi cây con đã cứng cáp (cao 5 – 7 cm) thì tách ra trồng vào từng chậu riêng biệt. Để cây phân nhánh tốt và cho hoa nhiều nên trồng mỗi chậu 1 cây là thích hợp nhất.
8/ Cách chăm sóc hoa cẩm chướng sau khi trồng
8.1 Tưới nước
Cây mới trồng vào chậu trong 10 ngày đầu cần tưới nước 2 lần/ ngày vào sáng sớm và chiều mát. Duy trì độ ẩm giá thể khoảng 70 – 80% giúp cây hồi xanh và bén rễ nhanh.
Sau đó giảm tưới nước lại 1 – 2 lần/ ngày, tưới vào buổi sáng để hạn chế nấm bệnh phát triển. Trong những ngày nắng nóng, kết hợp tưới phun lên lá để làm mát cây.
Duy trì độ ẩm giúp cẩm chướng phát triển tốt
8.2 Bón phân
Để cẩm chướng phát triển tốt, sau khi trồng 15 ngày tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây. Sử dụng các loại phân hữu cơ như phân trùn quế dạng viên, phân dê… đồng thời kết hợp phun phân NPK có lượng đạm cao định kỳ 7 – 10 ngày/ lần để cây sinh trưởng tốt.
Trong giai đoạn cây bắt đầu ra hoa, bổ sung phân có hàm lượng Lân và Kali cao để hoa nở to, đậm màu và lâu tàn.
8.3 Bấm ngọn, tỉa nụ
Khi cây con được 4 tuần tuổi thì bấm ngọn lần 1 để cây đẻ nhánh bên, giữ lại 5 – 6 cặp lá. Nên tưới đẫm trước để ngọn giòn dễ bấm, sau bấm 2 ngày mới tưới nước để vết thương khô, tránh nhiễm khuẩn. Tuần 8 – 9 bấm ngọn lần 2 đối với 1 – 2 chồi lớn nhất, chỉ để lại 2 cặp lá.
Cẩm chướng đơn nên tỉa bỏ những nụ hoa phụ để nụ hoa chính đủ dinh dưỡng phát triển.
9/ Phòng trừ sâu bệnh hại cho hoa cẩm chướng
– Đốm than: ngọn lá xuất hiện các đốm màu vàng khô rồi lan rộng ra, trên đốm có các chấm đen, đó là đĩa bào tử nấm.
Biện pháp: Tăng cường vệ sinh vườn, nhổ bỏ và tiêu hủy lá bệnh, phun thuốc BVTV trong mùa phát bệnh theo liều lượng khuyến cáo.
– Khô lá: ngọn lá khô vàng, rồi lan rộng đến 1/3 – 2/3 lá, trên đốm có các chấm đen, đó là vỏ bào tử.
Biện pháp: Kịp thời thu hái và tiêu hủy lá bệnh, phun thuốc BVTV theo liều lượng khuyến cáo.
– Héo rũ: thân, lá bị héo rũ chuyển dần sang màu vàng hoặc nâu vàng và khô dần. Phần thân sát gốc bị khô, thâm đen và mục nát sau đó cây chết hoàn toàn.
Biện pháp: Sử dụng cây giống sạch bệnh từ vườn ươm, thường xuyên nhổ cỏ và tiêu hủy cây bệnh, mật độ trồng hợp lý.
– Sâu đất: sâu mới nở gặm biểu bì lá, sâu lớn cắn đứt gốc cây con.
Biện pháp: bắt bằng tay hoặc làm bẫy bả chua ngọt để diệt sâu trưởng thành.
– Sâu xanh: phá lá non, ngọn non, nụ và hoa, sâu lớn đục nụ, ăn rỗng nụ và hoa. Đẻ trứng ở 2 mặt lá non, nụ hoa, đài hoa và hoa.
Biện pháp: Ngắt bỏ ổ trứng, cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị sâu xanh gây hại.
10/ Nhân giống hoa cẩm chướng
10.1 Gieo hạt
Hạt cẩm chướng rất nhỏ, nằm bên trong quả, mỗi quả chứa 300 – 600 hạt. Chọn thu quả từ cây hoa chính vụ, khỏe mạnh, không sâu bệnh, có hoa to và đẹp. Trước khi gieo, hạt được ngâm trong nước ấm 28 – 30 độ trong 4 – 6 giờ. Sau đó, ngâm vào dung dịch KMnO4 để diệt nấm bệnh trên bề mặt hạt.
10.2 Giâm cành
Trồng hoa cẩm chướng bằng cành sẽ chủ động được lượng cây giống, cây con giữ được đặc tính của cây mẹ và nhanh ra hoa hơn. Quá trình giâm cành gồm 4 bước:
– Bước 1: Chuẩn bị giá thể để giâm cành, giá thể giâm tốt nhất là trấu hun được cho vào khay.
– Bước 2: Chọn cây mẹ khỏe, không sâu bệnh, cành giâm không quá già hoặc quá non, dài 8 – 10cm, có 6 – 8 lá.
– Bước 3: Dùng dao sắc đã khử trùng cắt ngang cành giâm rồi ngâm vào thuốc kích thích ra rễ trong 30 – 45 phút.
– Bước 4: Cắm cành thẳng đứng vào khay, sâu khoảng 2 – 3 cm.
Trong 7 – 10 ngày đầu tưới 3 – 5 lần/ ngày, độ ẩm giá thể đạt 90 %. Sau đó giảm dần xuống 2 – 3 lần/ ngày.
Sau 25 – 35 ngày, cành giâm đã ra rễ tốt có thể đem trồng vào chậu.
Nhân giống cẩm chướng bằng cành
11/ Cách cắm hoa cẩm chướng đẹp
Hoa cẩm chướng rất dễ phối màu với nhiều hoa khác, cắm hoa đơn hoặc phối hợp với những hoa khác, cắm vào bình cao, bình thấp, trang trí phòng khách, phòng làm việc… đều rất đẹp.
Dưới đây là cách cắm hoa cẩm chướng đẹp trong bình cao kết hợp với lá dương xỉ và hoa baby trắng bạn có thể tham khảo:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, rửa sạch và lau khô ráo.
Bước 2: Cắm cành dương xỉ vào bình theo hình tán lá tỏa tròn tạo khung đỡ cho phần hoa phía trên.
Bước 3: Dùng kéo cắt cành cẩm chướng sao cho chiều cao cành bằng 1,5 lần chiều cao của bình. Cắt vát theo đường xéo một góc 45 độ để tăng sự hút nước của cành. Sau đó, cắm cành vào bình theo 6 góc tỏa ra đều nhau. Tiếp tục cắt những cành hoa còn lại sao cho chiều cao của những cành sau cao hơn cành cắm trước 5cm, cứ như thế cắm vào bình theo dạng hình cầu, tỏa tròn.
Bước 4: Bước cuối cùng là xen kẽ những cành hoa baby trắng vào giữa các khe hở của hoa cẩm chướng giúp bình hoa trông đầy đặn hơn.
Cẩm chướng mọc ngoài vườn
Lưu ý: Ngắt bỏ hết phần lá ở đoạn gốc cành khi ngâm vào trong nước để tránh bị thối lá hư cành. Trong quá trình chơi hoa nên thay nước 1 lần/ngày, bổ sung vào nước 2 viên B1, aspirin hoặc thuốc dưỡng hoa để hoa được tươi lâu.
Nhìn chung, kỹ thuật trồng hoa phăng không quá phức tạp và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!
*Xem thêm:
- Cách trồng hoa nhài trong chậu tươi tốt quanh năm
- Cách trồng hoa mười giờ ra hoa rực rỡ
- Cách trồng cúc họa mi chi tiết từ A đến Z
- Cách trồng rau mùi trong thùng xốp