KINH NGHIỆM TĂNG NĂNG SUẤT CHO ĐẬU HÀ LAN

243 lượt xem

Đậu Hà Lan gieo trồng từ 5.10 đến 5.11, thu hoạch từ tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau. Nếu gieo muộn, bệnh phấn trắng hại nặng làm năng suất giảm rõ rệt.

Đậu Hà Lan yêu cầu dinh dưỡng khoáng không cao. Cây có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất, từ đất cát nhẹ nhiều mùn đến đất sét nặng, nhưng tốt nhất là đất nhiều mùn đến đất sét nhiều mùn. Trên đất nhẹ, đất cát không giữ được ẩm, năng suất sẽ kém. Độ pH thích hợp là từ 5,5 -7,0, nếu pH dưới 5,5 phải bón vôi (10 – 15kg vôi bột/sào).

Đất phải cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại trước khi gieo. Chia luống rộng khoảng 1m, cao 20 – 30cm. Những giống cao cây, phân cành mạnh cần gieo trồng thưa hơn giống lùn hoặc bám leo. Khoảng cách hàng 60 – 65cm, khoảng cách cây 18 – 20cm (một hạt). Mật độ khoảng 80.000 – 85.000 cây/ha.

Lượng phân bón cho 1ha gieo trồng như sau: 5 – 20 tấn phân chuồng hoai mục (phân trùn quế), 90 – 100kg N, 60 – 90kg P2O5,100 – 120kg K2O. Bón lót toàn bộ phân chuồng (phân trùn quế), phân lân, 1/3 lượng kali. Cho phân vào rãnh trộn đều với đất ở độ sâu 15 – 20cm. Khi gieo hạt vào mùa khô có thể bón lót khoảng 1/4 tổng lượng đạm.

Bón thúc từ 2 – 3 lần tùy theo tình hình sinh trưởng của cây. Bón thúc lần thứ nhất sau khi cây mọc khoảng 15 ngày, lần thứ 2 sau khi mọc 25 – 30 ngày, lần thứ 3 khi cây ra hoa rộ và quả non. Có thể bón ở thể dung dịch hoặc bón dưới dạng khô, viên. Chia đều lượng phân còn lại cho số lần bón thúc, cũng có thể ở thời kỳ đầu khối lượng phân bón ít hơn một chút so với những thời kỳ sau

dauhalan-phantrunque

Đậu Hà Lan

Nên hòa tan phân đạm (vô cơ) trong nước với nồng độ 1 – 2% để tưới vào gốc. Nếu bón phân ở dạng khô, dùng dầm (xén), que đào hốc sâu 5 – 7 cm giữa 2 cây, sau đó bón phân đạm rồi lấp đất. Sau khi bón phân cần tưới nước kịp thời để hoà tan phân bón, thiếu nước sẽ dẫn đến tình trạng nồng độ dung dịch trong đất cao làm ảnh hưởng tới sự phát triển của rễ. Mỗi hốc chỉ nên bón 2 – 3g phân đạm.

Khi bón phân lân cần chú ý đến mục đích sử dụng. Nếu trồng đậu Hà Lan để sử dụng quả non thì bón lượng lân vừa phải, nếu sản xuất hạt giống hoặc trồng để sử dụng hạt khô thì cần tăng cường bón lân.

Làm cỏ, xới, vun 3 lần kết hợp với 3 lần bón thúc. Đối với những giống Hà Lan leo, cần phải làm dàn để cây leo, nếu không năng suất sẽ bị giảm nghiêm trọng.

Đậu Hà Lan yêu cầu luân canh triệt để với cây trồng khác họ, tốt nhất là với cây lương thực để tránh sâu bệnh và cải tạo đất. Bố trí công thức luân canh hợp lý còn có thể sử dụng đất đai một cách hiệu quả, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Theo TS Phạm Thu Cúc (Dân Việt ) Sfarm.vn tổng hợp

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết