THANH LONG PHÁT TRIỂN NÓNG: LO TỪ TRUNG QUỐC

130 lượt xem

Thanh long phát triển mạnh tại thị trường Trung Quốc, nhưng những dấu hiệu mới từ nước này đang báo trước một khó khăn cực lớn cho thanh long Việt Nam những năm tới, nếu như chúng ta không có sự chuyển hướng kịp thời ngay từ bây giờ. Báo hiệu nguy cơ mất thị trường lớn này.

>> Thanh long bùng nổ diện tích

Sức ép từ Trung Quốc

Theo bà Lê Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nông nghiệp GAP (TP HCM), thanh long đang là loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất hiện nay. Mỗi năm, riêng giá trị xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đã đạt khoảng 285 triệu USD. Điều đáng lo ngại nhất đối với sự phát triển cây thanh long ở nước ta là sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, bởi đây là thị trường còn khá dễ tính.

Bà Tú Anh ước tính có tới 80-90% thanh long xuất khẩu là đi vào thị trường này. Còn theo TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu CĂQ Miền Nam), hơn 40% kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam là từ thanh long, trong đó, có đến 77% thanh long được xuất sang Trung Quốc, chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch.

Trong khi đó, những thị trường khó tính, giá bán rất cao và có tiềm năng phát triển như Mỹ chỉ chiếm 3%, châu Âu 4%, Nhật 1,5%. Do giá trị nhập khẩu thanh long là không nhỏ, vì thế, Trung Quốc đang đẩy mạnh trồng cây thanh long để phục vụ cho nhu cầu nội địa.

Đến nay, diện tích thanh long ở Trung Quốc đã lên tới trên 20 ngàn ha, gần bằng tổng diện tích thanh long của Việt Nam. Cây thanh long chỉ trồng hơn 2 năm là đã bắt đầu ra trái, cho thu hoạch. Bởi thế, chỉ mấy năm nữa, khi diện tích thanh long Trung Quốc bước vào thu hoạch, sẽ tạo nên sức ép rất lớn tới việc nhập khẩu thanh long Việt Nam vào nước này.

Bà Tú Anh nói: “Khi diện tích thanh long hiện nay cho thu hoạch, Trung Quốc gần như có thể tự cung cấp thanh long trong thời gian khoảng 9 tháng mỗi năm cho nhu cầu của người dân nước này. Trung Quốc chỉ có 3 tháng mùa đông, do tiết trời quá lạnh, sẽ không có thanh long để thu hoạch.

Khi ấy, mới có cơ hội cho thanh long Việt Nam vào thị trường này. Hiện thanh long Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc mà nếu chỉ còn có 3 tháng để bán được thanh long sang đó, thì cả ngành thanh long Việt Nam coi như chết”.

TS Lương Ngọc Trung Lập cũng cho rằng: “Khi diện tích thanh long ở Trung Quốc cho thu hoạch thì chắc chắn chúng ta sẽ bị mất thị trường này và các thị trường khác cũng sẽ bị cạnh tranh khốc liệt. Nếu chất lượng thanh long Việt Nam không cao, không đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP sẽ rất gay go”.

Lối ra nào?

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, trước đây 99% lượng thanh long xuất khẩu trên thế giới là từ Việt Nam, bởi chỉ có nước ta mới trồng loại cây ăn trái này.

Nhưng bây giờ, Trung Quốc đang đẩy mạnh trồng thanh long ở Hải Nam. Các nước trong khu vực như Thái lan, Philippines… cũng đã đầu tư trồng thanh long. Vì thế, diện tích thanh long cần phải xem xét theo hướng có thể giảm xuống chứ không nên phát triển ồ ạt như hiện nay (Bài:Thanh long “bùng nổ” diện tích, NNVN ngày 7/11/2013).

Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, việc phát triển diện tích thanh long ở tỉnh này một cách tự phát, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh trồng thanh long, rõ ràng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhất là khi đến giờ này, diện tích thanh long của Long An đạt tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ mới có vài chục ha. Vì thế, thanh long vẫn khó lòng xuất sang các nước khó tính với số lượng lớn.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác khuyến nông để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn để tăng cạnh tranh. Mặt khác, các ngành liên quan cũng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường để chuẩn bị thay thế thị trường Trung Quốc” – ông Đức nói.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn an toàn, sạch, ngành thanh long cần đầu tư ngay vào chế biến thanh long. Theo TS Võ Mai, ở một số nước Nam Mỹ như Chilê…, người ta đã có tới 10 sản phẩm chế biến từ thanh long. Từ trái thanh long và cả cây thanh long, có thể tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế. Dễ nhất là làm rượu thanh long, làm nước thanh long lên men.

Hiện nay, HTX Long Hậu (Châu Thành, Long An), đã sản xuất được những sản phẩm này. Từ trái thanh long, cũng có thể làm các sản phẩm như mứt, hạt thanh long có thể chiết xuất ra tinh dầu giúp kháng ung thư… Vỏ của trái thanh long có thể chế biến ra bột màu an toàn dùng trong chế biến thực phẩm hay làm mỹ phẩm cho phụ nữ.

Nhưng để có thể chế biến từ thanh long ra những sản phẩm như thế, thì trước hết, cũng phải xây dựng quy trình sản xuất thanh long một cách an toàn, nhất là ở khâu phun xịt thuốc BVTV.

Nhằm né thị trường Trung Quốc và quan trọng hơn là thâm nhập được sâu rộng vào các thị trường khó tính, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động đi sâu vào chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ trái thanh long. Điển hình như Cty CP Nông nghiệp GAP đã thành công trong việc sản xuất ra sản phẩm thanh long sấy. Hiện sản phẩm này đã được Cty CP Nông nghiệp GAP xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Canada và Úc.

Cty này cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đưa thanh long sấy vào thị trường Nhật Bản. Do đã được khách hàng ở những thị trường trên chấp nhận, nên Cty CP Nông nghiệp GAP đang đẩy mạnh việc liên kết với nông dân ở Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) để trồng thanh long hữu cơ, nhằm tạo nguồn thanh long nguyên liệu sạch với khối lượng lớn (bởi để có 1 kg thanh long sấy cần tới 11-12 kg thanh long tươi).

Đây cũng là một hướng đi mang tính gợi mở để các doanh nghiệp và người trồng thanh long có thể tham khảo nhằm giúp nâng cao chất lượng cũng như giá trị cho trái thanh long Việt Nam, có thể thâm nhập ngày càng nhiều hơn vào các thị trường khó tính, qua đó tránh được nguy cơ bị đổ vỡ khi thị trường Trung Quốc đã có thể tự cung cấp được sản phẩm này.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết