Tăng năng suất hồ tiêu bằng biện pháp phòng bệnh chết gốc

174 lượt xem

Bệnh chết gốc, chết dây hay còn gọi là bệnh chết nhanh là một trong những vấn đề lớn nhất đối với người trồng hồ tiêu. Loại bệnh này gây ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của hồ tiêu do đó người trồng cần phải có những biện pháp thích hợp đề phòng chống bệnh cho cây.

Báo Nông nghiệp Việt Nam cho hay, gần đây giá tiêu hạt tăng cao mang lại nhiều lợi nhuận nên diện tích hồ tiêu được mở rộng liên tục. Hiện nay diện tích trồng hồ tiêu cả nước lên tới 80.000 ha, tăng 30.000 ha so với kế hoạch, chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Do diện tích mở rộng nhanh nên nhiều vườn tiêu không đảm bảo điều kiện đất đai, việc chăm sóc cũng không đạt yêu cầu nên năng suất và chất lượng không cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Loại bệnh này khiến cây hồ tiêu chết rất nhanh, kể từ khi thấy cây tiêu “ủ rũ”, dây héo, xuống lá bắt đầu chuyển vàng, rụng nhiều lá chỉ để lại dây, cành trơ trọi (các triệu chứng như trên chỉ diễn ra trong vòng từ 7 – 10 ngày) sau đó cây tiêu chết rất nhanh trong vòng vài tuần lễ.

Quan sát dấu hiệu cây hồ tiêu bị bệnh khi được nhổ lên thì thấy toàn bộ rễ bị thối đen nhất là phần cổ rễ, phần thân sát mặt đất bị thối rã, vỏ cây bong ra, mùi hôi nhẹ. Một khi đã xuất hiện bệnh sẽ làm cây chết hàng loạt nọc tiêu dẫn đến việc phòng và trị bệnh rất khó khăn, tốn kém và thường không mang lại hiệu quả vì khi triệu chứng đã biểu hiện ra bên ngoài thì bộ rễ tiêu đã bị nấm tấn công trước đó 1 đến 2 tháng.

Tăng năng suất hồ tiêu

Phòng bệnh chết nhanh cho hồ tiêu sẽ giúp đảm bảo năng suất cũng như chất lượng cây trồng

Bệnh thối gốc, chết dây nguyên nhân do một loại nấm sống dưới đất, thích ẩm độ gọi là Phytophthora parasitica var. piperana, nấm này thường phát sinh và phát triển lây lan trong thời gian mùa mưa, cao điểm là giai đoạn giữa và cuối mùa mưa. Nấm Phytophthora thường kết hợp với các loại nấm ở trong đất khác như Pythium, Fusarium, Rhizoctonia… chúng kết hợp cùng tấn công cây hồ tiêu làm cây chết rất nhanh. Nấm bệnh có thể xâm nhập được hầu hết tất cả các bộ phận của cây như lá, rể, thân, nhánh… đặc biệt là phần nằm trong đất và sát mặt đất.

Bước vào mùa mưa, mầm bệnh có trong đất được nước bắn tung tóe lên phần trên của cây. Thường phần lá phía dưới thấp bị bệnh trước dần mới lây lan lên các lá phía trên, lá khi bị bệnh chuyển vàng và rụng xuống, tiếp tục chu kỳ lây lan bệnh nhờ nước.

Với các đặc điểm trên, để phòng trừ bệnh có hiệu quả cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp một cách thường xuyên, bao gồm việc chọn đất và thiết kế vườn, chế độ chăm sóc và các biện pháp tiêu diệt nguồn nấm bệnh.

Canh tác hồ tiêu với mật độ vừa phải, không nên trồng dày, xén tỉa phần cành nằm sát mặt đất khoảng từ 20 đến 30 phân, có thể quét dung dịch Bordeaux 10% và vôi vào phần thân tiêu gần mặt đất nhằm hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh với cây trồng. Theo kinh nghiệm các nước như Ấn Độ và Philippines cho thấy trồng xen canh tiêu với cà phê, dừa … sẽ giảm khả năng bệnh chết nhanh.

Trồng cây con sạch bệnh, tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh chết nhanh, đất trong bầu mới phải được xử lý bằng nhiệt độ, formol… để trừ tuyến trùng và mầm bệnh. Có thể chọn giống kháng bệnh để trồng như giống tiêu Vĩnh Linh có khả năng tương đối kháng bệnh chết nhanh.

Hạn chế gây vết xước, vết thương cho rễ, thân…: Nấm gây bệnh sống trong môi trường đất thường xâm nhập vào cây qua các vết thương khi chăm sóc hoặc do tuyến trùng và côn trùng chích hút như rệp sáp … điều kiện ngoại cảnh như gió mạnh làm dây tiêu cọ sát với cây choái, đặc biệt cây có gai ở thân như vông nem dẫn đến cây bị lan truyền mầm bệnh.

tang-nang-suat-ho-tieu-voi-bien-phap-phong-benh-chet-nhanh-phantrunque2

Trong tự nhiên có nhiều loài vi sinh vật đối kháng có tác dụng hạn chế và tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh cây

Thoát nước cho vườn tiêu: Tuyệt đối không để đọng nước, nhất là khoảng thời gian giữa và cuối mùa mưa, nếu khu vực canh tác có nền đất thấp phải lên mô để trồng. Trung bình cứ hai hàng tiêu, có một mương, mương vừa giúp thoát nước vừa hạn chế tuyến trùng và mầm bệnh lây lan qua nước đọng.

Vệ sinh vườn: Thường xuyên để ý thu nhặt lá, cành, rễ … cây bệnh trong vườn mang đi tiêu hủy. Vườn tiêu khi đã bị bệnh không nên trồng lại ngay, cần tiến hành xử lý mầm bệnh và chờ trên mới trồng lại.

Ngoài việc quản lý, chăm sóc đất chồng, bà con cần để ý đến việc bón phân và vệ sinh vườn cây. Cùng với phân NPK đầy đủ và cân đối thích hợp theo thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây cần tăng cường bón phân hữu cơ. Phân hữu cơ không những cung cấp dinh dưỡng cho cây, duy trì và cải tạo độ phì nhiêu của đất để cây tiêu phát triển lâu bền mà còn có tác dụng hạn chế sâu bệnh. Phân hữu cơ làm đất tơi xốp, đồng thời sinh ra các chất kích thích sự phát triển của bộ rễ làm cây sinh trưởng khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với sâu bệnh và các điều kiện môi trường bất lợi. Phân hữu cơ tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các vi sinh vật đối kháng với tuyến trùng và nấm bệnh, góp phần rõ rệt hạn chế nguồn bệnh trong đất.

Tiêu diệt nguồn nấm bệnh là yêu cầu quan trọng không thể thiếu trong việc phòng trừ bệnh. Biện pháp tiêu diệt nguồn nấm bệnh chủ yếu hiện nay vẫn là dùng thuốc hóa học.

Hiện có nhiều loại thuốc hóa học đặc trị nấm Phytophthora như chất Fosetyl aluminium (Aliette), Metalaxyl (Ridomil), Phosphonate (Agriphos) và một số chất khác. Ưu điểm của thuốc hóa học là diệt nấm nhanh và tương đối triệt để. Tuy vậy do hiệu lực của thuốc chỉ duy trì trong một thời gian ngắn mà nấm bệnh thì lại phát triển nhanh và trong thời gian dài, không thể liên tục sử dụng thuốc nhiều lần. Dùng nhiều thuốc hóa học còn ảnh hưởng xấu tới đất và môi trường, làm tăng chi phí SX.

Trong tự nhiên có nhiều loài vi sinh vật đối kháng có tác dụng hạn chế và tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh cây mà không có hại với người và môi trường. Sử dụng các vi sinh vật đối kháng không những có hiệu quả cao trong việc phòng trừ bệnh mà còn giữ gìn được môi trường sống trong sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, là biện pháp ngày càng được chú ý nghiên cứu và áp dụng. Ở nhiều nước và nước ta hiện nay, nhiều loài vi sinh vật đối kháng đã được sử dụng như các loài vi khuẩn Bacillus subtilis, Pseudomonas fluorescens, nấm Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết