Chế biến và sử dụng trùn quế trong chăn nuôi

425 lượt xem

Trùn quế là nguồn thức ăn đạm cao cấp dùng trong chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, khâu đầu tiên là giống. Muốn nuôi loài gì cũng phải lo đầu tiên là chọn giống tốt. Khâu thứ hai là thức ăn. Quyết định của thức ăn chính là hàm lượng đạm có trong nó. Khi ra cửa hàng bán thức ăn cho vật nuôi, ta thấy có rất nhiều loại. Việc đầu tiên mà các bạn sẽ làm là nhìn xem trong thành phần của loại thức ăn đó có bao nhiêu phần đạm. Thành phần đạm cao hay thấp sẽ quyết định giá trị của từng loại thức ăn. Vì vậy có thể nói, trùn quế trong chăn nuôi, hàm lượng đạm trong thức ăn sẽ góp phần quyết định cho sự tăng trọng và chất lượng thịt của vật nuôi.

Luống nuôi giun của chúng ta chính là một xưởng sản xuất đạm (mà là đạm động vật) để cung cấp cho vật nuôi. Mỗi gia đình duy trì được một vài luống giun tức là chúng ta chủ động được nguồn đạm để phát triển chăn nuôi.

Trùn quế là thức ăn hấp dẫn trong chăn nuôi. Đối với các loài thủy sản, giun là một trong những loài thức ăn hấp dẫn nhất. Chính vì thế mồi câu thường được người ta lựa chọn là giun. Các loài cá, ba ba, ếch, lươn, cua biển,… đều thích thức ăn là giun. Ta chỉ cần khai thác chúng khỏi luống nuôi và vứt ngay xuống nước là cá đã tranh nhau ăn. Nếu cẩn thận nên cho chúng vào một cái giá và hạ sâu xuống dưới nước. Cũng có chỗ, người ta còn băm nhỏ giun ra rồi mới đưa vào giá để đưa xuống cho cá ăn. Đặc biệt, đối với tôm, cua ta nên làm theo kiểu đó. Bọn chúng không hung hăng như các loài cá. Việc ăn mồi của chúng diễn ra từ tốn hơn. Nếu để giun còn sống, chúng có thể tẩu thoát trước khi bị tôm, cua bắt đi.

Đối với gà, vịt, ngan, ngỗng,chim cảnh,… nên cho ăn sống. Không nên cho ăn một lúc quá nhiều. Tùy trọng lượng từng con mà cho ăn thêm từ 5 – 7 con tới 15 – 20 con giun mỗi ngày. Đối với gà đẻ, vịt đẻ thì giun là thức ăn rất cần thiết. Nên tăng thêm lượng giun cho chúng.

trùn quế trong chăn

Lợn cũng thích ăn giun. Tuy nhiên, ta nên nấu chín giun hoặc chế biến thành mắm để cho chúng ăn. Tốt nhất, là sấy khô và giữ giun để cho lợn ăn dần.

Việc sấy khô giun không khó. Trước hết, ta rửa sạch giun bằng nước lã vài lần. Sau đó, để ráo bớt nước rồi đổ chúng vào thúng đựng cám. Giun gặp cám khô sẽ quằn quại, vùng vẫy. Cám sẽ bám khít cơ thể chúng. Vài phút sau, giun sẽ chết vì ngạt. Khi đó, sang qua cho cám rơi bớt ra. Sau đó, đem chúng đi sấy. Những nơi có nắng nhiều ta nên sất ánh nắng bằng cách rải giun lên các tấm tôn hoặc các tấm kim loại. Cũng có thể rải trên nền xi măng, chỉ vài nắng là chúng khô cong. Ở nhưng nơi ít nắng, ta có thể rang trên chảo như kiểu sao chè.

Khi được giun khô, ta để nguyên con hoặc giã ra thành bột. Có thể bảo quản chúng trong hũ sành, hũ thủy tinh hay trong các bao nilon. Phải giữ thật kín, tránh để bị ẩm. Thường dùng loại trùn quế khô này để bổ sung vào thức ăn trong chăn nuôi.

Có bạn bảo, con giun bẩn như vậy mà tại sao có nơi người ta chế biến làm thức ăn? Xin trả lời, việc làm sạch giun không khó. Trước hết, người ta cũng rửa qua nước cho chúng sạch bớt. Sau đó, họ cho chúng vào một cái thùng đựng bột ngô hòa với nước ở mức sền sệt. Bột ngô khác bột gạo. Bột ngô không dính vì hàm lượng gluten thấp hơn. Khi thả giun vào, chúng lập tức chui xuống dưới lớp bột ngô đó. Ta giữ chúng ở đây khoảng 24 – 28 tiếng. Trong thời gian này, giun sẽ ăn bột ngô. Như các bạn biết, cơ thể giun là một cái ống tiêu hóa. Ngô bột sẽ giúp chúng cọ sát cho sạch các chất bẩn dính trên cơ thể. Mặt khác, thức ăn ngô đi qua cơ thể sẽ dồn tất cả cạn bã trong cơ thể giun ra ngoài. Sau 48 tiếng, con giun sẽ sạch bong. Ta dùng nước để rửa lại cho chúng dồn hết bột ngô và phân giun ra ngoài. Lúc này ta chỉ còn toàn giun sạch.

Chúng tôi không giới thiệu cách chế biến giun làm thức ăn cho người. Nhưng ở một số nước, người ta đã làm việc này. Ví dụ một vài món ăn được chế biến từ giun đã được làm sạch như sau:

– Món giun chiên giòn: Giun sạch được nhúng vào bột mì sền sệt. Sau đó vớt ra và cho vào chảo dầu đang sôi. Chúng sẽ phồng rộp lên, to bằng ngón tay. Khi đã chiên vàng, họ vớt ra đĩa. Khách dùng chúng để nhậu với bia.

– Món trứng đúc giun: Đánh 2 – 3 quả trứng vịt và trộn giun vào. Thái ít củ và hành lá tươi để trộn thêm. Dùng một vài lát hành khô đảo với mỡ cho thơm. Sau đó đổ bát trứng vào. Rán cho vàng đều hai mặt. Món này thơm, dùng để kẹp ăn với bánh mì rất ngon.

– Bánh bích quy giun: Dùng bột giun trộn với bột mì, trứng, đường. Nhào đều và rập khuôn bánh. Sau khi nướng, ta được một loại bích quy rất thơm và ăn ngon,…

Kể ra một vài món ăn như vậy để bà con biết thêm. Tuy nhiên ở ta, việc dùng trùn quế trong chăn nuôi là việc quan trọng nhất.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Sách “Kỹ thuật nuôi trùn đất”)

Sfarm.vn tổng hợp

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết