Trong thời gian gần đây, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dần trở thành loại thực phẩm được thị trường cực kỳ ưu ái bởi sự an toàn dành cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm hữu cơ lại còn khá nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề đầu ra. Đầu ra là nỗi lo chung của những người canh tác hữu cơ bởi còn rất bấp bênh và chưa rộng mở.
Đưa sản phẩm hữu cơ vào các hệ thống siêu thị được xem là giải pháp cho cả người trồng lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, con đường vào các siêu thị của thực phẩm hữu cơ liệu có dễ dàng? Thực tế về câu chuyện này ra sao?
Thấu hiểu được nhu cầu to lớn của thị trường thực phẩm hữu cơ cũng như nỗi lo của những người canh tác hữu cơ. Hệ thống siêu thị bán lẻ Sài Gòn Co.op đã chính thức bước chân vào lĩnh vực này.
Đầu tiên, đơn vị này tiến hành triển khai dự án thí điểm phối hợp cùng các hộ nông dân của HTX Nông nghiệp Tân Tiến (tỉnh Vĩnh Long) sản xuất gạo Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP với 6 tiêu chí an toàn: không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, không chất bảo quản, không pha trộn, không chất tạo mùi và dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đã được thị trường đón nhận nồng nhiệt.
Song song đó, ngoài việc liên kết để sản xuất nông sản hữu cơ, đơn vị này còn là đầu ra cho hàng trăm loại nông sản hữu cơ, sạch, an toàn đến từ nhiều đơn vị trong nước. Tại siêu thị, các loại thực phẩm này được bày trí đẹp mắt và có gian hàng riêng để giúp nâng cao và tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Các sản phẩm này ngoài việc đảm bảo chất lượng đầu vào, người tiêu dùng còn có khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng cũng đang có những bước tiến mới trong câu chuyện đầu ra ổn định. Những thương hiệu sản phẩm “Made in Lâm Đồng” như Macca Lâm Hà, Mật ong Việt Ý, Đông trùng hạ thảo, Cà phê Cầu Đất, Rau thủy canh, Atiso, Langfarm… đang được người tiêu dùng và các doanh nghiệp bán lẻ uy tín chọn lựa để đưa vào hệ thống.
Đó là các sản phẩm nông sản, đặc trưng thế mạnh của Lâm Đồng với logo nổi bật “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” dán trên mỗi sản phẩm đã và đang được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị như Bách hóa xanh, Aeon,…. Cũng từ nhãn hiệu dán trên mỗi sản phẩm ấy các doanh nghiệp không chỉ tin vào sự bảo hộ thương hiệu Lâm Đồng đang xây dựng mà ở một tương lai xa hơn, niềm tin vào những hướng đi, thị trường tiềm năng mới cho nông sản hữu cơ.
Mặc dù đã có những bước đi tích cực để bảo đảm đầu ra cho nông sản hữu cơ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn so với năng lực sản xuất. Khó khăn nằm ở chỗ:
- Sản xuất hữu cơ còn nhiều mô hình nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch
- Chất lượng sản phẩm còn thiếu ổn định
- Thiếu sự hỗ trợ từ các chính sách và nguồn vốn
- Thiếu sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối
- Các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển…
Từ đây có thể thấy, câu chuyện đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, cần sự đồng thuận và phối hợp cả bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà sản xuất. Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không thể, bằng chứng là đã có nhiều sản phẩm đã bước chân vào siêu thị và nâng cao được giá trị cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tin rằng, với sự quan tâm của cộng đồng dành cho sản phẩm hữu cơ, đây sẽ là nguồn thúc đẩy to lớn cho loại sản phẩm này phát triển một cách bền vững.