MÔ HÌNH TRỒNG RAU VƯỢT LŨ

161 lượt xem

Thông qua sự hỗ trợ của đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, từ năm 2010 Viện Tài nguyên, Môi trường Đại học Huế đã triển khai mô hình “Trồng rau vượt lũ ”. Đây thực sự là một mô hình có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như nhận thức, ý thức thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân vùng trũng ở TT-Huế.

Quảng Thành được xem là vùng chuyên canh rau xanh ở TT-Huế với diện tích lên đến 65 ha. Trung bình mỗi ngày, địa phương cung cấp cho thị trường hàng chục tấn rau các loại. Tuy nhiên đó là vào thời điểm thời tiết thuận lợi, còn vào mùa mưa, với địa hình thấp trũng, hầu như các diện tích rau đều bị ngập nước, không thể sống được.

Cũng như các gia đình trong xã, gia đình bà Gái không tránh khỏi những thất thu đối với các ruộng rau vào mùa mưa…, nhưng nay nhờ mô hình trồng rau trên giàn , bà vẫn có rau bán hàng ngày, giá mỗi kg rau từ 8.000 đồng lên 20.000 -25.000đ/kg, cao gấp 2-3 lần so với mùa nắng chính vụ. Mỗi 25 m2 rau trên giàn cho thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng.

Hiện mô hình trồng rau vượt lũ thích ứng với biến đổi khí hậu được viện tài nguyên môi trường Đại học Huế triển khai ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) và Hương Phong (Hương Trà), TT-Huế. Theo đó giàn rau được xây cao hơn 1m so với mặt đất, có diện tích từ 20-50 m2; trên giàn có mái che, bảo quản rau trong những ngày mưa không bị giập nát. Trong diện tích đất trên giàn, các gia đình còn ươm giống, vì vậy ngay khi nước lụt rút, có sẵn nguồn giống tại chỗ để trồng kịp thời vụ, rút ngắn thời gian phát triển của rau, phục vụ thị trường.

Rau xanh là một loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nhưng sản xuất rau ở TT-huế lại có tính thời vụ, vì vậy mô hình “ Trồng rau vượt lũ “ đã giúp người dân vùng thấp ở TT-Huế có thêm thu nhập ổn định trong mùa mưa-mùa mà việc sản xuất rau để cung cấp rau cho thị trường cũng như đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện mô hình đang được các địa phương khác ở TT-Huế học tập và nhân rộng trong thời gian tới nhưng với kiểu giàn di động để trồng cả trong hai mùa nắng ráo và mưa lũ.

Theo VTV (Sfarm.vn tổng hợp)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết