Phòng và trị bệnh đốm đen lá trên hoa phong lan đầy đủ nhất

2061 lượt xem

Bệnh đốm đen trên lá phong lan là một căn bệnh tương đối phổ biến và khó trị ở cây lan. Bệnh do nhiều loại nấm khác nhau gây nên và theo từng loại mà sẽ có các triệu chứng khác nhau. Bệnh sẽ gây hại và để lại di chứng nặng cho phong lan nếu không được điều trị kịp thời.

Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về cách phòng và trị bệnh đốm đen lá trên hoa phong lan đầy đủ nhất qua bài viết này nhé!

1/ Tìm hiểu chung về bệnh đốm đen trên lá phong lan

Đốm đen trên lá là loại bệnh phổ biến và thường gặp ở phong lan. Đốm đen lúc đầu xuất hiện trên lá với một vết nhỏ, sau đó lớn dần và đổi sang màu vàng hay tím. Bệnh do một số loại nấm gây ra, nấm bệnh xâm nhập và sinh sôi trong tế bào thịt lá, gây nên những đốm đen.

Bệnh đốm đen trên lá phong lan sẽ hạn chế quang hợp, làm cây phong lan của bạn chậm lớn, thối lá và thậm chí là chết khô cây.

2/ Bệnh đốm lá cây lan do Cercospora gây ra

2.1 Triệu chứng bệnh đốm lá lan

Bệnh đốm lá do Cercospora gây ra có triệu chứng thể hiện ở lá cây. Lá bị đốm đều ở cả hai mặt. Mặt trên của lá, đốm có dạng hình tròn, có màu nâu đen hay vàng nâu, xung quanh đốm có quầng màu vàng. Mặt dưới lá có nhiều đốm đen nhỏ li ti. Khi bệnh trở nặng, lá chuyển vàng và rụng sớm.

2.2 Tác nhân gây bệnh

Bệnh này do loại nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh này phát sinh trong các điều kiện: Ở những vườn lan có điều kiện ẩm ướt, ít thông thoáng và ở những cây thiếu dinh dưỡng, khả năng kháng bệnh yếu.

2.3 Biện pháp phòng trừ bệnh đốm lá lan do nấm Cercospora

Để phòng bệnh: Ta nên tiến hành làm vệ sinh vườn thường xuyên. Quan sát và kiểm tra cây thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh.

Trị bệnh đốm do nấm Cercospora sp.: Tiến hành cắt bỏ các bộ phận bị đốm, thực hiện cách ly những cây bị bệnh. Bôi thuốc trị nấm Rydomyl Gold 68 WP vào các vết thối của cây. Phun thuốc đều 2 mặt lá và phun cứ mỗi 3-5 ngày/lần cho đến khi cây hết bệnh.

3/ Bệnh đốm lá do Guignardia

Bệnh đốm lá do nấm Guignardia khi mới khởi phát tương đối khó phát hiện. Bệnh gồm những đốm màu tím đậm nhỏ, chạy dài song song theo đường gân ở cả 2 mặt lá. Sau một thời gian, đốm tím lan ra và có dạng hình thoi. Trường hợp bệnh nặng khiến cho mặt lá nhám, mất màu xanh và không thể quang hợp. Bệnh làm hạn chế sinh trưởng của cây, đặc biệt là các loài lan đơn thân.

bệnh đốm đen trên phong lan

Các đốm đen trên lá phong lan

4/ Bệnh đốm lá do Phyllosticta

Bệnh đốm do Phyllosticta có khả năng xuất hiện cả trên lá và trên giả hành. Bệnh có thể xuất hiện tại vị trí bất kỳ, vết bệnh có dạng hình tròn và hơi lõm xuống. Lúc khởi đầu, vết đốm nấm có màu vàng và theo độ phát triển của nấm mà vệt chuyển sang màu nâu, đỏ và cuối cùng là màu tím đen. Bệnh xuất hiện và lây lan ở những nơi ít ánh sáng và có độ thông thoáng kém.

5/ Bệnh đốm lá do nấm Septoria

5.1 Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây ra bởi loại nấm Septoria. Nấm xuất hiện ở cả hai mặt lá và có dạng hình tròn, đôi khi các vết bệnh có thể sát nhập với nhau và tạo thành các mảng đốm lớn trên lá. Vệt đốm do nấm Septoria có màu vàng lúc vừa nhiễm và theo thời gian chuyển nặng mà vệt đốm có màu nâu sẫm và cuối cùng là tím đen. Bệnh xuất hiện ở những nơi có độ ẩm cao nhưng thiếu sự thông thoáng và ánh sáng.

5.2 Phòng ngừa bệnh đốm lá lan do nấm Septoria

– Thực hiện làm cỏ và dọn vệ sinh vườn lan hàng tháng để tạo độ thông thoáng cho vườn.

– Đặt giàn ở hướng Đông Tây và nơi có nhiều ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng vào lúc sớm và chiều muộn.

– Không tưới cây vào lúc trời tối và không để nước đọng trên lá qua đêm.

– Phun thuốc phòng nấm Physan 20 cho cây định kỳ 2 tháng để phòng nấm.

5.3 Thuốc đặc trị

Để trị bệnh đốm lá do nấm Septoria, bạn cần sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Thiophanate-Methyl (Topsin M) hay Chlorothalonil (Daconil 75WP). Bạn cũng nên pha thuốc thêm với thành phần Carbendazim để tăng hiệu quả cũng như giúp diệt thêm các loại nấm khác.

6/ Biện pháp chung phòng trừ bệnh đốm đen lá lan

6.1 Lựa chọn vị trí giàn lan phù hợp

Vị trí đặt lan phải đảm bảo có đủ ánh sáng và độ thông thoáng tốt. Lưu ý không nên đặt cây ở vị trí khuất gió và ẩm ướt. Cũng không nên đặt cây ở nơi ánh sáng quá mạnh vì sẽ làm khô và vàng lá.

6.2 Xử lý cây và giá thể trước khi trồng

Cây và giá thể khi mua về cần trải qua bước xử lý nấm bằng cách: Ngâm cây vào thuốc trừ nấm Physan 20 trong 5 phút và treo ngược phơi trong 2 ngày. Đối với giá thể cần ngâm qua nước vôi trong trong vòng 2-5 giờ.

6.3 Chế độ tưới

Bạn nên lưu ý về chế độ tưới nước và giữ ẩm, vì ẩm độ cao là môi trường thích hợp để nấm bệnh sinh sôi. Hãy hạn chế tưới nước vào buổi tối, không tưới vào ngọn và không để nước đọng lại trên mặt lá qua đêm.

6.4 Vệ sinh vườn lan

Tiến hành làm cỏ và vệ sinh vườn mỗi tháng sẽ giúp tăng độ thông thoáng cho khu vườn và loại bỏ các ổ bệnh.

6.5 Kiểm tra dấu hiệu bệnh

Thường xuyên theo dõi và kiểm tra tình trạng của cây lan, đặc biệt là lá. Khi xét thấy có dấu hiệu bệnh, hãy cách ly cây bệnh để tránh bệnh lây lan.

6.6 Cắt bỏ các bộ phận bệnh

Tiến hành dùng dao sắc cắt bỏ những vết bệnh trên thân và loại bỏ các lá bị bệnh. Bôi thuốc trị nấm vào vị trí vết cắt và sau vài ngày có thể dùng keo liền sẹo cho cây.

6.7 Phun thuốc phòng bệnh thường xuyên

Cứ định kì 2 tháng, bạn nên phun thuốc Dipomate 80WP phòng nấm cho cây theo chỉ định và liều lượng trên nhãn thuốc.

Bệnh đốm đen trên lá không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ mà còn ảnh hưởng mạnh đến sức sống, sức sinh trưởng của cây. Vậy bạn cần kiểm tra và phòng trừ bệnh kịp thời, để giữ cho vườn lan của bạn luôn được an toàn. Trường hợp bạn có bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay đến Hotline 0902.652.099 để được tư vấn tận tình nhất nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết