Giữa xu hướng phát triển công nghiệp hoá tại các thành phố, làn sóng phủ xanh thành thi với cây xanh, vườn rau sân thượng tăng cao.Mở cửa hàng VTNN đô thị được đánh giá là có tiềm năng lớn với khả năng hoàn vốn nhanh. Với nhu cầu lớn như vậy, kinh doanh VTNN sẽ có lãi.
Nếu đang có ý định kinh doanh VTNN tại đô thị mà chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo 6 bước cơ bản sau đây:
1/ Khảo sát nhu cầu thị trường
Kinh doanh thành công không chỉ là khai thác triệt để lợi thế từ giá thành, chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng hoặc khơi gợi được nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Theo kinh nghiệm làm việc với nhiều đại lý, SFARM nhận thấy rằng có 3 nhóm vấn đề bạn cần quan tâm trong quá trình khảo sát này, gồm có:
- Nhu cầu về hàng hóa khách hàng tại khu vực như thế nào? Đâu là các sản phẩm bán chạy? Xu hướng về khả năng chi tiêu cho sản phẩm của khách hàng như thế nào? Họ thường mua hàng bằng hình thức gì?
- Khu vực xung quanh đối thủ cạnh tranh có nhiều không? Họ đang bán những loại mặt hàng hàng nào?
- Các sản phẩm và loại hình kinh doanh VTNN dự kiến của bạn có gì đặc biệt để cạnh tranh hay không?
Với bước này, bạn sẽ nắm được thói quen tiêu dùng và mua hàng tại khu vực. Việc lựa chọn sản phẩm kinh doanh và nguồn nhập hàng sẽ trở nên dễ dàng và tiện lợi. Khảo sát được tình hình cạnh tranh tại khu vực cũng giúp giảm các rủi ro kinh doanh. Tiêu biểu nhất là việc không nên cố mở thêm cửa hàng ở khu vực đã có nhiều người kinh doanh từ trước.
2/ Xác định loại hình cửa hàng kinh doanh VTNN
Sau khi xác định được nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh, bạn cần chọn cho mình loại hình cửa hàng phù hợp. Với cửa hàng VTNN ở đô thị, sẽ có 6 loại hình phổ biến, gồm:
- Cửa hàng chuyên bán vật tư nông nghiệp
- Cửa hàng chuyên cây cảnh, hoa kiểng bán kèm VTNN
- Cửa hàng chuyên hoa lan và vật tư cho lan
- Cửa hàng bonsai
- Cửa hàng chuyên kiểng lá, cây văn phòng và nội thất
- Cửa hàng chuyên sen đá
Chi tiết về các mặt hàng kinh doanh của từng loại cửa hàng, bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết: 6 loại hình cửa hàng kinh doanh VTNN đô thị tiêu biểu
3/ Tìm nguồn hàng
Chọn tìm nguồn cung cấp nguồn vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu,… có uy tín, chất lượng và giấy phép đầy đủ để kinh doanh rất quan trọng. Điều này không chỉ tuân thủ các quy định về kinh doanh mà còn tác động đến sự thành công và uy tín trong kinh doanh của một cửa hàng.
Do đó, khi có ý định nhập hàng hoá từ bất kỳ nhà cung cấp nào, bạn nên xem xét những yếu tố sau:
- Chất lượng sản phẩm như thế nào? Có nhãn mác đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng hay không?
- Uy tín và nhận biết của thương hiệu có được nhiều người biết đến?
- Các mặt hàng có đa dạng hay không?
- Chính sách chiết khấu và hỗ trợ khi trở thành đại lý (vận chuyển, đổi trả hàng, ký gửi,…)
- Các giấy tờ pháp lý liên quan: giấy phép kinh doanh, giấy kiểm định chất lượng, thành phần, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu,…
- Tìm hiểu phản hồi của những người cùng ngành về sản phẩm của nhà cung cấp
Đồng thời, hãy xác nhận với nhà cung cấp và đề xuất có hợp đồng hợp tác hoặc văn pháp quy phạm rõ ràng về các chính sách. Điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản phẩm có vấn đề hoặc thay đổi giá,….
4/ Chuẩn bị mặt bằng kinh doanh
Với cửa hàng VTNN đô thị, hãy ưu tiên chọn mặt bằng tương đối rộng và có đủ không gian cần thiết. Tuỳ thuộc vào loại hình cửa hàng, bạn có thể cân nhắc về tổng diện tích hoặc diện tích mặt tiền phù hợp. Một số yếu tố cần cân nhắc khi chọn địa mặt bằng kinh doanh gồm có:
- Sự thuận tiện: gần mặt đường lớn, giao thông thuận lợi, nằm trong khu vực đông dân cư,… Không nên chọn mặt bằng cạnh khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện
- Diện tích tối ưu: mặt bằng rộng giúp bố trí nhiều mặt hàng, kho chứa. Diện tích trung bình của các cửa hàng thường dao động từ 50 – 70m2
- Chi phí thuê phù hợp nguồn vốn và mô hình kinh doanh
5/ Chuẩn bị giấy phép kinh doanh và thủ tục mở cửa hàng
Theo Luật trồng trọt, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cần đảm bảo đủ 3 yếu tố:
- Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định.
- Phân bón, cây trồng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
- Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV. Sau đó, nộp chứng chỉ này ở Chi cục BVTV địa phương để đăng ký kinh doanh và xin giấy hành nghề.
Ngoài ra, bạn còn phải chuẩn bị thêm các thủ tục quan trọng như đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hợp đồng kinh tế với các đơn vị cung ứng sản phẩm, hóa đơn chứng từ, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, niêm yết giá,… để tránh trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra và phạt nặng.
Chi tiết về các thủ tục và giấy phép kinh doanh, bạn có thể nhận tư vấn từ các đơn vị pháp chế.
6/ Kế hoạch và ý tưởng trưng bày, thiết kế không gian cửa hàng
Tuỳ thuộc vào loại hình kinh doanh vật tư nông nghiệp, cách bố trí cũng sẽ có sự khác nhau. Về cơ bản, để tăng diện tích sử dụng và giúp cửa hàng trở nên thông thoáng, hãy tận dụng hệ thống giá kệ trưng bày.
Dưới đây là vị trí bố trí theo thứ tự ưu tiên sắp xếp từ ngoài vào bạn có thể tham khảo:
- Cửa hàng chuyên vật tư nông nghiệp: phân bón và giá thể bao lớn > hạt giống > sản phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học, giá thể bao nhỏ,… > chậu cây và dụng cụ làm vườn,…
- Cửa hàng chuyên cây cảnh/hoa lan/bonsai/sen đá: cây cảnh > phân bón, giá thể > chậu trồng > dụng cụ làm vườn > sản phẩm phòng trị bệnh và chăm sóc cây,…
- Cửa hàng kiểng lá, cây văn phòng, cây nội thất: cây ưa nắng đặt phía ngoài, các loài cây nội thất, cây để bàn đặt phía trong
4 mẹo giúp cách bố trí và phân chia sản phẩm khoa học, tối ưu:
- Sắp xếp, gom nhóm sản phẩm theo công dụng để dễ tìm kiếm. Ví dụ: nhóm các sản phẩm trừ sâu; nhóm các sản phẩm giá thể; nhóm sản phẩm phân hoá học,…
- Ưu tiên đặt các sản phẩm bổ trợ gần nhau để tăng tỉ lệ khách hàng nhìn thấy và bỏ vào giỏ hàng của mình. Việc phải tìm kiếm quá lâu sẽ giảm trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
- Đặt các sản phẩm của cùng một thương hiệu gần nhau. Khách hàng luôn có xu hướng chọn mua các sản phẩm của cùng một thương hiệu, việc đặt gần nhau còn giúp bạn có thể dễ dàng giới thiệu các sản phẩm mới
- Những vị trí quá cao, quá thấp, trong ngách hoặc bị che sẽ làm mất tầm nhìn khách hàng. Do đó, hãy ưu tiên đặt các sản phẩm muốn bán chạy
Trên đây là 6 bước cơ bản giúp bạn chuẩn bị khi có ý định mở cửa hàng VTNN tại đô thị. Ở các bài viết tiếp theo, SFARM sẽ chia sẻ chi tiết về nguồn vốn đầu tư, danh sách những sản phẩm bán chạy nhất định phải có, cách bố trí sản phẩm cho từng loại cửa hàng cũng như thời điểm khai trương, các mẹo giúp kinh doanh.
Bài viết liên quan:
- 6 loại hình cửa hàng kinh doanh VTNN đô thị tiêu biểu
- 8 nhóm mặt hàng nên có cho cho 1 cửa hàng VTNN
- Mở cửa hàng kinh doanh VTNN tại thành phố cần bao nhiêu tiền?