LỊCH SỬ NGHỀ NUÔI TRÙN QUẾ (GIUN QUẾ)

286 lượt xem

Cho tới hôm nay, nghề nuôi trùn quế mà bà con phía nam gọi là trùn quế đã trở thành một nghề khá phổ biến ở nước ta. Nhiều cơ sở đã mở rộng diện tích nên hàng trăm m2. Có người còn nuôi tới cả nghìn m2.

Con giun đâu chỉ làm thức ăn cho gà, vịt mà nó còn là thức ăn cao cấp cho hàng loạt loài thủy sản khác như cá, cua, tôm, ba ba, ếch, lươn,…

Hầu hết các tỉnh đều đã đưa con giun vào nuôi. Bà con đánh giá rất cao hiệu quả của nghề nuôi trùn quế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về nó. Xin mọi người hãy giành thời gian để xem xét nó từ đầu. Trước hết, cần biết về lai lịch của nó.

Lịch sử nghề nuôi trùn quế (giun quế)

Lịch sử của loài người gắn liền với lịch sử đấu tranh không ngừng với thiên nhiên. Con người luôn luôn phấn đấu vươn lên để chế ngự thiên nhiên. Tổ tiên của chúng ta đã thuần hóa hàng loạt động vật hoang dã để biến chúng thành những loài vật nuôi trong gia đình như: trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà, chó, mèo,… Con voi khổng lồ cũng đã được con người thuần dưỡng. Người ta băng qua sa mạc khô nóng trên lưng những con lạc đà. Thổ dân phương Bắc đã dùng tuần lộc hoặc đàn chó để kéo xe trượt trên băng…

Con người đã nhìn thấy biết bao nguồn lợi từ các loài động vật nên họ đã tìm cách nuôi chúng. Rất nhiều loài gia súc hiện nay đều xuất phát từ những loài hoang dã. Qua hàng trăm, hàng nghìn năm con người đã thuần dưỡng chúng thành vật nuôi. Người dân mông cổ sống bằng nghề chăn cừu. Ở Ôxtraylia người ta nuôi đà điểu trong những trang trại rất lớn. Tại Việt Nam, có những nơi cả làng nuôi rắn như ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hàng loạt các loài cá đã được con người thả nuôi. Nguồn lợi này vô cùng to lớn. Phong trào nuôi tôm sú, tôm hùm, cá sấu, sò, ngêu, ngao,…ngày càng phát triển. Riêng với con giun, sự phát hiện thật là bất ngờ và may mắn… Một lần, khi đi ngang qua khu chứa rác của Hà Nội, chúng tôi thấy cả một núi rác khổng lồ cứ ngày một cao dần lên. Thời đó, thông tin chưa nhiều, nên chúng tôi chỉ nghĩ tìm cách dùng một con vật nào đó có thể ngốn hết đống rác này. Kỳ vọng ấy đã được đặt vào con giun. Ở Việt Nam cũng đã có một số nhóm các chuyên gia đi sâu nghiên cứu về giun. Đứng đầu là GS.TSKH Thái Trần Bái. Ông là thầy dạy của chúng tôi. Nhóm của ông đã có những công trình đồ sộ nghiên cứu rất sâu về giun đất. Ông hiểu rất rõ về giun đất ở Việt Nam. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu của ông chỉ tập trung vào phân loại, hình thái và phân bố của các loài giun.

Ông cũng bắt đầu quan tâm tới nghề nuôi trùn quế. Thử nghiệm được tiến hành với các loại đất, các loại thùng nuôi khác nhau nhưng chưa thành công.

Giữa lúc rất bế tắc về phương cách thực hiện thì chúng tôi nhận đươc một món quà quý giá của GS. TS Nguyễn Văn Uyển (lúc đó là giám đốc trung tâm sinh học thực nghiệm, thuộc phân viện Khoa học Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh) gửi cho sau chuyến đi thăm Mỹ (1983). Ông đã gửi tặng tôi cuốn sách nhan đề “Giun đất – lợi ích và sinh thái học” của Ronal E. Gatđiê và Đônal E. Duglaxơ xuất bản tại NewYork năm 1976, dày khoảng 200 trang. Kỹ sư Đinh Đăng Minh (lúc đó là PGĐ Công ty vệ sinh Hà Nội kiêm giám đốc xí nghiệp chế biến phế thải đô thị) đã cùng phối hợp với đơn vị chúng tôi để nghiên cứu. Không thể ngờ rằng qua cuốn sách đó chúng tôi được biết, người ta đã tiến hành nuôi giun đất ngay từ năm 1952. Việc nuôi giun đất đã được nhiều nước tiến hành như: Mỹ, Canada, Pháp, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin,… Hàng loạt tài liệu đã được công bố ở nhiều nơi trên thế giới. Rất nhiều hiệp hội về nuôi giun đã được hình thành tại các quốc gia này.

Lúc đầu, con giun chỉ là mặt hàng mồi câu hấp dẫn. Khi người ta đã tổ chức nuôi được với tốc độ tăng đàn rất nhanh thì con giun lại được xem xét trên các phương diện khác. Trước hết, chúng được quan tâm dùng làm thức ăn cho vật nuôi vì hàm lượng đạm trong chúng chiếm tới 70% trọng lượng khô. Ngay tại những nước có mức sống rất cao, con giun đất được chế biến làm thức ăn cho người. Ví dụ: Ở Italia giun được chế biến làm patê, ở Nhật Bản bột giun được đưa vào bánh bích quy, ở Oxtraylia người ta ăn giun với món ốp lếp, ở Hàn Quốc lại phổ biến món cháo giun đất,… Gần đây trên truyền hình Việt Nam người ta có giới thiệu các món ăn từ sâu bọ ở Thái Lan, Đức và một số nước khác. Có lẽ đã đến lúc ta sẽ “quen” hơn với các thông tin như thế này.

Dù sao thì việc dùng giun để cung cấp cho các loài vật nuôi vẫn được bà con mình dễ chấp nhận hơn. Ai cũng biết rằng, mồi dùng để câu cá, câu lươn vẫn tốt nhất là mồi giun. Nếu nuôi gà, nuôi vịt mà đào được giun cho chúng ăn thì hiệu quả tốt trông thấy. Đấy là chưa nói tới những bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông và nhiều danh y kháccũng cần dùng giun đất làm vị thuốc. Chúng tôi còn nhận được yêu cầu của một công ty ở Canađa muốn có giun đất để chế ra các mỹ phẩm làm mềm và nhẵn da cho các bà, các chị,… Con giun đất đã lên ngôi, không thể coi thường chúng được.

Tài liệu cho biết, một trong những người đầu tiên nghĩ ra việc nuôi giun đất là một anh gù. Anh có một cái bướu trên lưng. Mặc cảm với dị tật của mình, anh chỉ loanh quanh trong vườn nhà. Anh nghĩ ra việc đào giun để bán cho những người đi câu cá. Không ngờ, việc đó lại phát tài. Người ta tới mua giun đất rất đông. Anh đào không kịp. Chính vì vậy, anh mới nghĩ tới việc tổ chức nghề nuôi trùn quế. Nghề nuôi giun có lẽ được khởi sự từ đây.

Ở nhiều nước, câu cá là một môn thể thao được rất nhiều người hâm mộ. Riêng ở Mỹ, năm 1973 đã có tới 33,5 triệu người là hội viên Hội Câu cá. Vì vậy, chỉ riêng mồi câu để cung cấp cho họ cũng đã là quá lớn. Năm 200, tôi có dịp tới thăm Mỹ. Tại Los Angeles, tôi đến thăm một cửa hàng chuyên phục vụ cho việc đi câu. Thôi thì đủ thứ: từ cái ghế ngồi, cần câu, lưỡi câu, túi sách, mũ, giầy,… đến tất cả các loại mồi câu đều có ở đây. Cửa hàng 3 tầng mà chật cứng các mặt hàng phục vụ cho việc đi câu. Tôi thấy họ bầy rất nhiều loại mồi câu. Chúng là những chất dẻo tổng hợp có hình thù như con sâu, con dòi. Các loại mồi này có mùi hấp dẫn đối với cá. Tôi cố nhìn xem con giun đất có không. Thấy tôi loay hoay, xục xạo, ông chủ bèn hỏi và khi biết tôi tìm mồi giun, ông dẫn đến một tủ lớn, trong đó có chứa đầy các hộp xốp nhỏ như cái cốc. Mở hộp ra có nhung nhúc đầu giun lẫn trong một loại giá thể ẩm, xốp. Ông chủ cho biết, đây là loại mồi mà người đi câu thích nhất. Việc nuôi giun đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho một số người nghèo ở Mỹ. Khởi sự họ chỉ bỏ ra 20$. Sau vài năm doanh thu của họ đã lên tới 400 – 500 nghìn $. Thật là một công việc hấp dẫn.

Ở Việt Nam, sau khi thử nghiệm thành công việc nuôi giun theo tài liệu do GS. Nguyễn Văn Uyển gửi cho, chúng tôi đã tổ chức phổ biến khắp nơi cách nuôi giun đất, mà loài đặc trưng, dễ nhân giống nhất là giun quế (trùn quế). Phó giám đốc đơn vị chúng tôi – Kỹ sư Phan Tử Diên đã mang một bọc giun lớn vào thành phố Hồ Chí Minh để chuyển giao cho bà con phía Nam. Đặc biệt vào giai đoạn chúng ta chủ trương chuyển đổi sản xuất và giao quyền chủ động sản xuất cho nhân dân thì việc nuôi giun được mở ra ở khắp nơi. Nuôi giun đất thực sự trở thành một nghề đầy triển vọng. Nhiều trang trại coi việc nuôi giun đất là mũi tiên phong, trước khi đưa các loài vật khác vào sản xuất. Các mô hình nuôi giun xuất
hiện ở các nơi. Hiệu quả của công việc ấy rất thuyết phục. Nông dân nô nức làm theo. Xin mỗi nhà cố gắng để ít nhất cũng có một luống giun. Ta biến đó thành “xưởng” sản xuất đạm để phục vụ cho tất cả các vật nuôi trong gia đình.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Trích từ Nghề nuôi trùn quế) (Sfarm.vn)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết