Xuất khẩu hồ tiêu theo hướng bền vững

126 lượt xem

Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu xuất khẩu, chiếm tới 50% sản lượng tiêu xuất khẩu của toàn thế giới.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, để phát triển hồ tiêu bền vững, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế chưa có thương hiệu, phần lớn xuất thô, giá thấp, vệ sinh an toàn thực phẩm kém và phát triển không theo quy hoạch.

Xuất khẩu hồ tiêu

Hồ tiêu tại Việt Nam

Xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tại Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững 2013, trong giai đoạn 2011-2013, ngành Hồ tiêu liên tục tăng trưởng xuất khẩu (XK), từ sản lượng 118.416 tấn năm 2011 tăng lên mức 125.000 tấn năm 2013, chiếm 50% sản lượng tiêu XK của toàn thế giới, kim ngạch ước đạt 850 triệu USD. Tiêu Việt Nam hiện được XK đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ với giá trung bình tiêu đen là 6.471 USD/tấn, tiêu trắng 8.911 USD/tấn.

Cả nước hiện có 13 nhà máy chế biến tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, tổng công suất trên 60.000 tấn năm, chủng loại bao bì đóng gói đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Ngành tiêu Việt Nam hiện giữ vai trò điều tiết lưu thông, bình ổn giá cả cho toàn thế giới, thu nhập và lợi nhuận chủ yếu thuộc về người trồng tiêu, DN kinh doanh XK có hiệu quả.

“Dự báo năm 2014 tình hình sản xuất XK hồ tiêu tiếp tục ổn định về giá cả với sản lượng 130.000 tấn và kim ngạch 900 triệu USD. Từ năm 2015 trở đi có thể xuất hiện những khó khăn thách thức mới về cung cầu, giá cả. Dù trong hoàn cảnh nào Việt Nam vẫn là nhà sản xuất XK hồ tiêu hàng đầu thế giới nếu có sự thống nhất trong chuỗi cung ứng từ nông dân đến đại lý, DN cung ứng và cuối cùng là DN XK, trong đó nông dân chi phối lượng bán ra và giá cả”, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VPA cho biết.

TS. Đỗ Trung Bình – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam cho biết, kim ngạch nhập khẩu (NK) gia vị toàn thế giới ước đạt 3 tỷ USD năm 2013, trong đó hồ tiêu chiếm 44% trở thành gia vị đứng đầu thế giới về khối lượng và giá trị. Dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu ước đạt 315.000 tấn năm nay, tăng 5% so với 2012, nếu tính cả lượng tiêu thụ nội địa của các nước trồng hồ tiêu thì khả năng XK còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

“Do năng suất cao gấp 2,9 lần so với Indonesia, gấp 8,2 lần so với Ấn Độ nên giá thành sản xuất hồ tiêu Việt Nam thấp hơn các nước. Mặt khác chất lượng hồ tiêu được đánh giá không thua kém các nước XK khác về mùi vị, màu sắc, hàm lượng dầu”, TS. Đỗ Trung Bình nhận định.

Hướng đến bền vững

Theo VPA, các yếu tố giúp ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới là khả năng bình ổn giá của người nông dân và phát triển diện tích hồ tiêu theo quy hoạch, hướng đến sản phẩm sạch. Theo đó, hiện diện tích hồ tiêu đã đạt xấp xỉ 60.000 ha, vượt mức quy hoạch 50.000 ha của Bộ NN & PTNN, vì vậy VPA khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích nơi điều kiện tự nhiên không phù hợp. Chuyển từ phát triển về số lượng sang chất lượng, nâng cao thị phần XK tiêu trắng, tiêu bột nhằm tăng giá trị sản phẩm, sản xuất theo quy trình GAP xu hướng hữu cơ bền vững.

Đồng thời các DN XK hồ tiêu thực hiện tốt việc cập nhật thông tin về giá cả và thương mại, phân tích tổng hợp dự báo cung cầu, giá cả thị trường, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý, sớm đưa vào thực hiện từ sản xuất đến XK tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ.

“6 năm qua, người trồng tiêu Việt Nam đã tỉnh táo, không sa vào bẫy thông tin nhiễu loạn về cung cầu, giá cả, giá xuống đồng loạt giữ hàng không bán, chủ động lựa chọn thời điểm bán ra thích hợp, tạo quyền định đoạt về giá bán, hạn chế sự chi phối của các nhà đầu cơ. Đây là bài học thành công của ngành hồ tiêu trong đó nông dân và DN đã đồng thuận và kiên trì thực hiện”, ông Đỗ Hà Nam cho biết.

Dưới góc độ DN, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Công ty CP Giám định và Chứng nhận hàng hóa Việt Nam cho rằng một vấn đề then chốt nữa là ngành hồ tiêu cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua hạn chế đến mức thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân là do trong năm 2013, VPA và các DN XK hồ tiêu đã phải rất khó khăn khi giải quyết một thông tin không tốt cho tiêu Việt Nam về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, các cơ quan quản lý và VPA cần phối hợp tổ chức một chương trình đánh giá toàn diện việc sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên mẫu tiêu Việt Nam. Việc này giúp cải tiến kịp thời và củng cố uy tín cho hồ tiêu Việt Nam.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết