Tây Nguyên thuộc số ít nơi trên thế giới trồng tốt cây mắc ca

198 lượt xem

Mắc-ca muốn phát triển được phải đòi hỏi tất cả những điều kiện thích nghi về đất đai, nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, độ cao, … Tây Nguyên là một trong số ít nơi trên thế giới có điều kiện phù hợp để trồng mắc ca.

Lâm Đồng đang có khoảng 150.000 ha trồng cây cà phê, và để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tỉnh này đã có định hướng dành khoảng 10-15% diện tích trồng xen canh với cây mắc-ca và một phần nhỏ trồng mới.

“Với những ưu thế vượt trội cả về giá trị kinh tế lẫn giá trị sử dụng, cây mắc-ca đang được coi là niềm hy vọng “tỷ đô” cho bà con khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Ở những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp, mắc-ca sinh trưởng, phát triển rất tốt, và mảnh đất Tây Nguyên là một trong số ít những nơi trên thế giới được hưởng ưu đãi do thiên nhiên ban tặng”, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng nói.

caymacca-phantrunque1

Điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi của Tây Nguyên sẽ là lợi thế cạnh tranh để trồng mắc-ca theo các mô hình lớn tập trung.

“Thủ phủ mắc-ca”

Việc trồng thí điểm mắc-ca do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng thực hiện đến nay đã có những kết quả gì, thưa ông?

Hiện tại, theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, cây mắc-ca đã được đưa vào là một cây trồng mới và được quy hoạch phát triển đến năm 2020 với khoảng 22.000 ha trồng tập trung ở 7 huyện, trong đó có 20.000 ha là trồng xen canh với cây cà phê và chỉ có 2.000 ha là trồng mới.

Tại Lâm Đồng có khoảng 15 giống mắc-ca được trồng. Sau 9 năm trồng, một số giống có năng suất đạt từ 7 – 9 kg hạt/cây, cá biệt có những cây cho năng suất trên 10 kg hạt/cây; dự báo khả năng từ năm thứ 12 trở lên – giai đoạn kinh doanh chính thức, năng suất có thể đạt đến 12 – 15 kg hạt/cây, tương đương với năng suất của mắc-ca ở vùng nguyên sản Úc.

Theo thông tin tôi được biết, hiện có một số doanh nghiệp/tổ chức có tham vọng được đồng hành với Nhà nước và bà con nông dân để biến Tây Nguyên trở thành “thủ phủ mắc-ca” trong khu vực, trước tiên là thí điểm ở Lâm Đồng.

Mắc-ca muốn phát triển được phải đòi hỏi tất cả những điều kiện thích nghi về đất đai, nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, độ cao…, những yếu tố này sẽ tác động đến vấn đề ra hoa của cây.

Ví dụ, trong thời điểm cây ra hoa, nếu gặp phải những cơn mưa trái mùa hoặc sương mù nhiều thì cây sẽ không thể thụ phấn được, hoặc nếu trồng mắc-ca ở những nơi gió nhiều thì cây sẽ ngã đổ hết, bên cạnh đó, thời gian phân hóa mầm hoa của cây đòi hỏi phải diễn ra đúng vào thời kỳ khô hạn và phải có nhiệt độ ban đêm từ 15-18 độ C

Tuy vậy, ở những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp, cây mắc-ca sinh trưởng rất tuyệt vời, và mảnh đất Tây Nguyên của chúng ta là một trong số ít những nơi trên thế giới được hưởng ưu đãi do thiên nhiên ban tặng.

Cùng với Úc và Hawaii – những vùng đất trồng mắc-ca truyền thống, Tây Nguyên hoàn toàn có thể trồng được những cây mắc-ca cho quả chất lượng tốt.

Đâu là vai trò của Trung tâm trong phát triển cây mắc-ca tại địa phương?

Trên thực tế, hiện nay chưa có bất cứ một quy trình kỹ thuật chính thức nào được áp dụng chung cho tất cả các vùng sinh thái trồng mắc-ca tại tỉnh Lâm Đồng. Dựa trên lý thuyết nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng một bộ quy trình chuẩn để chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân khi bắt tay vào trồng loại cây mới này.

Đó là công việc ưu tiên của ngành khuyến nông mà chúng tôi thấy cần phải tham gia và đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, tôi nhận thấy cái chúng ta đang thiếu nhất hiện nay là xây dựng chuỗi giá trị trong quy trình khép kín từ khâu trồng đến chế biến, tiêu thụ mắc-ca. Song song với định hướng quy hoạch nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng từ năm 2015 đến năm 2020, chúng ta cũng cần xây dựng chuỗi giá trị này để đảm bảo sự phát triển bền vững cho bà con.

Quy mô trồng mắc-ca hiện tại của bà con nông dân còn nhỏ lẻ, phân tán nên sản lượng không nhiều. Do đó, việc quy hoạch vùng nguyên liệu lớn và tập trung là cần thiết, khi đó, bài toán về việc chế biến sâu mới hiệu quả…

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ sản xuất cũng là vấn đề cần cân nhắc ngay lập tức. Bởi hiện nay chúng ta có hai mươi mấy ngàn hộ nông dân trồng cà phê ở tỉnh Lâm Đồng cần sự hỗ trợ về vốn và giống cây để khởi tạo vùng nguyên liệu mắc-ca ban đầu.

Nông dân muốn trồng, nhưng chi phí còn cao

Chuyển đổi cơ cấu trồng ở Tây Nguyên, suy cho cùng, cũng để cho đời sống người dân Tây Nguyên được khấm khá hơn. Vậy theo ông, cần làm những gì để bảo vệ tốt hơn một đối tượng dễ bị tổn thương là nông dân trong phát triển mắc-ca?

Trước đây bà con sản xuất tự phát, bây giờ với vai trò của Nhà nước, thì phải thúc đẩy xây dựng thành chuỗi giá trị sản xuất. Với chuỗi giá trị này thì vai trò, trách nhiệm của từng địa phương, từng ngành như thế nào phải làm rõ.

Chẳng hạn trong vấn đề biến đổi khí hậu tác động đến trồng mắc-ca. Nếu tính theo quy luật thì tháng 2, tháng 3 là thời kỳ mắc-ca ra hoa… Nhưng tại sao năm nay cây lại ra hoa sớm hơn, thời điểm khoảng tháng 12… Thế thì chúng ta thấy vấn đề nghiên cứu sâu về biến đổi khí hậu phải lường đến những vấn đề đó, hạn chế tổn thương cho cây mắc-ca, hạn chế thiệt hại của bà con nông dân.

Đang có luồng ý kiến cho rằng cần lập hiệp hội mắc-ca Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về kiến nghị này?

Nếu chúng ta lập ra hiệp hội để giúp thúc đẩy nhanh chuỗi giá trị đã nói trên, thì chúng ta nên thử. Thành lập hiệp hội thì phải xác định vai trò của hiệp hội là thúc đẩy chế biến sản phẩm tinh chế, chứ không chỉ xuất thô.

Trong quá trình thí điểm, ông thấy chi phí đầu vào của cây mắc-ca so với cây cà phê có chênh lệch quá lớn không?

Tôi thấy hiện có một bức xúc của nông dân là muốn trồng nhưng chi phí giống còn cao. Đối với người nông dân như vậy là tương đối mạo hiểm, vì đây là cây trồng mới mà, họ chưa biết đánh giá như thế nào. Trong chi phí đầu tư cho giai đoạn kiến thiết cơ bản đối với cây mắc-ca thì lớn nhất là chi phí giống.

Tôi nghĩ rằng trong vấn đề phát triển giống, chúng ta cần quan tâm nguồn vật liệu cây giống đầu dòng cần được quản lý chặt chẽ và có những vườn ươm đủ lớn, để giảm chi phí giá thành cho giống đầu vào và cung cấp nguốn giống đảm bảo chất lượng cho nông dân.

Tôi cũng thắc mắc, việc chăm sóc cây mắc-ca có cần sử dụng phân bón hay cái gì phức tạp hơn không so với cây cà phê?

Mỗi cây có một quy trình bón phân khác nhau, cây cà phê, cây tiêu , cây điều, cây ca cao đều có công thức bón phân khác nhau. Đối với cây mắc-ca cũng vậy, hiện tại chúng ta chưa có nghiên cứu sâu về vấn đề này.

Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị cần phải có một nghiên cứu quy trình kỹ thuật đối với cây mắc-ca, để giúp cho nông dân chăm sóc, bón phân cung cấp dinh dưỡng cân đối, hợp lý cho cây mác ca ở những giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau, chứ nếu không có thể gây thiệt hại cho nông dân.

Ông dự báo thế nào về sự phát triển của mắc-ca ở Tây Nguyên trong vòng 10 năm tới?

Nhiều báo cáo nghiên cứu về mắc-ca đều dự đoán: năm 2020, nhu cầu sử dụng của thế giới khoảng 210.000 tấn.

Trong khi đó, nguồn cung hiện nay chỉ có khoảng 120.000 tấn, tức là vẫn thiếu từ 50% đến 60%, trong đó các nước có nhu cầu sử dụng nhiều nhất là Trung Quốc, Mỹ, Đức.

Như vậy, điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi của Tây Nguyên sẽ là lợi thế cạnh tranh để trồng mắc-ca theo các mô hình lớn tập trung. Đặc biệt, Việt Nam rất gần với thị trường tiêu thụ lớn của thế giới là Trung Quốc.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết