Nông dân Đà Lạt đã quen “thâm canh” rau với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất tối đa. Bởi vậy, khi quay trở lại cách trồng rau kiểu “các cụ” – trồng rau theo hướng hữu cơ – họ đã phải thay đổi rất nhiều trong tư duy và trong thói quen. Làm sao để sản xuất ra những cây rau thương phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, người nông dân, bảo vệ môi trường cũng là vấn đề được đặt ra khi Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện mô hình Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ tại thành phố Đà Lạt.
Vườn lơ xanh sử dụng bẫy dính diệt côn trùng
Anh Vương Đình Thuận Hải, một nông dân ngụ tại Thánh Mẫu, phường 7, vốn có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với cây lơ, cây cải. Với kiểu trồng rau anh vẫn quen từ xưa tới giờ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mật độ dày đặc, anh khá lạ lẫm khi tham gia vào thực hiện việc trồng rau theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thử nghiệm. Trên 2.500m2 anh xuống giống lơ xanh sắp bước vào thời kỳ thu hoạch chi chít những tấm bảng dùng làm bẫy bắt côn trùng gây hại. Anh Hải cho hay: “Thật trồng lơ kiểu này tôi thấy lạ, ít chăm sóc, phân ít mà phải là phân hữu cơ vi sinh, thuốc cũng không phun, lơ cứ tự lên thôi. Bình thường một lứa lơ tôi phải phun thuốc 10 lần, nay lứa này chỉ phun 3 lần, lại là loại thuốc sinh học, thế mà cây lơ vẫn sống, vẫn lên tốt”. Anh Hải cho hay, khi mới xuống giống, lứa lơ nhà anh gặp đợt mưa kéo dài gần 2 tháng, những tưởng đã úng chết hết, theo lời hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, anh để lại tiếp tục chăm sóc và lơ phát triển tốt sắp được thu.
Nếu gia đình anh Hải chưa có thu thì gia đình anh Vương Đình Phước với cây trồng ngắn ngày hơn đã cho thu hoạch. Anh Phước kể lại, khi bắt tay vào làm thấy rất lạ vì cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách canh tác rất khác so với bà con vẫn làm. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn gia đình làm bẫy côn trùng gây hại bằng bẫy dính, bẫy pheromone nên cũng ít thấy sâu bệnh phát triển. Rác thải đều được hướng dẫn ủ thành phân vi sinh, chai lọ thuốc được thu gom xử lý, quy trình chăm sóc đều được hướng dẫn ghi nhật ký đồng ruộng cụ thể.
Anh chia sẻ: “Nói cho thật thì năng suất cây rau trồng hướng hữu cơ giảm 40% so với trồng bình thường, màu sắc, độ đẹp cũng giảm, nhưng lại bớt được công làm và bớt chi phí đầu tư, khoảng 20-30%, giá rau bán ra cao hơn giá rau bình thường 40% nên tôi thấy trồng rau hữu cơ rất có lợi, thu nhập ổn định mà có rau sạch cho người tiêu dùng, sức khỏe bản thân được đảm bảo”. Không chỉ anh Hải, anh Phước, các hộ khác tham gia thử nghiệm với các loại cây khác như củ dền, cải thảo, bó xôi đều xác nhận kết quả khá tốt khi trồng theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Đánh giá về việc nông dân làm rau theo hướng hữu cơ, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, kết quả thử nghiệm cho thấy nông dân Đà Lạt đủ sức để tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ và điều quan trọng là thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Theo ông Sơn, rau hữu cơ là nhu cầu cần thiết và nông dân Đà Lạt cần làm quen với phương pháp sản xuất này để đáp ứng yêu cầu của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Ông khẳng định: “Chúng tôi giúp nông dân quen dần với khái niệm sản xuất rau hữu cơ, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và người nông dân đồng thời bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sản xuất rau hữu cơ vẫn đi đôi với áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, bảo đảm thu nhập cho người nông dân”.
Vấn đề quan trọng nhất lại là việc tìm đầu ra ổn định cho cây rau sản xuất theo hướng hữu cơ. Với cây rau hữu cơ, muốn phát triển rộng rãi phải có một hệ thống phân phối đảm bảo, giúp cây rau tới người tiêu dùng với giá cả phù hợp. Hiện tại, chuỗi liên kết sản xuất này có sự tham gia của một nhà tiêu thụ là HTX Trung Tín Đà Lạt. Ông Vương Đình Phi, Chủ nhiệm HTX Trung Tín cung cấp: “Nhu cầu rau sản xuất hướng hữu cơ rất cao nhưng hiện thời chúng tôi chưa đáp ứng kịp, vì vậy sắp tới, chúng tôi sẽ thương thảo với đối tác, thỏa thuận nhu cầu để từ đó có kế hoạch sản xuất cụ thể, trồng cây gì, trồng bao nhiêu. Đây sẽ là một quá trình cộng tác lâu dài nên cần được bàn thảo kỹ và có sự tham gia nhiệt tình của người nông dân và chính quyền địa phương để đạt kết quả tốt đẹp”.
Sau nhiều năm dài trồng rau theo hướng thâm canh tăng năng suất, người nông dân Đà Lạt đang quay lại làm quen với sản xuất rau theo hướng hữu cơ, hướng đi đáp ứng nhu cầu cho một nền nông nghiệp xanh, thân thiện và bền vững.
Diệp Quỳnh/ Báo Lâm Đồng (Sfarm.vn tổng hợp)
=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!