DÙNG TRÙN QUẾ TRỊ BỆNH CHO TÔM

187 lượt xem

Đang làm Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Liên Thành chuyên kinh doanh xe gắn máy tại thị xã Bến Tre, anh Trần Tuấn Đức mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu để nuôi trùn quế. Anh còn đứng ra vận động bà con nông dân cùng tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX) Thành Đạt chuyên nuôi trùn quế đầu tiên ở tỉnh Bến Tre. Mới thành lập được nửa năm, HTX Thành Đạt do anh làm Phó Chủ nhiệm đã tạo được tiếng tăm, nhất là chuyện con trùn quế “trị được bệnh” cho con tôm.

TÌNH CỜ…

Chuyển sang nuôi tôm

Chuyện anh Đức chuyển sang đầu tư nuôi trùn quế cũng thật tình cờ. Một khách hàng của anh là Việt kiều Canada đang đầu tư nuôi 3 ao tôm công nghiệp (anh có cửa hàng bán thức ăn cho tôm ở Bình Đại), cho biết thường xuyên mua trùn quế từ TP Hồ Chí Minh cho tôm ăn bổ sung. Anh Đức không quan tâm chuyện này, vì kỹ thuật nuôi của mỗi người mỗi khác.

Một người bạn nuôi tôm gặp anh than phiền vì ao tôm đang bị bệnh phân trắng. Nghề nuôi tôm, nếu tôm bị bệnh phân trắng là một mối nguy lớn. Tôm bị bệnh đốm trắng vài bữa thì chết. Còn bị bệnh phân trắng, tôm lâu chết nhưng người nuôi phải sử dụng thuốc, tốn thức ăn lâu dài để hy vọng, nhưng nuôi riết chịu không nổi sẽ phải bán và lỗ nặng.

Anh này kể đã nhờ kỹ sư tư vấn và được khuyên nếu có trùn quế cho tôm ăn sẽ tăng sức đề kháng của tôm. Nghe bạn kể, anh Đức chợt nhớ đến người khách Việt kiều, liền liên hệ để mua giúp anh bạn 4 kg trùn quế với giá 200.000 đồng về cho tôm ăn thử. Sau nhiều lần được cho ăn trùn quế, tôm dần bình phục. Người bạn của anh vui hết cỡ vì cứu được ao tôm, còn anh thì ngạc nhiên không hiểu vì sao trùn quế như “thần dược” của con tôm.

Anh đem thắc mắc này trao đổi với kỹ sư riêng của cửa hàng mình, thì được biết: Trùn quế rất có hiệu quả trong nuôi thủy sản, nhưng lâu nay chưa phát triển đại trà, nên rất ít ai dùng trùn quế để làm nguồn thức ăn nuôi tôm công nghiệp. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng kinh doanh: đầu tư nuôi trùn quế sẽ là một bước đột phá khi mà phong trào nuôi tôm công nghiệp bằng nguồn thức ăn như hiện nay đang báo động về môi trường. Vậy là anh bắt đầu tham quan, học hỏi các mô hình nuôi trùn quế ở TPHCM, TP Long Xuyên (An Giang). Qua tìm hiểu về cách nuôi, tính hiệu quả của mô hình, anh quyết định đầu tư nuôi trùn quế quy mô lớn tại Bến Tre.

Từ tháng 12-2005, Giám đốc Đức giao luôn công việc buôn bán kinh doanh cho vợ. Mỗi sáng sớm, anh dong xe xuống xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri nhờ người quen hỗ trợ anh vận động người dân thành lập HTX nuôi trùn quế. Anh chọn huyện Ba Tri để đầu tư mô hình nuôi trùn, vì đây là địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre với 52.000 con và cho ra khoảng 260 tấn phân mỗi ngày.

Phân bò là nguồn thức ăn chủ yếu để nuôi trùn. Thấy mô hình nuôi trùn của anh khá hấp dẫn, nhiều người đồng tình hưởng ứng. Người có đất góp vốn bằng đất, có tiền góp tiền. 14 thành viên tham gia hợp tác xã với số vốn 650 triệu đồng. Riêng gia đình anh góp vốn trên 300 triệu đồng. Anh Đức kể: “Ham thì ham thiệt, nhưng khi bắt tay vào làm tôi cũng lo lắm, bởi có bao nhiêu vốn liếng gom hết đầu tư vào mấy con trùn nhỏ li ti. Nhưng khi nhớ đến chuyện trùn quế có thể trị bệnh tôm là tôi yên tâm làm tới”.

Ban đầu, anh Đức đầu tư nuôi trên 20 tấn trùn giống (anh mua giá 25.000 đồng/kg) trên diện tích 1.000m2 đất ở xã Tân Mỹ. Từ nguồn trùn giống này anh nhân ra và xây dựng thêm điểm nuôi trùn với diện tích hơn 1.000m2 ở xã Phước Tuy cũng tại huyện Ba Tri.

LỜI TRỌN

Anh Đức cho biết: 3 kg phân bò làm nguồn thức ăn nuôi trùn sẽ trở thành 1 kg phân trùn. Giá mua phân bò là 50 đồng/kg và giá bán phân trùn hiện tại 800 đồng/kg. Người nuôi trùn sau khi trừ chi phí vận chuyển sẽ còn lời 600 đồng/kg phân trùn. Một công đất mỗi tháng sử dụng 50 tấn phân bò, cho ra gần 17 tấn phân trùn.

Phân trùn quế là phân bón hữu cơ rất tốt để chăm sóc nhiều loại cây và rất dễ tiêu thụ. Chỉ riêng phần lời từ chênh lệch giá phân bò và phân trùn đã đủ chi phí trang trải cho việc đầu tư nuôi trùn. Còn mỗi tháng người nuôi thu hoạch từ 700- 800 kg trùn/công đất, giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/kg là phần lợi nhuận của công việc nuôi trùn.

Trùn quế nuôi không sợ bị bệnh, chỉ cần đầu tư giống một lần thì hưởng lợi lâu dài vì chúng sinh sản rất nhanh. Tính đến nay, sau 6 tháng nuôi, anh Đức đã thu về gần 300 triệu đồng nhờ bán trùn và phân trùn.

Từ nguồn trùn ban đầu, bây giờ anh Đức đã có khoảng 75 tấn trùn sinh sống ở diện tích đất trên 2.000m2. Lượng khách hàng ngày càng tăng, nhưng do sản lượng chưa nhiều nên anh chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của khoảng 20 khách hàng ở Bình Đại và Ba Tri. Anh Đức tính toán: “Chỉ riêng nhu cầu của 1/5 diện tích nuôi tôm công nghiệp ở Bến Tre hiện nay cũng phải cần đến 20 ha nuôi trùn quế, gấp 100 lần diện tích nuôi trùn của HTX Thành Đạt. Nhiều người nuôi tôm ở Bình Đại và Ba Tri có ao tôm bị bệnh đã phục hồi được nhờ cho ăn trùn quế. Họ thông tin với nhau nên khách hàng ngày càng tăng”.

Anh Ba Minh, một “đại gia” từ TPHCM về xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại đầu tư nuôi 32 ao tôm sú công nghiệp, là khách hàng mua thức ăn nuôi tôm của anh. Ngay vụ nuôi này anh Ba Minh “gặp nạn” vì 16 ao tôm bị bệnh buộc phải tiêu hủy.

Khi kỹ sư riêng của anh Đức đến xem bệnh tôm và khuyên anh Ba Minh mua trùn quế về cho tôm ăn, anh Ba Minh cương quyết không nghe. Thuyết phục mãi, anh Ba Minh mới đồng ý mua trùn về cho tôm ở ao nuôi bị bệnh nặng nhất ăn thử nghiệm. Kết quả… tôm khỏe trở lại. Bây giờ, mỗi ngày anh Ba Minh đều cho công nhân từ Bình Đại chạy sang HTX Thành Đạt ở Ba Tri mua 10 kg trùn về cho tôm ăn bổ sung luân phiên ở tất cả các ao.

Anh An có ao tôm nuôi được hai tháng nhưng “èo uột” không chịu lớn, nghe công dụng của trùn quế cũng tìm đến mua về cho tôm ăn… và vừa mới thu hoạch tôm thắng lợi…

* * *

Anh Đức đưa cho tôi xem một số công văn, giấy tờ mà Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Bến Tre ngỏ ý muốn anh làm “chủ xị” đề tài nghiên cứu về tác dụng của trùn quế đối với việc nuôi tôm, để qua đó có kết luận chính thức về hiệu quả của trùn quế đối với tình hình dịch bệnh phức tạp của các ao tôm ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL.

Anh Đức nói: “Tôi chỉ chuyên làm kinh doanh nên không thể lao vào chuyện nghiên cứu khoa học. Tôi dự định kết hợp với đứa em làm kỹ sư nhờ đến sự hỗ trợ của các Viện, Trường để giải thích và phân tích công dụng của trùn quế trên tôm, nhằm tìm ra câu trả lời chính xác…”. Hiện tại, anh Đức có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trùn quế lên 1 ha. Đồng thời, sẵn sàng cung cấp giống giá re, chỉ 10.000 đồng/kg trùn quế giống, để nhân rộng mô hình và bao tiêu, thu mua tất cả sản phẩm trùn thịt, phân trùn.

CAO DƯƠNG ( Sfarm.vn tổng hợp)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (12 bình chọn)