Độ phì nhiêu của đất là khả năng cung cấp đủ nước, oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng bảo đảm năng suất cao. Đồng thời, không chứa các chất có hại cho cây. Do đó, muốn tăng độ phì nhiêu của đất và thu được năng suất cao, ổn định, cần phải tác động đồng thời nhiều yếu tố đối với hệ sinh thái nơi trồng. Trong đó, có thể dùng biện pháp trồng cây cải tạo đất nhằm bảo vệ và cải tạo đất. Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu rõ hơn về những loại cây trồng giúp tăng độ phì nhiêu cho đất này nhé!
1/ Lạc dại (Arachis pintoi)
Là cây cỏ họ đậu có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm từ nito có trong không khí, chúng phát triển sinh khối (thân, lá) nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất. Lạc dại chịu được đất nghèo dinh dưỡng và những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên có thể trồng ở nhiều vùng khác nhau. Có thể trồng kèm dưới gốc cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm (dứa, cà phê, hạt tiêu), trồng xen với bắp trên đất dốc.
Về chống xói mòn, vườn cây ăn trái trồng thảm lạc dại đã làm giảm 72,4% lượng đất bị xói mòn so với đối chứng không trồng. Các loài vi sinh vật (VSV) có lợi tăng rất cao dưới thảm lạc dại. Trồng lạc dại giúp hệ sinh thái côn trùng đất như giun, dế phát triển, ngày đêm “cày xới, chế biến lá mục” làm cho đất thêm tơi xốp. Ngoài tác dụng làm thảm che phủ bảo vệ và cải tạo đất, lạc dại còn có chức năng làm cây cảnh để trang trí các công viên, bãi cỏ quanh nhà, bồn hoa trên phố hoặc chậu cây lớn.
2/ Cỏ Vetiver
Cỏ Vetiver được xem là một loại cỏ cải tạo đất độc đáo, đa dụng. Cỏ thích ứng tốt với nhiều điều kiện thời tiết và đất đai khác nhau, lại rất an toàn với môi trường tự nhiên.
Cỏ Vetiver có rễ ăn sâu, giúp phá vỡ tầng đất sét bị nén chặt, đưa không khí và nước vào sâu trong đất, tạo độ thông thoáng cho lớp đất để rễ cây phát triển. Rễ mọc theo chiều thẳng đứng, ăn sâu không ăn ngang nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính.
Nhờ thân cỏ cứng cáp mà chống chịu được các dòng chảy mạnh, do đó ngăn xói mòn rất lớn. Cỏ vetiver chịu được ngập úng và hạn hán nên có thể sống ở những điều kiện khác nhau.
3/ Cây đậu mèo Thái Lan
Được nhập nội và trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên từ năm 1993. Ngoài tác dụng cải tạo đất (nhờ có hàm lượng đạm trong thân lá khá cao, khoảng 15-16% chất khô, đạm hạt khoảng 25-28% và đạm do vi khuẩn nốt sần cố định từ khí trời) đậu mèo còn là phương tiện diệt cỏ dại rất hữu hiệu kể cả cỏ tranh. Hạt đậu mèo sau khi khử độc tố còn là loại thức ăn cao dinh dưỡng cho gia súc. Một vài ứng dụng cụ thể: trồng xen canh bắp/ngô với đậu mèo.
Cây đậu mèo cải tạo đất
4/ Đậu kiếm
Là loại cây họ đậu thân đứng, sống 2-3 năm, chịu hạn tốt, sinh khối lớn, nốt sần nhiều. Cây có tác dụng cải tạo đất rất tốt, có thể trồng xen, đặc biệt là trồng vào giữa các hàng lúa hoặc có thể trồng xen với sắn, ngô.
Cây đậu kiếm cải tạo đất
5/ Đậu công, đậu Sơn Tây, tóp mỡ, hàm xì
Có tác dụng cải tạo đất, trừ cỏ dại, làm thức ăn gia súc, làm củi đun hoặc cọc đỡ cho các loài cây trồng leo. Vì hàm lượng tanin lớn nên trâu bò không thích ăn tươi, tuy nhiên khi phơi khô và trộn với các loại thức ăn khác thì là nguồn thức ăn bổ sung rất tốt. Nên dùng thay cốt khí làm hàng đồng mức vì cây sống lâu hơn và cho sinh khối lớn hơn.
Cây đậu kiếm cải tạo đất
6/ Đậu triều
Được dùng để làm lương thực (hạt đậu), thức ăn cho súc vật (quả đậu, vỏ quả đậu, lá…). Ngoài ra, đậu triều còn có thể làm củi đun hoặc nuôi cánh kiến và có tác dụng cải tạo đất rất tốt.
Cây đậu triều cải tạo đất
7/ Cốt khí
Có tác dụng cải tạo đất và che bóng cho cây con. Cốt khí là cây làm hàng đồng mức lý tưởng ở giai đoạn đầu khi mới kiến thiết nơi canh tác. Tuy nhiên, về sau nên thay bằng các loài cây khác có nhiều chức năng hơn hoặc trồng hàng đồng mức kép với các loài khác như dứa, cỏ chăn nuôi.
8/ Cây Kudzu
Nhiều nơi gọi là cây sắn dây dại, là loại dây leo được gieo bằng hạt hoặc giâm bằng hom cành trồng xen giữa các hàng cao su hoặc trong vườn cây ăn quả lâu năm để phủ đất và cắt làm phân xanh.
Cây Kudzu
9/ Muồng lá tròn kép
Có xuất xứ từ Floria-Mỹ. Cây có công dụng như lạc dại, song muồng lá tròn kép chịu đựng tốt hơn với điều kiện khó khăn. Sinh khối không cao song cũng là nguồn thức ăn bổ sung quý giá trong mùa đông.
Cây Muồng tròn
Việc sử dụng các loại cây trồng có ích cho việc cải tạo đất sẽ là phương pháp hữu hiệu để tăng chất lượng đất trồng và bảo vệ hệ vi sinh trong đất. Muốn tăng độ phì nhiêu của đất và thu được năng suất cao, ổn định, cần phải hiểu rõ đặc tính của từng loại cây trồng có ích và tình trạng đất để tối đa tác dụng của chúng.
*Xem thêm:
- Hiểu về phân bón hữu cơ
- Đất trồng bị thoái hóa: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp
- Con đường cho sản phẩm hữu cơ bước vào siêu thị
- Lợi ích trăm bề từ phát triển nông nghiệp hữu cơ