Kỹ thuật trồng dưa lưới thủy canh chuẩn chuyên gia

1865 lượt xem
Tuy mới xuất hiện không lâu nhưng dưa lưới được rất nhiều người tin dùng vì chất lượng ăn rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Hiện nay việc trồng dưa lưới thủy canh đang được áp dụng phổ biến vì cho năng suất cao và đảm bảo chất lượng an toàn khi sử dụng. Hãy cùng ĐGT tìm hiểu về kỹ thuật trồng dưa lưới thủy canh cho năng suất tốt qua bài viết này nhé!

1/ Đặc điểm của dưa lưới thủy canh

Thân thuộc dạng thân thảo có đặc tính leo bò và có nhiều tua cuốn.Thân chính thường phân nhánh, bên ngoài có nhiều lông tơ. Lá mọc cách trên thân chính, có màu xanh thẫm, dạng lá hơi tam giác (hình chân vịt 5 cạnh), 2 mặt phiến lá đều có lông, rìa nguyên hay có răng cưa. Hoa đực mọc thành chùm 5 – 7 hoa có cuống ngắn, mọc từ nách của thân chính và nhánh. Hoa cái đơn tính hoặc lưỡng tính mọc đơn ở nách lá trên cành, lá đài xanh, hoa có cánh dính, màu vàng. Quả thuộc loại quả thịt, hình tròn khi chín chuyển sang màu vàng tươi hoặc xanh có vân lưới nổi lên xung quanh, khi quả chín có hương thơm đặc trưng.

2/ Điều kiện sinh trưởng của dưa lưới trồng thủy canh

Trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển, cây dưa lưới chịu tác động của nhiều yếu tố ngoại cảnh như: nhiệt độ, ánh sáng, nước, đất đai.

  • Nhiệt độ: dưa lưới là cây trồng nhiệt đới ưa nhiệt độ cao và ánh sáng mạnh. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển từ 17- 33ºC, phạm vi tối thích tương đối rộng nên có thể gieo trồng ở hầu hết các tháng trong năm trừ những ngày giá rét (<15oC). Nếu nhiệt độ dưới 18oC sẽ bất lợi cho sự nở hoa, quá trình thụ phấn và hình thành quả, trên 35oC quả dễ bị dị hình và phẩm chất kém.
  • Ánh sáng: dưa lưới cần nhiều ánh sáng từ khi xuất hiện lá mầm đầu tiên cho đến khi kết thúc sinh trưởng. Khi trời âm u, ít ánh sáng, lại có mưa phùn thì cây con (2 – 3 lá thật) dễ mắc bệnh thối nhũn, lở cổ rễ. Cây dưa lưới phát triển kém trong điều kiện ánh sáng yếu, giảm tỷ lệ đậu quả và phẩm chất kém.
  • Ẩm độ: Dưa lưới có khả năng chịu hạn nhưng không chịu được úng. Ẩm độ thích hợp cho sự phát triển của cây dưa lưới là khoảng 75 – 80%, ẩm độ cao trong giai đoạn phát triển sẽ làm tăng sâu bệnh.
  • Đất đai và dinh dưỡng: dưa lưới thích hợp với các loại đất có sa cấu trung bình và nhẹ, thoát nước tốt, tầng canh tác sâu, trong quá trình canh tác cần bón đầy đủ, cân đối NPK và phân chuồng. Độ pH từ 6 – 6,5, các loại đất có pH<6 thì cây bị vàng lá và ít hoa cái. Khi trồng dưa lưới trên giá thể thì yêu cầu giá thể phải tơi xốp, độ pH từ 6 – 7 và phải được xử lý trước khi phối trộn để đảm bảo không còn chứa nguồn bệnh và các chất gây hại cho cây dưa lưới như chất tannin có trong mụn dừa.

Cay Dua Luoi Thuy Canh

3/ Chuẩn bị vật liệu trồng dưa lưới thủy canh

3.1 Giá thể – rọ thủy canhĐể cây phát triển tốt, bạn cần chọn những loại giá thể giúp giữ ẩm và thoát nước tốt như: xơ dừa, tro trấu. Rọ trồng chọn loại có kích thước phù hợp, đảm bảo có đủ chỗ để rễ cây phát triển.

3.2 Dung dịch thủy canh

Chọn loại chuyên dụng cho cây trồng, phù hợp với đặc thù sinh trưởng phát triển của cây. Dung dịch thủy canh cung cấp các dưỡng chất đa vi lượng và các axit amin cần thiết cho cây. Dinh dưỡng thuỷ canh mua rất dễ bạn có thể ra các cửa hàng bán vật tư rau giống là mua được.

3.3 Bút đo pH

Đây cũng là một dụng cụ không thể thiếu bởi mỗi loại cây trồng sẽ có yêu cầu về độ PH riêng, quyết định sự sinh trưởng của cây. Mức pH lý tưởng cho dưa lưới là 6,2 – 6,5. 

E.C là dụng cụ đo dinh dưỡng, nói cho dễ hiểu và ngắn gọn nồng độ của dinh dưỡng được điều chỉnh nhiều hay ít tùy thuộc vào nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây.

Nồng độ dinh dưỡng được điều chỉnh nhiều hay ít tùy thuộc vào nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây. Cây con thì nhu cầu sử dụng ít dinh dưỡng hơn cây đang ra trái. Độ E.C của dưa lưới dao động khoảng từ 1,2 (cây con) – 2,5 (ra trái).

3.4 Nguồn nước, điện

Nguồn nước trồng phải là nguồn nước sạch. Nguồn điện đảm bảo ổn định để không ảnh hưởng đến hoạt động của máy bơm.

4/ Cách gieo hạt dưa lưới thủy canh

Bạn có thể sử dụng các giá thể để ươm gieo hạt. Cho giá thể đã trộn ẩm vào rọ thủy canh và đặt các hạt giống vừa nhú mầm lên trên. Có thể cho thêm một lớp giá thể và phun ẩm lên bề mặt, đặt ở những chỗ râm mát. Sau 1 – 2 ngày, hạt sẽ tự nảy mầm (Ở giai đoạn này, bạn không nên tưới nước quá nhiều vì có thể khiến hạt bị úng). 

Để đơn giản hơn cho bước này, bạn cũng có thể sử dụng viên nén ươm hạt ( gồm mụn dừa, chất dinh dưỡng và vi sinh có sẵn). Chỉ cần đổ nước vào, viên nén sẽ nở to ra, cung cấp dưỡng chất để hạt nảy mầm.

5/ Cách trồng dưa lưới thủy canh

Khi cây con có hai lá mầm nên đưa rọ ra nơi có ánh nắng để cây phát triển tốt hơn, mỗi lỗ là một rọ. Lúc này rễ cây con bắt đầu hấp thu được dinh dưỡng nên chuyển cây con ra giàn và bổ sung dung dịch dinh dưỡng để cây phát triển. 

6/ Cách chăm sóc dưa lưới thủy canh

6.1 Thiết kế giàn

Khi trồng dưa lưới thủy canh, bạn không thể bỏ qua công đoạn này. Có thể làm giàn khi cây bắt đầu ra 4 – 5 lá. Có thể đóng cọc để tạo giàn hoặc lấy dây buộc nhẹ vào giàn lưới. Buộc dây cho dưa leo lên khi phát triển, treo giữ khi cây ra quả.

6.2 Dinh dưỡng

Không cần tưới quá nhiều trong giai đoạn cây con. Chờ khi cây ra 3-4 lá thì mới pha dung dịch để tưới, có thể tưới từ 0.5 – 0.8 lít/ngày cho cây.

6.3 Cắt tỉa lá và bấm ngọn

Từ khi cây ra 2 lá thật, cây sẽ tiếp tục ra thêm nhiều nách lá, nhánh nhỏ xung quanh. Lúc này, bạn cần ngắt hết đến khi nào ra đến lá thứ 8 hoặc 10 thì sẽ để nhánh đó lại. Nách lá đầu tiên của nhánh đó sẽ ra hoa cái. Khi nhánh mọc dài, nên bấm ngọn của nhánh, chỉ để lại 1 hoa cái và 1 lá cạnh bông cái.

6.4 Cách thụ phấn

Lấy hoa đực trên thân chính từ ngọn xuống để thụ phấn cho hoa cái, lột bỏ cánh hoa để lộ nhị hoa ra sau đó bôi nhẹ vào bông hoa cái đang nở để phấn hoa dính vào nhụy hoa cái. Thời gian thụ phấn từ 7 – 11 giờ sáng và kéo dài trong khoảng 7 ngày để đảm bảo hầu hết các cây đều đã được thụ phấn. Có thể thả ong trong vườn dưa lưới để thụ phấn nhanh và tỷ lệ đậu quả cao.

6.5 Ngắt ngọn

Sau khi tuyển quả thì tiến hành bấm ngọn cho cây (khoảng lá 22 – 25) để cây tập trung nuôi quả.

6.6 Phòng trừ sâu bệnh

Trong suốt thời gian trồng dưa lê siêu ngọt việc cây nhiễm sâu bệnh hại là khó tránh khỏi, cần ngăn ngừa cũng như chữa trị kịp thời cho cây.

Bọ trĩ: Dùng tau – Fluvalinate 25%Ec (marvik) có nồng độ 3000, Bendiocard 50%Wp (Garvox, Multamet). 

Bệnh chảy nhựa thân: Tưới hoặc phun gốc Benlate, Ridomil, Copperb 23%, Aliette 80Wp.

Bệnh sương mai: Phun luân phiên 5 – 7 ngày/ lần bằng Ridomil MZ nồng độ 400, Metiran 80% nồng độ 500.

Bệnh lở cổ rễ: Bón vôi luân canh cùng với cây trồng, phun phòng định kỳ bằng Topsin, Ridomil…

Bệnh phấn trắng: Phun Benlate 0,01%, Topsin 0,1%, Anvil…

Bệnh thán thư: Phun định kỳ 7 – 10 ngày/ lần với Antrcol 70Wp, Zineb.

6.7 Treo và bảo vệ quả

khi quả có đường kính trên 5 cm thì dùng dây treo quả lên cao tránh tiếp xúc với mặt đất, tránh trường hợp quả nặng có thể kéo gãy cây.

6.8 Thu hoạch

Thời điểm quả chuyển sang màu vàng hoặc xanh tùy giống, lá gần quả nhất chuyển sang vàng hoặc héo, tua cuốn sát quả bị khô, xung quanh cuống quả có những vết nứt đều thì trái đã đủ độ chín để thu hoạch. Trước khi thu hoạch 5 ngày tiến hành giảm dần lượng phân bón và lượng nước tưới, trước khi thu hoạch 2 ngày tiến hành cắt nước. Thu hoạch vào buổi sáng khi trời mát. Thu hái cẩn thận, tránh bị vết thương sẽ tạo ra etylen làm quả nhanh chín, dễ hư hỏng và loại bỏ những quả có dị tật. Trái sau thu hoạch bảo quản ở điều kiện thường trong vòng 7 ngày, sau thời gian này quả sẽ không ngon và bị giảm độ ngọt.

Trên đây là một số thông tin hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa lưới thủy canh cũng như một số lưu ý khi chăm sóc. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!

*Xem thêm
=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết