Cách nhận biết các loại bệnh gây hại cho cây trồng

1717 lượt xem

Nhận biết sớm các loại bệnh hại cho cây trồng là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng trừ và chăm sóc cây trồng. Do trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây thường gặp phải các loại dịch hại và ảnh hưởng lớn đến năng suất. Nếu chỉ phát hiện sau khi bệnh đã gây hại nghiêm trọng, sẽ dẫn đến ảnh hưởng trầm trọng về chất lượng, sản lượng nông sản.

Và việc phát hiện và nhận biết kịp thời là bước đầu tiên để giảm tác động của dịch hại. Dưới đây là một số thường thức cơ bản của việc nhận biết các loại bệnh hại cây trồng, mời các bạn cùng tham khảo.

1/ Bệnh do nấm gây hại

Triệu chứng

Trên vết bệnh xuất hiện 1 tầng mỏng lông tơ màu màu sắc khác nhau, thông thường ở bên dưới mặt lá (do chênh lệch ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng). Xuất hiện màu đen hoặc nâu trên lá, hoa, ngọn cây và có thể có mùi hôi, nhũn ra. Có trường hợp vàng lá, thiếu dinh dưỡng do nấm tấn công vùng rễ.

Điều kiện lây nhiễm

Độ ẩm tăng cao, mùa mưa tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển. Bào tử nấm lây lan dễ dàng theo dòng nước và có thể theo gió, côn trùng, dụng cụ canh tác và con người.

Thiệt hại

Phá hỏng bề mặt sản phẩm, ngay cả khi đã thu hoạch và bước vào giai đoạn bảo quản. Giảm năng suất và lưu tồn rất lâu trong đất.

benh-hai-cay-trong-2

Phương pháp kiểm soát bệnh hại cây trồng

Do nấm bệnh thường lưu tồn trong đất nên việc cách ly với nguồn bệnh là ưu tiên hàng đầu và tiết kiệm chi phí trị bệnh. Bằng các phương pháp như: Rải lớp phủ xác bã thực vật hoặc thảm thực vật hoặc màng phủ nông nghiệp nhằm hạn chế bùn đất bắn lên thân cây.

Nguồn nước cũng cần được chú ý như không nên tưới quá thừa nước, tránh tưới nước từ trên cao xuống và tưới trực tiếp lên lá cây và thân cây. Có thể áp dụng tưới nước nhỏ giọt để giảm điều kiện phát sinh nấm bệnh. Tỉa cành thông thoáng và thiết kế vườn với khoảng cách hợp lý.

Chọn loại đất thoát nước tốt hoặc trộn nhiều phân bón có nguồn gốc hữu cơ để tăng độ thông thoáng. Đặc biệt với các loại cây họ cam quýt, vấn đề nấm rễ do đất hàm lượng sét quá cao nên được quan tâm. Phun các chế phẩm diệt nấm có thành phần thiên nhiên như neem, ớt, hành, tỏi, họ cúc, và thành phần vô cơ như nước vôi trong, boocđô,…

2/ Bệnh do vi khuẩn gây hại

Triệu chứng

Cây yếu đi nhưng không có sự xuất hiện của sâu và triệu chứng của các loại bệnh hại, nên kiểm tra kỹ lưỡng trường hợp nấm rễ. Có thể cắt ngang thân cây và nhúng vào nước trong để kiểm tra. Nếu nước đổi màu đục thì cây đã nhiễm vi khuẩn và cần cách ly ngay.

Điều kiện lây nhiễm

Vi khuẩn lây lan theo đường nước là chủ yếu. Bên cạnh đó còn theo côn trùng, dụng cụ, vết thương hở tấn công vào cây trồng.

Thiệt hại

Rất khó chữa trị, do vi khuẩn tồn tại dựa vào mạch dinh dưỡng, làm tắt nghẽn mạch gỗ và làm cây trồng yếu đi. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh cũng không thể hiện mạnh và rõ như nấm bệnh mà từ từ ăn mòn sinh trưởng cây.

Phương pháp kiểm soát

Tương tự như nấm bệnh, phương pháp phòng vi khuẩn đơn giản nhất là hạn chế nước, đất cát bắn lên thân lá. Xử lý hạt giống để giảm lây lan bệnh. Trồng cây chắn gió, côn trùng mang mầm bệnh từ địa phương khác đến. Sử dụng phân ủ cung cấp vi khuẩn có lợi, vi khuẩn đối kháng. Theo dõi thường xuyên cây trồng, áp dụng biện pháp tổng hợp biện pháp bổ trợ để hạn chế mức thấp nhất sự lây lan vi khuẩn.

3/ Bệnh do virus gây hại

Triệu chứng

Chất độc do virus tiết ra làm vàng lá, vòng tròn nhỏ (khảm đu đủ), quăn đọt, chấm màu nâu trên lá, héo đốm lá trên cây cà chua.

Điều kiện lây nhiễm

Virus thường lây lan thông qua côn trùng hút nhựa cây như bọ trĩ, nhện trắng, nhện đỏ,… vết thương hở qua cắt ghép, tổn thương do canh tác.

benh-tren-cay-trong-3

Thiệt hại

Lá và thân cây có thể bị mất màu hoặc bị biến dạng ảnh hưởng đến sự quang hợp và hút chất dinh dƣỡng làm cho năng suất kém hoặc cây con bị chết. Quả có thể chín không đều và biến dạng hoặc hỏng.

Phương pháp kiểm soát

Bệnh do virus cực kì khó kiểm soát, nếu bị nặng cần bỏ hoang đất trên 5 năm để hạn chế lây lan. Biện pháp tốt nhất là giữ cho cây trồng khỏe, luân canh hạn chế mầm bệnh, giữ cho khu vực canh tác thông thoáng. Phòng trừ nguồn lây nhiễm virus rệp vừng, châu chấu lá cây, ve, bọ trắng, bọ trĩ, rệp trắng,… bằng biện pháp như trồng cây chắn gió, cây đuổi côn trùng, bẫy côn trùng, nuôi kiến vàng. Trong trường hợp không thể khống chế mầm bệnh nên mạnh dạn loại bỏ và tiêu hủy.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết