Các biện pháp cải thiện sự đa dạng sinh học trong nông nghiệp hữu cơ

1794 lượt xem

1/ Khái niệm

Đa dạng sinh học được định nghĩa là toàn bộ sự phong phú của các thế giới sống và các tổ hợp sinh thái mà chúng là thành viên, bao gồm sự đa dạng bên trong và giữa các loài và sự đa dạng của các hệ sinh thái. Đa dạng sinh học nông nghiệp (ĐDSHNN) là bộ phận của đa dạng sinh học, bao gồm tất cả các thành phần của đa dạng sinh học – ở cấp gen, cấp loài và cấp hệ sinh thái – liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp và các hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm các loài cây trồng và vật nuôi, và nhiều giống thuộc các loài đó và còn bao gồm các thành phần khác hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. ĐDSHNN còn là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên và nhân tạo.

6

2/ Vai trò

Đa dạng sinh học trong những hệ sinh thái này cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết để sống như cung cấp cơ sở để sản xuất lương thực cũng như hàng loạt những sản phẩm phi lương thực khác như các nguyên vật liệu dùng cho cuộc sống hàng ngày, thuốc chữa bệnh, tạo nguồn thu nhập và hỗ trợ cho hệ thống văn hoá, xã hội.

Đa dạng sinh học là cơ sở trợ giúp cho việc sản xuất lương thực thông qua các hiện tượng như sự thụ phấn, kiểm soát sinh học các loài dịch hại và làm cho đất màu mỡ. Sự đa dạng của những loài thực vật, động vật, những loài vi sinh vật cần thiết để duy trì năng suất và tính bền vững của mùa màng, gia súc và việc nuôi trồng thuỷ sản.

Đa dạng các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi sẽ đáp ứng được đầy đủ hơn các nhu cầu khác nhau của xã hội, hạn chế được thấp nhất những rủi ro trước những biến động về giá cả, thị trường, đồng thời tận dụng được triệt để nhất các nguồn lợi lao động, vật tư, kỹ thuật trong xã hội.

3/ Biện pháp

3.1 Trồng cây che phủ

Bằng việc trồng cây che phủ có thể bảo vệ môi trường đất, bao gồm các hệ sinh thái bên trong đất, tránh hiện tượng xói mòn rửa trôi. Ngày nay, hiện tượng cháy rừng đang xảy ra nhiều gây mất cân bằng sinh thái. Chính vì vậy, trồng rừng cũng là một cách giúp che phủ đất, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, duy trì hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ mùa màng tránh được tác hại của lũ lụt. Ngoài ra, trong canh tác người nông dân còn trồng các loại cây che phủ giúp hạn chế cỏ dại đồng thời bảo vệ môi trường đất, giúp duy trì hoạt động sống của các vi sinh vật trong đất.

3.2 Bảo tồn và nhân giống các loài động thực vật quý hiếm

Nhiều loài động thực vật đang ngày càng đi đến bờ tuyệt chủng làm cho sự cân bằng hệ sinh thái dần mất đi. Đối với các loài cây trong nông nghiệp mang gen quý, người ta đang nghiên cứu và nhân giống chúng để phục vụ cho nông nghiệp. Đồng thời chọn lọc ra các cá thể có đặc tính nổi trội đem nhân giống làm phong phú thêm sự đa dạng sinh học trong nông nghiệp.

3.3 Giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt

Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đang ngày càng đe dọa đến môi trường đất, môi trường nước và cả sức khỏe của con người. Phân bón hóa học gây thoái hóa đất, tác động xấu đến hệ vi sinh vật có lợi trong đất, ảnh hưởng đến cây trồng. Sự tồn dư các chất hóa học làm cho nhiều loài sinh vật đất chết đi, gây mất dần cấu trúc đất làm cho rễ cây khó phát triển.

3.4 Luân canh cây trồng

Biện pháp luân canh cây trồng đang ngày càng được đẩy mạnh, việc luân canh cây trồng giúp thay đổi cây trồng qua các mùa vụ, hạn chế sự tác động của dịch hại. Trồng một loại cây trồng qua nhiều năm làm cho các sâu bệnh hại ngày càng phát triển và thích nghi dần, tạo điều kiện cho chúng phát triển và gây hại, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

3.5 Bổ sung phân bón hữu cơ, vi sinh vật có lợi

Phân bón hữu cơ là lựa chọn tốt cho việc cải tạo đất, các vật chất hữu cơ giúp cho môi trường đất trở nên khỏe mạnh, đa dạng hóa hệ vi sinh vật trong đất và làm cho cấu trúc đất ngày một cải thiện. Bón phân hữu cơ làm tăng hoạt động của hệ sinh thái đất, làm cho đất giàu mùn và dinh dưỡng, thuận lợi cho rễ cây hấp thu dinh dưỡng và giúp cây trồng tăng trưởng phát triển ổn định. Ngày nay có rất nhiều loại phân bón hữu cơ giúp bổ sung dinh dưỡng cũng như vi sinh vật có lợi làm đa dạng thêm hệ sinh thái nông nghiệp.

đa dạng sinh học nông nghiệp

3.5 Xây dựng mô hình sản xuất VAC, tạo mối tương tác giữa các quần thể trong hệ sinh thái

Xây dựng mô hình Vườn – Ao – Chuồng giúp tạo mối tương quan giữa các quần thể làm đa dạng thêm hệ sinh thái nông nghiệp. Trồng trọt cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn cho thủy sản cũng như chăn nuôi, đồng thời chăn nuôi và thủy sản cũng cung cấp nguyên liệu phân bón cho ngành trồng trọt. Tạo nên mối tương quan ràng buộc, tác động qua lại và có lợi giữa các quần thể với nhau.

Đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp có thể được coi là yếu tố trung tâm đảm bảo tính bền vững của các hệ thống nông nghiệp trên các phương diện sinh thái, môi trường, cũng như kinh tế và xã hội. Càng ngày con người càng hiểu và tin rằng tương lai của vấn đề an ninh lương thực phụ thuộc vào việc khai thác và duy trì đa dạng sinh học nông nghiệp và rất nhiều chức năng khác của nó nằm trong vùng đất nông nghiệp. Chính vì vậy, những biện pháp nêu trên là vô cùng cần thiết cho việc duy trì sự đa dạng sinh học trong nông nghiệp.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (3 bình chọn)