Sử dụng dịch trùn quế trên hoa cúc và hoa đồng tiền tại Hội An

217 lượt xem

Xuất phát từ nhu cầu phân hữu cơ bón cho hoa cây cảnh, mới đây, Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KH-CN thuộc sở Khoa học & Công nghệ tỉnh đã thực nghiệm thí điểm thành công 2 mô hình sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế (dịch trùn quế) trên hoa Cúc và hoa Đồng Tiền tại Hội An, đem lại hiệu quả cao.

su-dung-dich-trun-que-tren-hoa-cuc-va-hoa-dong-tien-tai-hoi-an-dem-lai-hieu-qua-cao-phantrunque1

Đề tài đem đến hiệu quả kinh tế cho người trồng hoa

Với diện tích trên 200 mét vuông đất vườn nhà, hơn 2 tháng nay, ông Nguyễn Văn Bá, khối Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu đã trồng khoảng gần 300 chậu hoa Đồng Tiền trái vụ, phân định theo 2 khu: « Mô hình đề tài » và « Mô hình đối chứng ». Đây là một trong 2 địa điểm thực hiện đề tài « Sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế » trong sản xuất hoa cây cảnh ở thành phố Hội An.

Theo cách làm này, trên diện tích thực hiện «mô hình đề tài», ông Bá sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế để bón cho cây trồng. Đây là loại phân được tạo ra từ việc trộn chế phẩm sinh học thủy phân trùn quế với một lượng nhỏ phân hữu cơ để bón lót hoặc phun tưới dung dịch chứa chế phẩm vào cây trồng.

Ở phần diện tích đối chứng, ông Nguyễn Văn Bá chỉ sử dụng các loại phân thông thường như trước đến nay vẫn dùng để chăm bón. Mọi quy trình chăm sóc khác như tưới nước, làm cỏ đều duy trì ngang nhau ở mức độ bình thường.

Sau hơn 2 tháng thử nghiệm, đến nay, vườn hoa này đã cho kết quả. Ở phần diện tích thực hiện đề tài, nhờ lượng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế được bón đúng quy trình hướng dẫn nên cây hoa to khỏe, lá dày, độ xanh đồng đều và hoa nở bông to, cuống hoa đều nhất, tạo dáng cong đẹp mắt. Mật độ bông và nụ hoa trên mỗi cây nhiều hơn so với thông thường.

Trong khi đó, ở diện tích trồng hoa theo “Mô hình đối chứng” ở khu bên cạnh, tuy vẫn cùng thời gian trồng và chăm sóc nhưng cây hoa Đồng Tiền rất chậm phát triển, cành lá thưa, nhỏ, chưa đủ sức đẻ nụ, trổ bông như “Mô hình đề tài”.

su-dung-dich-trun-que-tren-hoa-cuc-va-hoa-dong-tien-tai-hoi-an-dem-lai-hieu-qua-cao-phantrunque2

Mô hình sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế

Ông Nguyễn Văn Bá cho biết: « Qua cái mô hình này tôi thấy rất hiệu quả. Thứ nhất là nó bảo vệ môi trường, thứ 2 là nó kháng được các loại bệnh, như là nấm, sâu rầy. Nó rất ưu việt ở chỗ đó. Chúng tôi đã dùng qua các loại cây bên ngoài nữa như là Rau, Mai, nó phát triển rất là tốt, đồng đều. Giữa hai cái mô hình này, so với mô hình đối chứng bên tê thì mô hình đề tài bên ni cây tốt, bông nhiều. Còn mô hình bên tê, cây ít phát triển, lá cũng ít phát triển, bông trổ rất chậm ».

Rời vườn hoa Đồng Tiền trái vụ ở phường Cẩm Châu, chúng tôi tới khối An Phong, phường Tân An. Đây là mô hình thứ 2 của đề tài “sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế” trên diện tích trồng hoa Cúc của gia đình ông Trang Tiến. Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng hoa cây cảnh nhưng vào mùa nắng nóng này, ông Tiến cũng không thể chăm sóc tốt hoa Cúc như cách thức bấy lâu. Vì vậy, ở phần đất trồng hoa theo “Mô hình đối chứng” truyền thống, vẫn cách làm như bao nhiêu năm qua nhưng cây hoa kém phát triển, rất nhiều lá chết khô ở phần gốc, bông nhỏ, độ cao giữa các bông không đồng đều, bán ra thị trường chỉ đạt khoảng 1 ngàn đồng mỗi cây.

Trong khi đó, nhờ sử dụng phân bón lá thủy phân từ trùn quế do Trung tâm ứng dụng và Thông tin KH-CN thuộc sở Khoa học công nghệ tỉnh thực hiện thí điểm “Mô hình đề tài” ở ngay khu bên cạnh, cả vườn hoa Cúc không những có thể chống chọi được với thời tiết nắng nóng trong giai đoạn vừa qua mà còn phát triển vượt bậc so với loài hoa trồng ở “mô hình đối chứng”. Đặc biệt, toàn bộ cây Cúc ở “mô hình đề tài” không bị cháy lá gốc, bông dày, cây to khỏe, lá nhiều, độ cao giữa các bông đồng đều, được thương lái đến tận vườn đặt mua sĩ với giá từ 4 đến 5 ngàn/ 1 cây.

Ông Trang Tiến cho biết:

“Qua cái mô hình này hiệu quả rất là cao, từ cái cây, bộ rễ đến cái thân, cái lá phát triển rất tốt và chống được nhiều sâu bệnh. Về cái hiệu quả kinh tế thì cũng rất rõ ràng. Phân bón lót, phân chuồng cũng như phân vô cơ bón vô đây bớt được ba phần tư luôn. Ở mô hình đối chứng phải làm gấp 3 lần như vậy mà cây vẫn không đạt, nó cháy lá và cây rất nhỏ, không đáp ứng thị trường. Bên này nói chung cây cối phát triển rất là đẹp. Nói chung không có điểm nào để người tiêu dùng chê được.”

Những năm gần đây, số hộ dân trồng hoa cây cảnh ở Hội An tăng mạnh, với nhiều mặt hàng như Quật, Cúc, Ly Ly, Dạ Thảo, Mãn Đình Hồng… Hầu hết bà con đều sử dụng phân hóa học để bón cho cây trồng, ảnh hưởng đến thổ nhưỡng và rất tốn kém chi phí, nhất là đối với hộ có diện tích trồng lớn.

Việc thực hiện thí điểm mô hình sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế với hiệu quả cao sẽ mở ra cho người trồng hoa cây cảnh ở Hội An hướng đi mới trong việc sử dụng phân “sạch”, thân thiện trong sản xuất. Bởi loại phân này dễ sử dụng, tốn ít công sức lao động và quan trọng là giá thành mua nguyên liệu thủy sinh ban đầu rẻ hơn nhiều so với phân hóa hack thông thường, an toàn với sức khỏe và có lợi cho thổ nhưỡng.

Thêm vào đó, cây trồng có khả năng chống chọi sâu bệnh tốt và sống lâu hơn. Đối với các loài cây thu hoạch bông như hoa Đồng Tiền, hoa Hồng, khi sử dụng loại phân này, thời gian cây sinh trưởng dài, trổ bông liên tiếp, người trồng hoa có thể thu hoạch bông nhiều lần mà cây vẫn chưa tàn. Còn các loại cây hoa trang trí, treo giàn thì người chơi hoa có thể “chơi” dài lâu hơn so với các loại hoa chăm bón bằng phân hóa học. Từ kết quả này, ông Lê Ngọc, Cán bộ Trạm Khuyến nông, khuyến lâm Thành phố Hội An, đơn vị phối hợp với Sở KH và Công nghệ tỉnh thực hiện Đề tài tại Hội An chia sẻ: “Ở Hội An, số hộ trồng hoa cây cảnh tới cả ngàn hộ lận. Qua hiệu quả hai mô hình này, chúng tôi sẽ đề nghị nhân rộng, hỗ trợ cho bà con triển khai tiếp để phát triển kinh tế.”

su-dung-dich-trun-que-tren-hoa-cuc-va-hoa-dong-tien-tai-hoi-an-dem-lai-hieu-qua-cao-phantrunque3

Mô hình đề tài

Trực tiếp khảo sát mô hình tại 2 vườn trồng hoa cây cảnh thực nghiệm sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế, ông Phan Văn Phu, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cũng cho biết thêm: “Trung tâm ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam đang thực hiện một đề tài phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế. Đây là một công nghệ mới và tôi cũng hy vọng rằng công nghệ này sẽ được nhận rộng ở Hội An và cả ở các xã phường khác trong tỉnh Quảng Nam”

Từ kết quả thực nghiệm đề tài sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế để trồng hoa cây cảnh, có thể nói, khi được nhân rộng, mô hình không chỉ giúp bà con trồng hoa cây cảnh ở thành phố Hội An thu đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn giải được bài toán phân bón theo hướng sử dụng phân hữu cơ thân thiện với môi trường. Đây là cơ sở thực tiễn để người trồng hoa cây cảnh chuyển đổi từ phân bón hóa học sang sử dụng phân bón hữu cơ, phù hợp với chủ trương xây dựng Hội An thành phố sinh thái trong thời gian đến.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (2 bình chọn)