KEO LÁ LIỀM TRÊN ĐẤT CÁT

289 lượt xem

Sau nhiều năm nghiên cứu chọn lựa lai giống, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ đã tạo được giống keo lá liềm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuyển chọn giống tốt

Một số hộ nông dân ở xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị vừa khai thác gỗ keo lá liềm bán với giá 50 triệu đồng/ha. Sau 6 năm trồng không tốn nhiều công sức chăm sóc, song cây vẫn sống rất tốt trên đất cát trắng.

Thạc sĩ Phạm Xuân Đỉnh, PGĐ Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ (trụ sở tại TP Đông Hà, Quảng Trị), cho biết cây keo lá liềm có lá hình lưỡi liềm (tên khoa học là Acacia crassicarpa) nguồn gốc từ Úc. Năm 2001, thông qua tổ chức CSIRO với sự tài trợ của tổ chức AusAID của Úc, Trung tâm này kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (nay là Viện Nghiên cứu giống & CNSH lâm nghiệp) xây dựng vườn giống thế hệ một keo lá liềm tại vùng đất huyện Cam Lộ.

Từ vườn giống này, những cây giống tốt nhất được tuyển chọn để xây dựng các vườn giống keo lá liềm thứ hai và kết quả khảo nghiệm cho thấy vượt trội so với vườn giống ban đầu, trong đó đáng chú ý là 2 khảo nghiệm ở Cam Lộ và Triệu Phong.

vườn keo lá liềm thực nghiệm

Vườn keo lá liềm thực nghiệm ở Cam Lộ sẵn sàng cung cấp giống để nhân rộng

Chỉ sau 2 năm cây keo lá liềm phát triển rất tốt trên 2 địa chỉ khảo nghiệm về sinh trưởng với các chỉ tiêu chiều cao, đường kính, chất lượng thân cây. Cây keo lá liềm sau 5 năm trở lên cho khối lượng sinh trưởng gỗ đạt từ 21,5 – 28,3 m3/ha/năm, hơn nhiều các loại cây keo khác trồng trên cùng một thửa đất.

Theo ông Đỉnh, keo lá liềm có chu kỳ sinh trưởng từ 6 – 9 năm. Song chăm sóc tốt và trồng đúng quy trình kỹ thuật chỉ mất 5 năm có thể cho khai thác lấy gỗ giá trị kinh tế cao. Loại cây này có thân thẳng, cao, vỏ màu sẫm hay nâu xám, nhiều vết nứt sâu. Rễ cây phát triển mạnh, có nhiều vi khuẩn cố định đạm cộng sinh nên có tác dụng bảo vệ và cải tạo đất rất tốt; đặc biệt là các vùng cát trắng ven biển.

Keo lá liềm có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau kể cả đất đồi và đất cát nội đồng, đất sét khó thoát nước, đất mặn và khả năng chịu hạn tốt. Gỗ keo dùng đóng đồ gia dụng, nguyên liệu giấy, dăm, ván ép… được thị trường ưa chuộng.

Ông Trương Thắng, Chủ nhiệm HTX Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, nơi phối hợp với Trung tâm KHLNBTB phát triển cây keo lá liềm trên cát cho biết cây phát triển rất tốt, mỗi ngày như mỗi khác. Cây mới trồng 1 năm mà cao đã vài mét. Nhiều nông dân rất muốn trồng rừng trên cát với cây keo lá liềm.

Bộ NN-PTNT đặt hàng

Ông Lê Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm KHLNBTB cho biết sau thời gian dài trồng thực nghiệm ở nhiều lập địa tại Quảng Trị đã cho kết quả cây keo thích hợp với những địa hình phát triển từ những vùng đất có độ cao dưới 200 m, nhưng cũng có thể phát triển tốt ở độ cao 700 m so với mực nước biển. Loại cây này có ưu điểm rất phù hợp ở địa hình Quảng Trị là nắng lắm, mưa nhiều, chịu được mưa tập trung và còn chịu được gió Lào khô hạn gay gắt.

Theo ông Tiến, Bộ NN-PTNT đã đặt hàng cho trung tâm về giống cây này. Năm 2014, trung tâm sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Trị nhân rộng cây keo lá liềm trên nhiều địa phương. Dự kiến đợt xuống cây đầu tiên trên diện tích 70 ha ở hai vùng địa hình cát và vùng đồi, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng NTM tại Quảng Trị.

Hiện tại, trung tâm đang đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo đến hộ nông dân từ các khâu chọn giống, làm đất… chuẩn bị tốt cho mùa trồng rừng 2014.

Ông Tiến lưu ý, tại các vùng đất dốc có thể trồng cây keo lá liềm thành hàng rào hay băng xanh để chống xói mòn, làm băng cản lửa, chắn gió để bảo vệ đất rất hữu hiệu. Với các vùng đất cát ven biển, đặc biệt là các đồi cát nội đồng hoặc đồi cát di động, bán di động… trồng cây keo lá liềm hình thành rừng phòng hộ bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, chống cát bay, cát nhảy, cải tạo môi trường sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác nông nghiệp và đời sống dân sinh.

Quảng Trị và các tỉnh miền Trung có diện tích đất cát trắng rất lớn đến hàng vạn ha. Có thể đưa cây keo lá liềm vào trồng kinh tế rất phù hợp để khai thác đúng tiềm năng của đất đai vùng này góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Sfarm.vn tổng hợp

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết