Trồng cây che phủ mang lại lợi nhuận cho nông nghiệp

358 lượt xem

Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp và phát triển của Pháp tại Việt Nam (Cirad) vừa giới thiệu các một số phương pháp canh tác nhằm vừa phát triển nông nghiệp bền vững vừa bảo vệ môi trường, sinh thái. Trong đó, trồng cây che phủ là phương pháp đề cập là một giải pháp có tính đa lợi ích cho nông nghiệp.

Phương pháp trồng cây che phủ

Phương pháp trồng cây che phủ mang lại đa lợi ích

Trồng cây che phủ cho đa lợi ích

Tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, các hệ thống sản xuất du canh truyền thống trồng lúa dựa vào nước trời được thay thế bằng sản xuất độc canh và thâm canh cây ngô, sử dụng ồ ạt các giống ngô lai, thuốc bảo vệ thực vật, phân khoáng, tiến hành cày bừa trên đất dốc. Trồng ngô giúp cải hiện đáng kể thu nhập của người dân. Tuy nhiên, phương thức sản xuất thâm canh và độc canh ngô đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống con người và môi trường. Chẳng hạn, xói mòn đất và giảm độ phì nhiêu của đất, đánh mất đa dạng sinh học, rủi ro về kinh tế và môi trường tăng cao.

Vì vậy, việc tìm giải pháp kỹ thuật canh tác thay thế là yêu cầu bức thiết đặt ra vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho Việt Nam. Tiến sĩ Lienhard Pascal nêu một trong những giải pháp hữu hiệu được thực hiện thành công tại Sayabouni (Lào), đó là trồng thẳng với luân canh, xen canh kết hợp che phủ đất.

Nếu trước đây, khi trồng cây ngô, người dân phải chặt cây, phá rừng để mở rộng diện tích, vừa gây thiệt hại nhiều diện tích rừng, vừa tốn nhiều chi phí sản xuất. Đất bị xói mòn, bạc màu ngày càng nhiều, càng cày xới nhiều cỏ lên càng nhiều, chi phí làm thuê nhân công làm cỏ hết khoảng 175 Euro/ha (tất nhiên chi phí này sẽ không thể không thay đổi trong vòng 10 năm).

Nhiều nghiên cứu của Cirad trên thế giới chứng minh khi người dân thực hiện kỹ thuật canh tác luân canh, xen canh và che phủ đất, kết hợp với giống ngắn ngày sẽ giúp tăng vụ, tăng năng suất, đa dạng cây trồng, giảm công lao động, giảm thiệt hại rủi ro về nông nghiệp, ví dụ trồng ngô xen canh với đậu nho nhe ở vùng Tây – Nam Madagascar, cây ngô bị thiệt hai nặng nề do nạn châu chấu gây ra nhưng cây đậu nho nhe không bị ảnh hưởng gì.

Tương tự ở Việt Nam, Cirad đã chỉ ra rất nhiều các nghiên cứu về phương pháp trồng thẳng kết hợp với xen canh, luân canh và che phủ đất rất thành công và được áp dụng tại nhiều tỉnh thành như: Trồng xen canh ngô với đậu tương; xen canh ngô với lạc; lạc xen sắn…

Ông LIENHARD Pascal, chuyên gia của Cirad nói: “Với phương án trồng cây che phủ và cải tạo đất có thể giảm 50% lượng phân bón trong nông nghiệp tại Việt Nam”.

Kỹ thuật canh tác ngô nương có thảm thực vật che phủ đất
Theo Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp miền núi phía Bắc – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chứng minh nhiều biện pháp trồng cây nông nghiệp trên đất dốc mang lại đa lợi nhuận cho nông nghiệp, trong đó có biện pháp kỹ thuật canh tác ngô nương có thảm thực vật che phủ và biện pháp kỹ thuật tạo tiểu bậc thang kết hợp phủ đất trên đất có độ dốc lớn.

Cụ thể, phương thức kỹ thuật canh tác ngô nương có thảm thực vật che phủ đất làm tăng tỷ lệ mọc mầm của ngô, giữ ẩm cho đất; tăng năng suất ngô hạt từ 30 – 50% (tùy theo độ dốc và tính chất đất); hạn chế tơí 85% lượng đất xói mòn, khống chế gần như hoàn toàn cỏ dại, tăng cường hoạt động sinh vật đất.

Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp miền núi phía Bắc đã chỉ ra cách làm này: Tận dụng rơm rạ, thân lá thực vật khô, thân lá cây trồng vụ trước ở khu vực rồi phủ toàn bộ lên mặt đất. Khi điều kiện thích hợp, tiến hành gieo trồng bằng cách chọc lỗ tra hạt mà không phải cày, bừa đất. Biện pháp chăm sóc ngô bình thường không cần vun xới. Chỉ thu hoạch bắp ngô, thân lá để lại nương làm vật liệu che phủ cho vụ sau.

Phương pháp này được áp dụng và nhân rộng ra nhiều địa phương như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Yên Bái, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Kỹ thuật tạo tiểu bậc thang kết hợp phủ đất trên đất có độ dốc lớn

Hiệu quả mang lại, năng suất ngô hạt tăng từ 30 – 80% so với ngô trồng trên nương không tạo tiểu bậc thang; hiệu quả kinh tế tăng từ 20 – 60% (tùy theo độ dốc và phương thức canh tác). Hạn chế trên 90% lượng đất xói mòn; tác dụng thay đổi tính chất đất theo chiều hướng tích cực; khống chế gần như hoàn toàn cỏ dại.

Cách làm: Dùng cuốc, bai để san, để tạo thành tiểu bậc thang có bề mặt từ 30 – 40cm, chiều cao bậc thang 40 – 70cm tùy theo độ dốc. Phải tạo bậc thang lần lượt từ dưới chân đồi lên đến đỉnh đồi. Dùng thân, lá, cỏ che phủ bề mặt rồi chọc lỗ tra hạt không thông qua làm đất; có thể trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc ở mép bậc thang để giữ đất. Khi cỏ ở mép bậc thang mọc tốt thì dùng liềm cắt cỏ làm vật liệu che phủ hoặc cho gia súc ăn, không được dùng cuốc để làm cỏ; chăm sóc bình thường không cần vun sới; khi thu hoạch chỉ thu hoạch bắp còn thân, lá giữ lại để che phủ cho vụ sau.

Phương pháp được áp dụng và nhân rộng tại các địa phương như: Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La…

Các giải pháp canh tác nêu trên có hiệu quả rất cao, nhưng Tiến sĩ Lienhard Pascal khuyến cáo: “Do địa hình từng địa phương có độ dôc khác nhau và thổ nhưỡng khác nhau, điều kiện của từng nông hộ cũng khác nhau nên trước khi áp dụng cần phải nghiên cứu cụ thể”.

(Lưu Huyền)
Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết