NHỮNG TỶ PHÚ TỪ TRỒNG CAM Ở CAO PHONG

185 lượt xem

Câu chuyện về những tỷ phú trồng cam ở Cao Phong. Những ngày áp Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp đi dọc Quốc lộ 6 qua thị trấn huyện Cao Phong (Hòa Bình), cam quýt được bày bán san sát hai bên đường, xe tải từ nhiều tỉnh, thành phố tập kết về lấy cam phục vụ dịp Tết.

Cam đã làm thay đổi nhận thức trong chuyển đổi cây trồng, giúp người dân bao năm chân lấm tay bùn nay trở thành tỷ phú, tạo nên bộ mặt mới trên vùng đất miền núi này. Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Phạm Văn Long khẳng định.

Con đường bê-tông quanh co chạy dài từ tỉnh lộ dẫn vào tận những vườn cam của hàng trăm chủ nhân tỷ phú, triệu phú ở trung tâm thị trấn huyện Cao Phong. Những đồi cam đủ các loại, bạt ngàn, trĩu quả đang được chăm bón, chuẩn bị bán ra thị trường. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong, Hà Ngọc Tuyền hồ hởi khoe với chúng tôi, giờ đến Cao Phong, đi đâu cũng gặp triệu phú, tỷ phú. Họ giàu lên từ cây cam, mua xe ô-tô, xây nhà lầu, cho con đi du học…

caycamcaophong-phantrunque1

Câu chuyện dọc đường đang lúc cao trào, đột nhiên anh Tuyền cho ô-tô dừng lại gần đồi cam của một nữ tỷ phú. Vừa hướng dẫn công nhân cắt tỉa, đào thoát nước cho cây cam Canh, chị Ðặng Thị Thu (khu 6, thị trấn Cao Phong), chủ nhân của 7,5 ha cam phấn khởi cho biết: Năm nay “thiên thời, địa lợi nhân hòa”, cam Cao Phong được mùa, được giá. Riêng năm 2014, gia đình thu hoạch hơn 130 tấn cam, trừ chi phí, lãi vài tỷ đồng. Theo anh Tuyền, hộ chị Thu là một trong những hộ trồng cam quy mô lớn ở thị trấn. Cuối năm 2008, gia đình chị mua khoảng bảy ha đất đồi rừng nghèo, đầu tư tiền của, công sức, phân bón để cải tạo thành vườn trồng cam. Trước đây, với người dân Cao Phong, trồng cam như một sự cứu cánh, cố gắng thoát khỏi cuộc sống bần hàn… Phần lớn người trồng cam đã bươn chải đủ nghề, sau đó tìm đến cây cam, và làm giàu từ cây cam.

Như bao con người khác ở vùng đất tỷ phú này, chị Thu từng đi lên từ nghề buôn mía vào những năm 1993 – 1994, nhưng do chưa hiểu hết thị trường mía lúc bấy giờ, nên bị thua lỗ nặng. Thất bại đó không làm chị bỏ cuộc, chị vẫn đau đáu suy nghĩ tìm “đầu ra” cho cuộc sống. “Ðang ngắc ngoải với cây mía, tình cờ gia đình tôi được hàng xóm tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn giúp đỡ cây giống, để chuyển sang trồng cam. Mới đầu, thấy trồng cam khá mông lung, không biết đến bao giờ mới được hái quả!”- chị Thu kể lại.

Ngày đầu bắt tay vào trồng cam, chị Thu phải vay vốn ngân hàng, huy động anh em được hơn 200 triệu đồng, mua năm ha đất đồi, nhưng chưa kịp khai hoang, có người hỏi mua lại, trả được giá, và chị bán đi 5 ha đất đồi, lãi mấy trăm triệu đồng. Có tiền, chị quyết tâm dồn tất cả vốn, đầu tư mua 7 ha đất đồi, chọn lựa trồng các loại cam đang được thị trường ưa chuộng. Trong số 7 ha, chị Thu trồng 5 ha cam canh và 2 ha cam Lòng Vàng, bằng các cây giống có thời gian sinh trưởng hai đến ba năm, nên sớm cho khai thác. Tính riêng ba năm lại đây (2011 – 2014), mỗi năm, đồi cam gia đình chị Thu cho thu hoạch bình quân từ 1,5 đến 3 tỷ đồng. Trúng cam vụ trước, chị xây nhà, tậu xe ô-tô giá 32.000 USD.

