Tìm hiểu trồng rau sạch bằng phân hữu cơ tại Thái Nguyên, theo baotintuc.vn. Bao đời nay người nông dân Bản Nà Pẻn, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gắn bó với cây lúa và hoa màu. Việc trồng trọt của đồng bào nơi đây phụ thuộc vào thiên nhiên, nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn.
Cái nghèo đeo đẳng, nhiều người đã rủ nhau xuống Hà Nội, vào Nam làm thuê kiếm sống, trẻ thì làm công nhân, lớn tuổi thì làm giúp việc gia đình hay bán hàng rong, phụ hồ… mong thoát nghèo, nhiều người trong bản cũng bị cơn sóng ly hương kiếm sống cuốn theo.
Chị Lưu Thị Thủy chăm sóc vườn rau sạch của gia đình
Mặc cho làn sóng “ly hương”, chị Lưu Thị Thủy và rất nhiều người khác ở bản Nà Pẻn vẫn kiên nhẫn, chăm chỉ và miệt mài với mảnh đất quê hương, với nghề nông truyền thống. Những năm gần đây, được sự hướng dẫn của chính quyền xã, cũng như các đoàn thể và sự tự lực vươn lên vượt khó của bà con, nên đời sống người dân nơi đây đã dần được cải thiện và nâng cao.
Năm 2011, chị Thủy và các hộ gia đình ở bản Nà Pẻn được tham gia các lớp học về chăm sóc và trồng rau sạch do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đinh Hóa tổ chức. Mỗi tuần học 2 buổi, chị Thủy và 12 người khác trong “Nhóm rau sạch” của bản đã được học cách trồng rau từ phân bón hữu cơ, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.
Chị Thủy cho biết: “Tôi trồng rau từ lâu rồi, vẫn ăn rau hàng ngày, nhưng sau khi được đi học mới biết làm thế nào để trồng rau tốt mà vẫn an toàn cho việc sử dụng. Và nhờ có lớp học này, tôi có ý thức hơn trong trồng trọt cũng như chăn nuôi. Bây giờ nhiều hộ gia đình chỉ nghĩ đến kết quả làm sao để trồng rau nhanh tốt, rau hay củ quả mỡ màng, mà không tính đến sự an toàn cho người sử dụng, cho môi trường. Chị em chúng tôi được học, được biết rồi về chia sẻ những hiểu biết, lợi ích của trồng rau sạch cho bàn con trong bản ”.
Chị Lưu Thị Thủy và đàn gia cầm của gia đình
Khi được hỏi về việc tiêu thụ rau sạch. Chị cười hồn hậu: “Tôi không kinh doanh, chỉ là trồng rau sạch bán cho bà con, toàn người quen ở trong xã, trong huyện, họ đều thích ăn rau nhà tôi vì yên tâm. Quan trọng là phải tạo được niềm tin cho người mua. Họ biết mình, biết vườn rau của mình, tin tưởng sản phẩm rau của mình không độc hại, họ truyền tai nhau”.
Gắn bó với mảnh đất quê hương, với 8 sào ruộng lúa, mỗi vụ lúa đạt năng suất 2 tạ/sào và mỗi năm 2 lứa lợn cùng đàn, gà vịt và đặc biệt là vườn rau sạch 5 sào, mùa nào thức ấy, gia đình chị Lưu Thị Thủy là hộ có thu nhập khá cao ở bản Nà Pẻn.
Nhờ trồng rau sạch, gia đình chị Thủy và nhiều hộ khác trong bản đã xây dựng được những ngôi nhà kiên cố khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình và cho con cái học hành. Không còn lo đói nghèo, đời sống đã khá lên, nhưng chị và nhiều hộ gia đình ở Nà Pẻn vẫn đang tìm một hướng đi mới từ ruộng vườn quê hương để vươn xa hơn, phát triển hơn.
Sfarm.vn tổng hợp & biên tập