Thế nào là phát triển nông nghiệp bền vững

2184 lượt xem

Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, là một trong những vấn đề cốt lõi, đã và đang được nước ta đặc biệt quan tâm. Với nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp, nông dân đang từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Vậy nông nghiệp bền vững là gì? Cách canh tác nông nghiệp bền vững? Tìm hiểu ngay cùng Đặng Gia Trang nhé!

1/ Khái niệm

Nông nghiệp bền vững trước hết năng suất cây trồng, vật nuôi trên cùng một mảnh đất phải ổn định và có xu hướng ngày càng được nâng cao, hiệu quả kinh tế phải được đẩy mạnh, nuôi sống được nhiều người và mức thu nhập cũng ngày càng được cải thiện mà không làm hủy hoại môi trường của tự nhiên và của cộng đồng.

2/ Mục tiêu

Để có được một nền nông nghiệp bền vững cần phải đạt được một số điểm sau đây:

  • Đạt được sự hoà hợp của các chu trình sinh học tự nhiên và kiểm soát được chúng.
  • Bảo vệ và khôi phục độ phì đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  • Tối ưu hoá được việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên của nông trại.
  • Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn không tái sinh được và nguồn đầu vào của sản xuất phải mua từ bên ngoài.
  • Đảm bảo đầy đủ và đáng tin cậy nguồn thu nhập của nông trại.
  • Khuyến khích được gia đình và cộng đồng nông dân.
  • Giảm thiểu được tác động xấu đến sức khoẻ con người, sự an toàn, các loài hoang dại, chất lượng nước và môi trường.

the-nao-la-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung

3/ Vai trò

3.1 Vai trò của phát triển nông nghiệp bền vững với kinh tế

Khu vực nông nghiệp cũng có thể là một nguồn cung cấp vốn, các yếu tố đầu vào cho hoạt động kinh tế. Với hơn 70% dân số ở nông thôn thực sự là nguồn nhân lực dự trữ dồi dào cho khu vực thành thị. Là ngành cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.Các sản phẩm của ngành nông nghiệp là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng của công nghiệp chế biến, qua đó sẽ nâng cao giá trị của nông sản trên thị trường đặc biệt là hướng vào sản phẩm xuất khẩu.

3.2 Vai trò của phát triển nông nghiệp bền vững với xã hội

Phát triển bền vững nông nghiệp về xã hội đó chính là sự đóng góp cụ thể của nông nghiệp cho phát triển xã hội, đảm bảo sự công bằng trong phát triển, đảm bảo cuộc sống của người nông dân đạt kết quả ngày càng cao; nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội.

4/ Phương pháp

4.1 Luân canh cây trồng

Luân canh cây trồng là một trong những phương pháp phổ biến nhất và hiệu quả nhất trong nông nghiệp bền vững. Luân canh giúp nhà nông đối phó với vấn đề sâu bệnh (vì nhiều loài côn trùng và sâu bệnh chỉ tàn phá một loại thức ăn yêu thích, nên khi chúng ta cứ trồng mãi một loại cây, vô hình chung chúng ta đang tiếp tay cho chúng có một nguồn thức ăn ổn định lâu dài đồng thời làm gia tăng số lượng sâu hại).

4.2 Trồng cây che phủ đất (Cover crops)

Cây trồng che phủ đất có vai trò rất quan trọng vì chúng là nguồn cung cấp dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng, đồng thời giúp giảm xói mòn và quản lý nguồn đất canh tác. Cây che phủ đất góp phần bổ sung N vào đất một cách tự nhiên, bảo vệ đất khỏi xói mòn, cải tạo cấu trúc của đất, giảm sâu hại, cỏ dại và dịch bệnh, đồng thời cũng giúp giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học.

4.3 Tạo dinh dưỡng cho đất

Đất đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Một nguồn đất khỏe mạnh sẽ là một nơi lý tưởng cho nhiều loài sinh vật cùng chung sống bao gồm cả các loài vi sinh vật và côn trùng có lợi, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng của rau màu, nhưng đồng thời đây cũng là nơi dễ bị tổn thương bởi việc sử dụng các sản phẩm hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Điều thiết yếu trong nông nghiệp bền vững là phải làm cách nào nâng cao chất lượng cho đất, bồi bổ dinh dưỡng cho đất trước, trong hoặc sau mỗi vụ mùa.

4.4 Quản lý sâu hại bằng các phương pháp sinh học

Đối với người làm nông nghiệp thì việc quản lý sâu hại có lẽ là công việc khó khăn nhất. Khi quyết định thực hành một trang trại nông nghiệp bền vững, chúng ta nên dành thời gian xem xét các yếu tố sinh thái trong hệ sinh thái nông nghiệp của mình. Trong nông nghiệp hữu cơ, cụm từ Quản lý sâu hại tổng hợp (IPM) được sử dụng khá rộng rãi, nhất là tại một số trang trại có cây lưu niên, cây ăn trái. Phương pháp này dựa vào các tiếp cận tự nhiên chứ không dùng hóa chất trong tiêu diệt côn trùng.

quản lý sâu bệnh

4.5 Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thực hành nông nghiệp bền vững. Đối với những trang trại quy mô lớn, việc sử dụng năng lượng tái tạo vừa giúp nâng cao hiệu suất làm việc đồng thời giảm nguy cơ xả thải ra môi trường tại trang trạng cũng như môi trường xung quanh. Có thể sử dụng tấm panel năng lượng mặt trời để dùng làm nguồn điện cho các loại máy bơm, hệ thống làm nóng trong nhà kính hoặc các loại hàng rào điện, tận dụng nguồn thải từ gia súc để làm biogas giúp làm giảm các chi phí sinh hoạt để tái đầu tư vào trang trại.

4.6 Quản lý giống và nguồn nước

Sử dụng các giống địa phương có đặc thù phù hợp với điều kiện thời tiết của vùng nên khả năng thích ứng và sinh trưởng sẽ tốt hơn, khả năng chống chọi với sâu hại cao. Có thể xây dựng các hệ thống trữ nước mưa dùng làm nước tưới trong những giai đoạn nắng hạn, hoặc học hỏi những mô hình tái sử dụng nước tưới để hạn chế rủi ro thiếu nước đồng thời cắt giảm chi phí trong quá trình canh tác.

the-nao-la-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-2

4.7 Chú trọng tính địa phương

Hướng tới tính địa phương trong việc phân phối nông sản bằng việc tham gia vào các chợ nông dân (Farmers Market) hoặc các cơ sở tiêu dùng tại khu vực sẽ giúp tiết kiệm chi phí và giảm rủi ro trong khâu vận chuyển và đóng gói. Đồng thời việc này cũng giúp làm giảm nhu cầu về địa điểm lưu trữ sản phẩm.

4.8 Ghi chép và lưu trữ dữ liệu

Để luôn đi đúng hướng và đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trang trại đặt ra, việc ghi chép và lưu trữ dữ liệu hoàn toàn quan trọng. Ghi chép dữ liệu tốt và thực hành kết hợp nghiên cứu những cách thức mới giúp chúng ta hiểu và nắm chắc đặc điểm khu vực canh tác của mình để sẵn sàng cho những bước đi tiếp theo.

Đứng trước sự áp dụng không kiểm soát các loại hóa chất vào nông nghiệp, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, môi trường ô nhiễm trầm trọng… thì nông nghiệp bền vững chính là giải pháp lâu dài, giúp nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và đóng vai trò quyết định trong việc cân bằng hệ sinh thái của chúng ta.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (6 bình chọn)