NHỮNG NGUỒN LỢI CHƯA KHAI THÁC HẾT TỪ TRỒNG THANH LONG

220 lượt xem

Trồng thanh long không chỉ để thu hoạch trái tươi, các nguồn lợi được chế biến từ thanh long rất được ưa chuộng tại Việt Nam cũng như trên thế giới, hiện nay một số công ty thực phẩm cũng đang tham gia sản xuất rượu vang và một số sản phẩm mới từ trái thanh long.

Đơn cử, sau khi sản xuất thành công sản phẩm nước giải khát thanh long dạng sirô không ga, Công ty Công nghệ thực phẩm Nhật Hồng đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất rượu vang từ trái thanh long ruột đỏ theo công nghệ sẵn có của Mỹ từ đầu năm 2010. Vừa qua, Nhật Hồng cũng đã chính thức tra mắt sản phẩm này trên thị trường và định vị ở phân khúc cao cấp.

ruou-thanh-long-trun-que-sfarm-2

Rượu vang cao cấp – nguồn lợi từ trái thanh long – Hình minh họa

Tại Bình Thuận, Sở Khoa học & Công nghệ của tỉnh đã phối hợp với các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm giải khát từ trái thanh long như thạch thanh long, nước ép thanh long… Hiện đã có 3 dòng sản phẩm trên thị trường là nước ép thanh long – nha đam với sản lượng 105.000 chai/tháng; nước ép thanh long – dừa và thanh long – chanh có quy mô sản xuất 45.000 chai/tháng.

nuoc-ep-thanh-long-nha-dam-trun-que-sfarm

Nước ép thanh long – nha đam có vị ngon dễ uống, thanh nhiệt

Những sản phẩm này đều tận dụng từ những quả thanh long không đủ chuẩn xuất khẩu. Hiện hai sản phẩm nước ép và thạch thanh long đã được xuất khẩu sang Lào, Campuchia và bán tại một số hệ thống siêu thị trong nước. Được biết, việc đầu tư thiết bị sản xuất nước thanh long với tổng số vốn đầu tư lên đến 23,5 tỉ đồng.

Trong khi đó, Công ty sản xuất bánh kẹo Ngọc Uyên đã đưa sản phẩm sirô thanh long ruột đỏ và búp thanh long muối ra bán thử nghiệm trên thị trường. Theo bà Hồ Thị Bạch Hoàng, Giám đốc Công ty, thì trước đây Ngọc Uyên cũng đã sản xuất thành công kẹo dẻo thanh long, gỏi bông thanh long, rượu vang thanh long…

“Trong kỹ thuật trồng thanh long, trên một cành chỉ chọn một búp để lấy quả, còn lại phải cắt bỏ hết. Thấy số búp thanh long bị loại lãng phí, tôi nghĩ ra cách muối để ăn. Khi đem búp thanh long muối kho với thịt ăn thì thấy rất ngon và lạ miệng, nên tôi biết sản phẩm sẽ thành công”, bà Hoàng kể lại.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP cũng đã bắt đầu xuất khẩu thanh long sấy cấp đông, hay còn gọi là sấy chân không cấp đông (hệ thống sấy nhờ tác dụng của bức xạ nhiệt và áp suất thấp khiến thực phẩm sau khi bị đông lạnh chuyển sang đông khô) sang Mỹ.

Hiện tại, ngoài trái thanh long chế biến thành hàng chục loại sản phẩm, hạt thanh long cũng có thể được dùng để chiết xuất ra thuốc chống ung thư; còn vỏ thanh long được dùng trong ngành mỹ phẩm. “Thực sự, tiềm năng từ trái thanh long là rất lớn nhưng chưa có nhiều công ty chịu đầu tư chế biến”, bà Võ Mai, Hội làm vườn Việt Nam, cho hay.

Nguyên nhân chính, từ phía các doanh nghiệp, là do hạn chế về vốn. Theo ông Trần Quốc Trọng, hiện trong nước chưa có công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây. Không chỉ có vậy, các dụng cụ, máy móc phải mua từ nước ngoài với giá rất cao. “Tôi chỉ bán giá cạnh tranh ở mức 80.000 đồng/chai nửa lít, trong khi đó 5kg thanh long mới cho ra được 1 lít rượu, mà rượu muốn đạt chuẩn thì phải đưa ra thị trường một năm sau khi sản xuất. Ðó là chưa kể giá nút chai tôi phải mua 4.000 đồng/cái, vỏ chai hơn 10.000 đồng/cái. Lợi nhuận vì thế không còn nhiều”, ông nói. Cũng do thiếu vốn nên dù công suất thiết kế lên đến 40.000 lít/năm, nhưng cơ sở của ông Trọng chỉ sản xuất được chưa tới 10.000 lít/năm.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội trái cây rau quả Việt Nam, cho biết trong năm 2014, nhờ vào những sản phẩm chế biến sâu, ngành trái cây rau quả mới có mức tăng trưởng cao về mặt xuất khẩu. “Vì vậy, những mô hình chế biến này cần được các doanh nghiệp quan tâm đến ngành nông nghiệp đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa”, ông nhận xét.

Một điều dễ nhận thấy là những mặt hàng nêu trên nếu được phát triển, sẽ tăng giá trị trái thanh long lên rất nhiều. Người trồng thanh long sẽ không còn lo bị ép giá, yên tâm sản xuất để thu hoạch được những trái thanh long có chất lượng tốt nhất, phục vụ cho chế biến. Không những sẽ không còn chuyện ép giá, đổ bỏ thanh long… mà còn là 1 nguồn lợi lớn về xuất khẩu nếu được đầu tư đúng mức. Nhìn từ hướng phát triển cho trái thanh long có thể suy ra hướng phát triển cho nông sản Việt cho tương lai: đầu tư vào chế biến, phát triển bền vững, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Cần nhất là phải đầu tư vào công nghệ chế biến sâu sau thu hoạch.

Theo Nhipcaudautu

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết