Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách

2492 lượt xem

Gừng là loại cây gia vị phổ biến, dễ trồng nhưng cần kỹ thuật đúng để đạt năng suất cao. Nắm vững kỹ thuật trồng gừng từ chọn giống, chuẩn bị đất đến chăm sóc sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh. SFARM sẽ hướng dẫn chi tiết từng bước trong bài viết này!

1. Giới thiệu về gừng 

1.1. Gừng là gì? 

Gừng (Zingiberaceae), là thực vật thân thảo có thời gian sinh trưởng lâu năm với những chiếc thân rễ bò ngang. Đặc trưng chung của gừng là thực vật tự dưỡng hay biểu sinh. Thân và rễ lớn, thường phân nhánh, các chất dự trữ tập trung nhiều ở đây.

Lá của gừng có dạng bẹ dài ôm lấy nhau trở thành thân giả, cuống ngắn và phiến lớn, ở điểm giữa cuống lá và bẹ lá có phần phụ gọi là lưỡi bẹ, thân giả này thường có mùi thơm. Gừng có cụm hoa mọc trên ngọn thân có lá, tách biệt với thân có lá, hoặc từ giữa các bẹ lá. Cụm hoa thường có dạng chùy, chùm hay bông.

Gừng có khả năng thích nghi với nhiều loại đất nhưng phát triển tốt nhất trên đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Thời gian sinh trưởng của cây gừng dao động từ 8-10 tháng tùy điều kiện chăm sóc.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Đặc điểm thực vật học của gừng

1.2. Giá trị kinh tế và ứng dụng của gừng 

Gừng là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao do nhu cầu tiêu thụ lớn. Gừng tươi và các sản phẩm từ gừng như bột gừng, gừng sấy dẻo, tinh dầu gừng được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng. Tại Việt Nam, các vùng trồng gừng lớn gồm Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng…

Trong ẩm thực, gừng là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn, giúp tăng hương vị và hỗ trợ tiêu hóa. Trong y học, gừng được biết đến với nhiều công dụng như giảm buồn nôn, chống viêm, giảm đau và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Gừng cũng được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa.

Với những lợi ích trên, gừng không chỉ là cây trồng quen thuộc mà còn là nguồn nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp.

2. Thời vụ và điều kiện trồng gừng 

Gừng là loại cây có khả năng thích nghi tốt với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Tuy nhiên, thời vụ trồng gừng cần phù hợp với từng vùng miền để đảm bảo cây phát triển mạnh, đạt năng suất cao.

2.1. Thời vụ trồng gừng ở miền Bắc và miền Nam 

Thời vụ trồng gừng phụ thuộc vào khí hậu từng địa phương. Ở miền Bắc, gừng thường được trồng vào vụ xuân, từ tháng 2-tháng 4, khi thời tiết ấm áp, độ ẩm cao, thuận lợi cho sự nảy mầm và sinh trưởng. Tại miền Nam, gừng thường được trồng vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5-tháng 7, giúp cây tận dụng nguồn nước tự nhiên, giảm chi phí tưới tiêu.

Thời gian sinh trưởng của cây gừng kéo dài từ 8-10 tháng, tùy vào điều kiện khí hậu, kỹ thuật trồng gừng và chăm sóc. Việc chọn đúng thời điểm trồng giúp gừng đạt năng suất và chất lượng tốt nhất.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Thời gian phù hợp để trồng gừng theo từng khu vực

2.2. Yêu cầu về đất trồng 

Đất trồng gừng nên là loại đất tơi xốp, thoát nước tốt nhưng đảm bảo giữ được độ ẩm. Loại đất tốt nhất để trồng gừng là đất phù sa.

Để đảm bảo đất sạch bệnh và đủ dinh dưỡng cho gừng phát triển tốt, bạn có thể sử dụng loại đất sạch đã được xử lý và bổ sung phân bón như đất sạch Sfarm chuyên dùng cho các loại cây dược liệu.

2.3. Chuẩn bị đất trồng 

Đất trồng gừng cần tơi xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Trước khi trồng, cần làm sạch cỏ dại, cày xới đất kỹ và phơi ải 7-10 ngày để tiêu diệt mầm bệnh. Có thể bón lót phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục giúp cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho gừng.

3. Chuẩn bị giống gừng 

Giống gừng nên dùng gừng trâu già hoặc gừng sẻ, đất sạch, chậu trồng,..

Bạn có thể dùng những củ gừng sẵn có tại nhà, hoặc gừng trâu già trên 10 tháng tuổi, sạch bệnh, sau đó ủ ở những nơi tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào, tưới nước cho mọc mầm, đảm bảo gừng sạch bệnh, không có các vết nấm mốc, sâu đục, đây là một khâu quan trọng quyết định chất lượng củ gừng thu hoạch.

Để xác định gừng đã già và có thể dùng làm giống, cần quan sát các đặc điểm sau: Khi bẻ củ, phần ruột có màu vàng sậm. Trên đỉnh sinh trưởng xuất hiện eo thắt, dấu hiệu cho thấy cây đã già tự nhiên, không bị tác động bởi các biện pháp như phun muối hay dẫm đạp. Nếu sử dụng gừng non hoặc củ đã nhiễm bệnh, cây sẽ sinh trưởng kém và dễ bị sâu bệnh tấn công về sau.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Hướng dẫn cách chọn giống và xử lý trước khi trồng

3.1. Cách chọn giống gừng khỏe mạnh 

  • Chọn củ gừng có kích thước vừa phải, vỏ ngoài sáng màu, không bị thối hoặc hư hỏng.
  • Ưu tiên giống có nhiều mắt mầm, mắt mầm to, rõ ràng và không có dấu hiệu bị khô héo.
  • Tránh dùng giống có vết thâm đen, nấm mốc hoặc dấu hiệu của sâu bệnh.

3.2. Cách ủ gừng giống

  • Ngâm củ gừng trong nước ấm khoảng 8-10 tiếng để kích thích nảy mầm.
  • Sau đó, vớt ra để ráo và đặt gừng trong rơm rạ ẩm hoặc tro trấu, giữ độ ẩm ổn định.
  • Ủ trong bóng râm, tránh ánh nắng trực tiếp, duy trì độ ẩm giúp mầm phát triển đều.
  • Sau khoảng 15-20 ngày, khi gừng nảy mầm dài từ 3-5cm thì có thể đem trồng.

4. Kỹ thuật trồng gừng 

Gừng có thể được trồng theo nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện canh tác và mục đích sử dụng. Dưới đây là các kỹ thuật trồng gừng phổ biến giúp cây phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao.

4.1. Cách trồng gừng bằng củ 

Trồng gừng bằng củ là phương pháp phổ biến nhất, áp dụng cho cả trồng trên ruộng, trong vườn hoặc chậu.

Chuẩn bị giống: Chọn những củ gừng to, chắc khỏe, không bị sâu bệnh, có nhiều mắt mầm. Củ gừng nên được cắt thành từng đoạn dài khoảng 3-5 cm, mỗi đoạn có ít nhất 2-3 mắt mầm.

Xử lý giống: Trước khi trồng, ngâm hom giống vào dung dịch thuốc trừ nấm sinh học hoặc nước ấm pha loãng với thuốc tím để tiêu diệt nấm bệnh, giúp cây phát triển tốt hơn.

Kỹ thuật trồng:

  • Làm đất kỹ, tạo rãnh sâu 7-10 cm, đặt hom giống nằm ngang, mắt mầm hướng lên trên.
  • Phủ lớp đất mỏng khoảng 3-5 cm lên trên hom giống, tránh phủ quá sâu khiến cây khó nảy mầm.
  • Giữ độ ẩm ổn định để kích thích hom giống nhanh mọc mầm.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Kỹ thuật trồng gừng bằng củ

4.2. Cách trồng gừng trong bao 

Trồng gừng trong bao là phương pháp phù hợp với những diện tích nhỏ, dễ kiểm soát sâu bệnh và giúp tăng năng suất đáng kể.

Chuẩn bị bao trồng: Sử dụng bao tải, bao ni lông dày hoặc bao dứa có lỗ thoát nước. Kích thước bao nên từ 40x50cm trở lên để tạo không gian phát triển cho củ.

Chuẩn bị giá thể: Hỗn hợp đất tơi xốp gồm đất thịt pha cát, trấu hun, xơ dừa và phân hữu cơ. Đảm bảo giá thể giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt.

Kỹ thuật trồng:

  • Đổ hỗn hợp đất vào 2/3 bao, đặt hom gừng giống lên trên và phủ một lớp đất mỏng.
  • Khi cây cao khoảng 20-30 cm, tiếp tục bổ sung đất vào bao để tạo điều kiện cho củ phát triển.
  • Đặt bao gừng ở nơi có ánh sáng nhẹ, tưới nước đều đặn nhưng không quá ẩm để tránh thối củ.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Kỹ thuật trồng gừng trong bao

4.3. Cách trồng gừng trong chậu, thùng xốp  

Phương pháp này thích hợp cho những người muốn trồng gừng tại nhà với diện tích hạn chế.

Lựa chọn chậu/thùng xốp: Chọn chậu có đường kính tối thiểu 30 cm, độ sâu từ 25-30cm. Nếu dùng thùng xốp, cần đục lỗ thoát nước dưới đáy để tránh ngập úng.

Chuẩn bị đất trồng: Sử dụng đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp và có độ thoát nước tốt. Có thể trộn đất với phân chuồng hoai mục, trấu hun và xơ dừa.

Kỹ thuật trồng:

  • Đặt hom gừng giống cách nhau khoảng 10cm, phủ một lớp đất mỏng lên trên.
  • Khi cây lớn dần, tiếp tục vun thêm đất để kích thích hình thành củ.
  • Đặt chậu/thùng xốp ở nơi có ánh sáng nhẹ, tránh nắng gắt trực tiếp trong thời gian dài.

Trên đây là các phương pháp trồng gừng phổ biến giúp tối ưu năng suất và phù hợp với nhiều điều kiện không gian khác nhau.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Trồng gừng trong không gian nhỏ bằng thùng xốp

4.4. Cách trồng gừng trên đất 

Trồng gừng trên đất ruộng và đất vườn là phương pháp truyền thống, phù hợp với diện tích trồng lớn.

Chuẩn bị đất:

  • Chọn đất tơi xốp, giàu mùn, thoát nước tốt như đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát.
  • Cày xới đất sâu 20-30cm, phơi ải 7-10 ngày để tiêu diệt mầm bệnh.
  • Lên luống cao 20-30cm, rộng 1-1,2m để tránh úng nước.

Kỹ thuật trồng:

  • Đào rãnh sâu 7-10cm, đặt hom giống cách nhau 20-30 cm.
  • Phủ một lớp đất mỏng 3-5cm và tưới nước giữ ẩm.
  • Khi cây cao 20-30cm, bón phân hữu cơ hoặc NPK để kích thích sinh trưởng.

4.5. Cách trồng gừng không cần đất 

Trồng gừng thủy canh giúp kiểm soát tốt dinh dưỡng và hạn chế sâu bệnh.

Chuẩn bị giá thể: Sử dụng giá thể xơ dừa hoặc trấu hun để giữ ẩm cho hom giống.

Dung dịch dinh dưỡng: Hòa tan phân bón thủy canh theo tỷ lệ phù hợp (EC 1.5-2.0 mS/cm, pH 5.5-6.5).

Kỹ thuật trồng:

  • Đặt hom gừng lên giá thể, phun ẩm thường xuyên.
  • Sau khi nảy mầm, chuyển cây vào hệ thống thủy canh với dung dịch dinh dưỡng.
  • Theo dõi nước và điều chỉnh dinh dưỡng định kỳ để đảm bảo cây phát triển tốt.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Trồng gừng bằng phương pháp thủy canh

4.6. Kỹ thuật trồng gừng dưới tán rừng 

Phương pháp này phù hợp với vùng có rừng tự nhiên, tận dụng bóng râm để trồng gừng.

Điều kiện thích hợp: Độ che phủ 50-70%, đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

Kỹ thuật trồng:

  • Dọn sạch thực bì, làm luống rộng 1-1,2m, cao 20-30cm.
  • Trồng hom cách nhau 20-30cm, phủ rơm giữ ẩm.
  • Chăm sóc chủ yếu bằng phân hữu cơ, tưới nước đủ ẩm nhưng không để úng.

4.7. Cách trồng gừng núi đá 

Gừng có thể sinh trưởng trên vùng núi đá với điều kiện đất mỏng và độ ẩm cao.

Điều kiện: Đất kẽ đá, giàu mùn, giữ ẩm tốt.

Kỹ thuật trồng:

  • Dọn sạch cỏ dại, tạo rãnh nhỏ giữa các khe đá.
  • Đặt hom giống vào rãnh, phủ một lớp đất mỏng trộn phân hữu cơ.
  • Bổ sung đất và phân sau mỗi 2-3 tháng để cây phát triển tốt.

4.8. Kỹ thuật trồng gừng trâu 

Gừng trâu là giống gừng có củ to, năng suất cao, thích hợp trồng trên quy mô lớn.

Chuẩn bị giống: Chọn hom giống từ cây gừng trâu khỏe mạnh, mắt mầm rõ.

Kỹ thuật trồng:

  • Trồng gừng trâu trên đất tơi xốp, giàu hữu cơ.
  • Khoảng cách trồng rộng hơn gừng thường (30-40cm).
  • Chăm sóc bằng phân hữu cơ, kết hợp bón lót phân NPK theo chu kỳ 2 tháng/lần.

5. Chăm sóc gừng để đạt năng suất cao 

Chăm sóc đúng cách giúp gừng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và hạn chế sâu bệnh. Việc áp dụng kỹ thuật trồng gừng khoa học giúp cây phát triển khỏe mạnh, tối ưu chất lượng và sản lượng thu hoạch.

5.1. Tưới nước đúng cách

Gừng là cây ưa ẩm nhưng sẽ chết nếu úng nước. Khi gừng vừa mới trồng, bạn nên tưới nước nhẹ bằng bình có vòi sen 2 lần/ngày, quan sát thấy đất vừa đủ ướt thì dừng tưới, tránh chôn sâu củ gừng sẽ bị úng nước thối củ, sau 20 ngày củ gừng sẽ ra mầm. Khi gừng bắt đầu có nhiều lá thì tưới mỗi ngày một lần.

Cần phải cung cấp vừa đủ nước trong suốt thời gian sinh trưởng. Khi thời tiết có độ ẩm cao hay trời mưa thì không cần tưới, để tránh gừng bị úng.

Vì vậy cần duy trì độ ẩm phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng:

  • Giai đoạn nảy mầm: Giữ ẩm đất bằng cách tưới phun sương nhẹ nhàng, tránh tưới quá nhiều làm thối mầm.
  • Giai đoạn sinh trưởng: Tưới 2-3 lần/tuần, đảm bảo đất luôn ẩm nhưng không đọng nước.
  • Giai đoạn phát triển củ: Hạn chế tưới khi củ bắt đầu hình thành để tránh úng và giúp củ chắc khỏe.
  • Giai đoạn thu hoạch: Ngừng tưới nước trước 15-20 ngày để tăng độ khô ráo, tránh tình trạng gừng bị hư hỏng sau thu hoạch.

Trong quá trình phòng trị bệnh, đặc biệt là bệnh thối củ, việc giảm nước tưới giúp hạn chế sự lây lan của dịch hại, bảo vệ cây trồng hiệu quả.

5.2. Cách bón phân cho gừng

Để đạt hiệu quả cao trong canh tác, cần thực hiện bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây:

  • Bón lót: Sử dụng tro trấu, rơm mục hoặc xác lá cây hoai mục ủ với chế phẩm Trichoderma để cải thiện hệ vi sinh vật trong đất.
  • Sau 20 ngày gieo trồng: Bón bổ sung phân bò ủ hoaiphân trùn quế theo tỷ lệ 1:1 để cung cấp dinh dưỡng ban đầu cho cây.
  • Giai đoạn cây đẻ nhánh (4-5 nhánh): Vun gốc kết hợp bón phân hữu cơ như phân trùn quế, đạm cá theo chu kỳ 2 tuần/lần để thúc đẩy sự phát triển của củ.
  • Trước thu hoạch 14 ngày: Ngừng bón phân, chỉ tưới nước để gừng đạt phẩm chất tốt nhất.

Việc áp dụng kỹ thuật trồng gừng theo quy trình bón phân hợp lý không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn đảm bảo năng suất ổn định.

5.3. Vun gốc và làm cỏ

Vun gốc giúp giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và tạo điều kiện cho củ gừng phát triển to, chắc khỏe.

  • Lần 1 (25-30 ngày sau trồng): Kết hợp làm cỏ dại, bón thúc đợt 1 và xới xáo đất để gừng bén rễ tốt hơn.
  • Lần 2 (60 ngày sau trồng): Khi cây cao 40-50cm, tiếp tục vun gốc để củ có không gian phát triển.
  • Duy trì chăm sóc: Khi thấy cỏ dại mọc lấn át cây gừng, cần làm sạch và tủ gốc bằng rơm hoặc lá khô để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng.

Ngoài ra, cần bảo vệ diện tích trồng gừng khỏi sự tác động của động vật hoặc dẫm đạp. Đặc biệt, không để củ gừng lộ ra khỏi mặt đất nhằm đảm bảo chất lượng thương phẩm, tránh ảnh hưởng đến giá trị kinh tế.

6. Phòng trừ sâu bệnh hại trên gừng

Gừng là cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng. Để kiểm soát hiệu quả, cần kết hợp các biện pháp phòng và trị bệnh theo hướng sinh học và hóa học.

6.1. Các loại sâu bệnh phổ biến  

Giai đoạn gừng mới mọc chồi cần lưu ý ốc sên cắn ngọn gừng. Khi phát hiện ốc sên, tiến hành bắt thủ công, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Một trong những loài sâu gây hại gừng phổ biến là sâu đục thân. Do bướm thường đẻ trứng vào đất, và khi sâu nở sẽ ăn vào phần củ của gừng dưới đất có thể dùng thuốc phun định kỳ 10 – 15 ngày/lần. Và hãy đảm bảo bạn có nguồn đất thích hợp và đảm bảo sạch bệnh để trồng gừng.

Bệnh cháy lá là do nấm Fusarium gây ra, xuất hiện các vết cháy trên chóp lá hoặc tạo thành đốm tròn, bầu dục. Khi bệnh phát triển mạnh, nấm có thể lây lan xuống nách lá và củ, khiến cây héo rũ và chết.

Bệnh thối củ gồm hai dạng chính là thối xanh và thối khô. Thối xanh do vi khuẩn tồn tại trong đất, nước gây ra và lây lan qua vết thương. Gừng bị bệnh héo đột ngột vào ban trưa, tươi lại vào chiều mát nhưng sau đó chết nhanh. Khi nhổ lên, củ có mùi hôi đặc trưng. Thối khô do nấm gây ra, khiến củ teo lại và khô dần.

Bệnh vàng lá thối rễ do nấm Phytophthora tấn công, làm rễ thối đen, cây còi cọc, lá vàng từ gốc lên ngọn, dễ đổ ngã.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Các loại sâu bệnh thường gặp khi trồng gừng

6.2. Biện pháp phòng và trị bệnh  

Phòng bệnh là biện pháp quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ sâu bệnh tấn công gừng. Khi bệnh xuất hiện, cần có biện pháp xử lý kịp thời để hạn chế lây lan.

Phương pháp phòng bệnh

  • Chọn giống khỏe mạnh bằng cách sử dụng củ giống sạch bệnh, xử lý bằng nước vôi 1% hoặc chế phẩm Trichoderma trước khi trồng để tiêu diệt nấm khuẩn.
  • Xử lý đất trồng bằng cách cày phơi ải 10-15 ngày, bón vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tồn dư.
  • Luân canh cây trồng với cây họ đậu hoặc cây khác họ để hạn chế sâu bệnh tích tụ trong đất.
  • Tưới nước hợp lý, duy trì độ ẩm vừa phải để tránh tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
  • Bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp chế phẩm sinh học để cải thiện hệ vi sinh vật đất, tăng sức đề kháng cho cây.
  • Vệ sinh vườn trồng bằng cách nhổ bỏ cây bệnh, tiêu hủy xác thực vật nhiễm bệnh để ngăn chặn lây lan.

Phương pháp trị bệnh 

Phương pháp sinh học

  • Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để phòng trừ bệnh thối củ, vàng lá.
  • Phun chế phẩm sinh học như nano bạc, dịch tỏi, dầu neem để kiểm soát sâu bệnh.

Phương pháp hóa học

  • Đối với bệnh do nấm, sử dụng thuốc gốc đồng như Copper Oxychloride hoặc Mancozeb theo hướng dẫn.
  • Đối với bệnh do vi khuẩn, dùng kháng sinh Kasugamycin hoặc Streptomycin kết hợp bón vôi để giảm sự phát triển của mầm bệnh.
  • Khi có sâu ăn lá, có thể sử dụng Emamectin benzoate hoặc dầu khoáng sinh học để kiểm soát.

Việc kết hợp giữa phòng bệnh chủ động và xử lý kịp thời giúp cây gừng phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu tác động của sâu bệnh và nâng cao năng suất thu hoạch.

7. Thu hoạch và bảo quản gừng 

7.1. Khi nào nên thu hoạch gừng? 

Trồng gừng bao lâu thì thu hoạch là câu hỏi thường được đặt ra, câu trả lời là gừng có thể thu hoạch từ sau 4 tháng trồng trở đi, nếu bạn muốn để giống thì nên thu hoạch từ 9 tháng trở lên. 

Dấu hiệu nhận biết gừng già sẵn sàng thu hoạch:

  • Lá chuyển vàng, bắt đầu khô dần.
  • Thân cây ngả xuống, phần gốc hơi lộ trên mặt đất.
  • Củ gừng chắc, vỏ cứng, có lớp màng mỏng bong ra.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Hướng dẫn nhận biết thời điểm thu hoạch tốt nhất

7.2. Kỹ thuật thu hoạch không làm tổn thương củ 

Dùng xẻng làm vườn nhỏ xới xung quanh gốc 20 – 25 cm để thu hoạch gừng, tránh làm xây xát củ, sau đó nhổ nhẹ để lấy cả khóm củ. Tiến hành cắt lấy củ, rửa sạch đất và bạn đã có thể sử dụng gừng thành phẩm.

Mẹo giúp tối ưu năng suất:

  • Thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát để tránh nắng gắt làm mất nước.
  • Chọn ngày thu hoạch khô ráo, tránh mưa để hạn chế vi khuẩn, nấm xâm nhập.

7.3. Cách bảo quản gừng sau thu hoạch 

  • Bảo quản gừng tươi ngắn hạn: Để gừng ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, giữ nguyên đất bám để củ không bị khô nhanh.
  • Bảo quản trong cát khô: Vùi gừng vào cát sạch giúp duy trì độ ẩm, kéo dài thời gian sử dụng lên đến 2-3 tháng.
  • Bảo quản trong túi lưới: Đặt gừng vào túi lưới thoáng khí, treo ở nơi khô ráo để hạn chế ẩm mốc.
  • Bảo quản trong tủ lạnh: Gói gừng trong giấy báo hoặc túi nilon đục lỗ, để ngăn mát giúp giữ tươi trong 3-4 tuần.
  • Bảo quản đông lạnh: Gừng rửa sạch, lau khô, cắt lát hoặc băm nhỏ, bỏ vào túi zip bảo quản trong ngăn đá có thể giữ được vài tháng.

Việc áp dụng đúng kỹ thuật thu hoạch và bảo quản giúp đảm bảo gừng giữ được chất lượng tốt nhất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và thương mại hiệu quả.

8. Câu hỏi thường gặp về kỹ thuật trồng gừng  

Trong quá trình áp dụng kỹ thuật trồng gừng, nhiều người quan tâm đến lượng giống, cách kích thích nảy mầm và thời gian mọc mầm. Dưới đây là giải đáp chi tiết.

8.1. 1ha cần bao nhiêu gừng giống?

Lượng giống gừng cần sử dụng tùy thuộc vào phương pháp trồng. Nếu trồng trên đất vườn, lượng giống dao động từ 1,5-2,5 tấn/ha, với khoảng cách trồng phổ biến là 30-40cm giữa các hàng, 20-30cm giữa các cây. Nếu trồng gừng trong bao, trung bình mỗi ha sử dụng 40.000-50.000 bao, mỗi bao đặt từ 2-3 hom giống.

Chọn giống gừng khỏe mạnh, không sâu bệnh, có mắt mầm rõ để đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao. Giống chất lượng kém có thể làm giảm năng suất đáng kể.

8.2. Làm sao để gừng mọc mầm nhanh? 

Để kích thích hom gừng nảy mầm nhanh, cần chọn hom có 1-2 mắt mầm, dài khoảng 3-5cm. Trước khi trồng, nên xử lý hom giống bằng cách ngâm trong nước ấm 50°C trong 10-15 phút để kích thích mầm phát triển. Ngoài ra, có thể dùng nano bạc hoặc nước vôi 1% để khử nấm bệnh và rắc nấm Trichoderma lên hom để phòng bệnh thối củ.

Ủ hom trước khi trồng giúp kích thích nảy mầm hiệu quả. Xếp hom vào thùng xốp hoặc khay có lót tro trấu, giữ độ ẩm khoảng 70-80%, đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau 10-15 ngày, gừng sẽ bắt đầu mọc mầm.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách
Kỹ thuật xử lý hom giống kích thích nảy mầm

8.3. Trồng gừng bao lâu thì nảy mầm? 

Thời gian nảy mầm của gừng thường kéo dài từ 15-25 ngày sau khi trồng, tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ lý tưởng để gừng mọc nhanh là 25-30°C, nếu nhiệt độ dưới 20°C, gừng sẽ nảy mầm chậm hơn.

Độ ẩm đất cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình này, duy trì độ ẩm 70-80% giúp gừng mọc nhanh. Nếu đất quá khô hoặc quá ướt, tỷ lệ nảy mầm sẽ giảm. Bên cạnh đó, hom giống già, chắc khỏe và có mắt mầm rõ sẽ mọc nhanh hơn hom non, yếu.

Nếu gừng trồng sau 30 ngày chưa nảy mầm, cần kiểm tra lại độ ẩm đất, chất lượng giống và điều chỉnh nhiệt độ môi trường cho phù hợp.

Việc áp dụng đúng kỹ thuật trồng gừng không chỉ giúp tăng tỷ lệ nảy mầm mà còn tối ưu năng suất, giảm rủi ro trong quá trình canh tác.

Nắm vững kỹ thuật trồng gừng sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh, đạt năng suất cao và hạn chế sâu bệnh. Hãy áp dụng đúng phương pháp để có mùa vụ bội thu! Đừng quên theo dõi SFARM Blog để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích khác.

Xem thêm:

SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý khách liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:

– Website: https://sfarm.vn/

– Hotline: 0902652099

– Zalo: CSKH SFARM – 0902652099

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
1/5 - (1 bình chọn)
envi