Qua trò chuyện với anh Tuyền được biết, Công ty TNHH MTV Cao Phong (trước đây là Nông trường quốc doanh Cao Phong) là “bà đỡ” để cây cam đứng vững và ngày càng phát triển ở thị trấn vùng cao này; phần lớn người dân của thị trấn là công nhân của công ty. Vì vậy khi thị trấn Cao Phong được quy hoạch thành vùng sản xuất cam hàng hóa, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, Ðảng ủy công ty có Nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cam Cao Phong. Theo hướng đó, công ty tăng cường đầu tư thâm canh cho những diện tích cam đã trồng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, mạnh dạn đưa một số giống mới có phẩm cấp cao như cam Canh, bưởi Diễn, quýt Ôn Châu, cam V2 vào đồng đất Cao Phong nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

caycamcaophong-phantrunque2

Cán bộ Công ty TNHH MTV Cao Phong hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cam.

Cây cam đã được trồng trên mảnh đất Cao Phong từ những năm 1960, từng được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Ðông Âu. Nhưng khi đất nước chuyển đổi sang cơ chế thị trường, thương hiệu cam Cao Phong mất dần do sự chậm chạp trong chuyển đổi mô hình sản xuất. Phát triển cây cam Cao Phong theo hướng sản phẩm sạch đã được áp dụng từ 10 năm trở lại đây, doanh nghiệp cung cấp đất, cây giống và phương pháp cho người dân áp dụng. Ðây là hướng đi đúng của mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông.

Năm 2006, Huyện ủy Cao Phong ra Nghị quyết chuyên đề “Phát huy lợi thế của địa phương để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi” thì cây cam mới được trở lại vị trí xứng đáng. Hơn 700 ha đất nông nghiệp của thị trấn Cao Phong được quy hoạch thành vùng chuyên trồng cam. Bình quân mỗi hộ dân ở thị trấn trồng khoảng 5.000 m2 cam, hằng năm thu nhập khoảng 50 đến 100 triệu đồng. Toàn thị trấn có khoảng 30% số dân trồng từ 1 ha trở lên, có thu nhập gấp đôi mức bình quân. Năm nay là mùa thứ ba, người nông dân Cao Phong có mùa cam bội thu. Cây cam đang dần khẳng định là hướng đi đúng của Cao Phong, giúp người dân thoát nghèo, và không ít hộ gia đình trở thành triệu phú. Nhiều gia đình như hộ ông Nguyễn Thạc Tuấn, Nguyễn Văn Bình, Bùi Văn Ðịnh… có tiềm lực kinh tế trồng tới 5 đến 10 ha cam, thật sự là tỷ phú vườn đồi.

Cam ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại cam đặc sản trên thị trường, đẹp mã, mọng nước, có vị ngọt, thơm… Vì thế, quỹ đất Cao Phong đang được người dân tận dụng tối đa để trồng cam. Ðể giữ chất lượng, uy tín cho sản phẩm địa phương, huyện Cao Phong đang thực hiện đề án xây dựng thương hiệu cam Cao Phong, giúp dân làm giàu từ vườn cam. Cây cam không chỉ làm giàu cho mỗi hộ dân mà còn góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt thị trấn vùng cao. Ðến năm 2014, tăng trưởng kinh tế của thị trấn Cao Phong đạt hơn 12,2%/năm; thu nhập bình quân hơn 24 triệu đồng/người/năm.

Những tỷ phú trồng cam ở Cao Phong

Năm 2014, sản lượng cam, quýt ở Cao Phong (Hòa Bình) đạt hơn 16.500 tấn, thu nhập bình quân 540 đến 670 triệu đồng/ha

Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Phạm Văn Long cho biết: Chúng tôi xác định sản phẩm cam Cao Phong là “nồi cơm chính” của huyện. Cho nên, trong thời gian tới, chúng tôi tập trung hoàn thiện những công việc cần thiết để xuất khẩu cam ra thị trường nước ngoài, hướng đến những thị trường lớn…

Giữ vững thương hiệu cam Cao Phong là việc làm quan trọng, đòi hỏi sự chung sức của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Nếu làm tốt vấn đề này, những triệu phú, tỷ phú từ cam sẽ còn xuất hiện nhiều hơn tại vùng đất miền núi Cao Phong.

Hiện nay hàng trăm hộ dân Cao Phong có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng/năm. Hơn 1.000 hộ dân của thị trấn có nhà xây kiên cố; thị trấn có 100 xe ô-tô các loại…

Theo nhandan (Sfarm.vn tổng hợp)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết