Độc canh và những tác hại mang đến cho quá trình canh tác nông nghiệp

2973 lượt xem

Trong giai đoạn hiện nay, việc canh tác nhiều loại cây trồng và phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đang được chú trọng. Tuy nhiên ở một số vùng vẫn còn tồn tại tình trạng độc canh cây trồng. Vậy độc canh là gì? Tác hại của độc canh cho ngành nông nghiệp ra sao? Hãy cùng Đặng Gia Trang theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1/ Độc canh là gì?

Ngày nay con người có xu hướng sử dụng phương pháp độc canh trong nông nghiệp. Độc canh là hình thức canh tác nông nghiệp chỉ trồng một hoặc một số ít loại cây trồng đem lại giá trị.

2/ Tác hại của độc canh

Với các bằng chứng ngày càng tăng về ô nhiễm do nông nghiệp hiện đại, làm giảm độ phì nhiêu của đất và sự lây lan của sâu bệnh, canh tác độc canh đang dần bị bài trừ, canh tác độc canh ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi của các hệ sinh thái.

2.1 Tạo môi trường thuận lợi cho sâu bệnh phát triển

Khi sâu bệnh tìm thấy một nơi có nguồn thức ăn dồi dào và tích lũy ở một nơi, chúng sẽ phát triển thịnh vượng. Không có gì cản trở chúng trở nên mạnh mẽ và phát triển về số lượng.

Khi chúng ta canh tác một loại cây trong một thời gian dài sẽ tạo điều kiện cho một số loài sâu bệnh hại thích nghi với môi trường sống hiện tại và ngày càng sinh sôi phát triển, dẫn đến dịch hại bùng phát. Khi những loại gây hại đã bùng phát thành dịch hại thì không có khả năng có thể cứu chữa và gây ra tổn thất vô cùng nặng nề.

doc-canh-1

2.2 Tạo kháng thuốc

Khi người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ hóa học chỉ cho một đối tượng cây trồng trong một thời gian dài sẽ khiến cho sâu bệnh hại trở nên kháng thuốc. Từ cơ chế kháng thuốc đó, các loài côn trùng gây hại trở nên thay đổi về cấu trúc gen để có khả năng thích nghi với sự tác động của thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều loài gây hại phát triển những tổ hợp gen biến dị có khả năng chống lại thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến thuốc hóa học không còn tác dụng trong canh tác độc canh mà ngược lại còn gây ra những biến dị nguy hại.

2.3 Ảnh hưởng xấu đến môi trường

Trồng liên tục một loại cây trồng trong một thời gian dài khiến cho dinh dưỡng trong đất dần cạn kiệt đi. Từ đó, người nông dân sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học để bổ sung cho cây trồng, nguồn dinh dưỡng vô cơ có khả năng tồn tại và thấm sâu trong đất dẫn đến sự ô nhiễm môi trường đất cũng như hệ thống nước ngầm.

Đi kèm với đó, dịch hại phát triển nhiều, khiến cho người nông dân cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, điều này cũng có tác động lớn đến môi trường khi mà người nông dân sử dụng quá nhiều các chất hóa học không những khiến cho cây trồng bị suy yếu đi mà còn ảnh hưởng đến môi trường và con người.

2.4 Đa dạng sinh học bị suy thoái

Việc trồng độc canh một loại cây trồng đã tạo nên một môi trường hạn hẹp về giống loài thực vật. Sự đa dạng sinh học bên trong quần thể hầu như là rất thấp, thêm vào đó, với sự bùng phát của dịch hại đã làm cho mất cân bằng hệ sinh thái, các loài côn trùng gây hại chiếm ưu thế hơn so với các loài có ích. Sự mất cân bằng này càng tạo điều kiện cho côn trùng phá hoại không ngừng, gây tổn hại cho năng suất cây trồng.

Sự đa dạng sinh học bên trong đất cũng là yếu tố rất được quan tâm, khi mà quá trình canh tác nông nghiệp theo hình thức độc canh diễn ra. Từ tác động của các chất hóa học quá nhiều, khiến cho các loài sinh vật trong đất không thể tồn tại được, kéo theo đó là sự mất dần đi những loại vi sinh vật có lợi cho đất. Cây trồng trong trường hợp đó dễ bị bệnh hại tấn công do không có sự tồn tại của các sinh vật có lợi và bị suy yếu do tác động của nấm bệnh.

doc-canh-2

2.5 Phá hoại môi trường đất

Ngoài sự mất dần về đa dạng sinh học trong đất thì độc canh còn khiến cho đất ngày càng bị suy thoái do canh tác quá lâu. Bắt nguồn từ sự không thay đổi cây trồng, cấu trúc đất không có cơ hội được cày xới và cải tạo thường xuyên. Cấu trúc bên trong của đất dần dần bị chai sạn, không có lỗ hổng không khí cũng như cơ cấu đất tốt. Chính vì thế dinh dưỡng không thể thấm vào trong đất và rễ cây trồng không thể dễ dàng lấy dinh dưỡng để phát triển.

Nhìn chung, canh tác nông nghiệp bằng hình thức độc canh là một hoạt động gây ra nhiều tác hại nguy hại đối với môi trường và cả lợi ích của con người, gây mất cân bằng sinh thái cũng như ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, để nền nông nghiệp phát triển, đặc biệt là sự phát triển ngày càng lớn mạnh của nông nghiệp hữu cơ thì cần chú trọng đến các tác hại của hình thức độc canh này, từ đó đưa ra các giải pháp tốt (luân canh, xen canh,…) để mang lại hiệu quả cao trong trồng trọt.

Sfarm.vn

 

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết