Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học trong canh tác hữu cơ

1731 lượt xem

Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác dựa vào tự nhiên, một hệ thống nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh vật đất. Bên cạnh đó, canh tác hữu cơ còn có những yêu cầu nghiêm khắc như không được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng.

Để xây dựng được hệ thống ấy, người sản xuất cần duy trì cân bằng giữa các yếu tố đất và nước, cây trồng và cỏ dại, sâu bệnh hại và thiên địch đối kháng,… Điều này giúp cho sản phẩm tạo ra không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không ảnh hưởng đến môi trường, tăng giá trị nông sản.

Tuy vậy, không phải lúc nào hệ thống ấy cũng hoạt động trơn tru. Khi mà môi trường biến đổi khắc nghiệt hơn, cán cân tự nhiên ấy có thể lệch một cách khó kiểm soát, điển hình là tình hình sâu bệnh đột nhiên bùng phát. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến nền nông nghiệp hữu cơ khó phát triển ở khí hậu thất thường như Việt Nam.

Đến lúc này, công tác phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ thành quả lao động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và một phương pháp được chấp nhận trong canh tác hữu cơ và tạo thành bước ngoặt đó chính là thuốc trừ sâu sinh học.

thuoc-tru-sau-sinh-hoc

1/ Thế nào là thuốc trừ sâu sinh học

Thuốc trừ sâu sinh học là chế phẩm có nguồn gốc sinh học như nấm, vi khuẩn, chiết xuất chất độc từ nấm, virus. Và là yếu tố chính làm cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ.

2/ Phân loại

Nguồn gốc thực vật: sử dụng những chiết xuất từ loại cây có tính độc đối với sâu bệnh và gồm 4 nhóm chính:

  • Họ cúc với chất chiết xuất là pyrethrum. Đây là chất có độ độc cao nếu tiếp xúc trực tiếp có thể gây mẩn đỏ hoặc lở loét. Mặc dù vậy cũng đừng quá lo lắng vì cây họ Cúc tồn tại rất nhiều ngoài tự nhiên, thân thuộc với chúng ta và lượng độc tố cũng không đủ để gây nên các triệu chứng dị ứng thuốc. Ngoài việc sử dụng các chế phẩm sẵn có, người sản xuất còn có thể tự làm thuốc bằng cách giã nhỏ thân, lá, hoa của cây họ cúc và lọc lấy nước phun định kỳ để phòng bệnh.
  • Chiết xuất rễ một số cây họ đậu, họ dây mật được sử dụng làm thuốc trừ sâu hoặc diệt nấm. Chất được sử dụng ở đây là Rotenone. Đây là chất độc nhẹ đối với người nhưng lại cực kỳ độc với cá và sinh vật thủy sinh.
  • Dầu cây neem được chiết xuất từ cây neem. Đây là một loại cây thường xanh sống ở vùng có khí hậu nhiệt đới và được tìm thấy cả nhiều nơi tại Việt Nam. Azadirachtin và Nimbin là 2 hợp chất triterpenoid được nghiên cứu nhiều ở cây neem và được sử dụng để làm chất khử trùng, chống nấm.
  • Một số loại tinh dầu khác như dầu khoáng có thể tạo lớp phủ ngăn sâu chích hút, tinh dầu tỏi, bạc hà với mùi hương ngăn côn trùng tấn công và có tác dụng diệt khuẩn, nấm.

Nguồn gốc vi sinh

  • Nấm với 2 nhóm chính tác động lên côn trùng gây hại gồm nấm xanh Metazhizium và nấm kiểm soát bệnh thực vật như Trichoderma và Ampelomyces quisqualis,…
  • Vi khuẩn và tuyến trùng

3/ Ưu điểm

  • Không giống như thuốc hóa học, thuốc trừ sâu sinh học không để lại dư lượng tồn tại lâu trong môi trường. Chúng không thấm vào nước ngầm hoặc tạo ra các chủng côn trùng kháng thuốc.
  • Thuốc trừ sâu sinh học có tính chọn lọc cao, chỉ nhằm vào một số loại sâu hại chủ yếu mà không ảnh hưởng đến thiên địch. Vấn đề quan trọng là nên sử dụng loại thuốc nào cho loại sâu bệnh cụ thể trong hệ thống canh tác.

Ví dụ như việc sử dụng tuyến trùng cho phòng trừ sâu bệnh dưới nền đất. Do cơ chế tấn công của tuyến trùng là xâm nhập thông qua con đường tự nhiên và sinh sôi trong cơ thể nên kích thước tuyến trùng và côn trùng là điều rất quan trọng trong việc phòng trừ.

thuoc-tru-sau-sinh-hoa

4/ Nhược điểm

  • Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thường đắt hơn loại thông thường và thời gian lưu tồn không lâu. Vì thế, người sản xuất cần sử dụng thường xuyên hơn.
  • Thời gian tác động đối với sâu bệnh không đủ nhanh để dập các dịch bệnh lớn. Chẳng hạn với một số loại nấm như nấm xanh ký sinh trên sâu bệnh, cần một khoảng thời gian dài và được bổ sung chế phẩm nấm liên tục để tăng cao mật số.

5/ Lưu ý khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học

  • Chỉ sử dụng thuốc khi côn trùng đến ngưỡng gây hại,, không lạm dụng: Chỉ nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học khi mức sâu ở mật độ làm sụt giảm năng suất cây trồng
  • Nên phun thuốc khi sâu còn non vì lúc này khả năng kháng thuốc của sâu rất kém.
  • Không nên “cộng” thuốc sâu trừ sâu sinh học với các thành phần khác để tránh làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Phun thuốc vào thời điểm trời tạnh ráo, râm mát
  • Sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ như gang tay, khẩu trang, quần áo dài khi phun thuốc.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

 

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết