CÂU CHUYỆN CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

146 lượt xem

Từ thực tế lúa hàng hóa đang dư thừa ở ĐBSCL, đầu ra cho cây lúa đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Chuyển đổi sản xuất càng trở nên thúc bách, chuyện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gần đây trở nên nóng bỏng .

Từ năm ngoái, một vị lãnh đạo tỉnh An Giang đã đề xuất Chính phủ nên có ý kiến để tỉnh chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng màu vì ở An Giang, nhiều nơi trồng màu hiệu quả hơn trồng lúa. Trên thực tế, nông dân đã tự chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng nhiều loại cây khác nhau cho thu nhập cao hơn.

Tại Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh… nhiều diện tích sản xuất lúa đã được luân canh với bắp, đậu nành, các loại rau, củ quả.

Tuy vậy, không ít nông dân ĐBSCL vẫn “kiên định” trồng lúa trong thế chẳng đặng đừng. Vụ Hè thu năm nay vẫn còn nhiều nông dân trồng lúa theo kiểu “liều mạng”: Sản xuất ngoài vùng đê bao an toàn, nguy cơ mất trắng do lũ chụp

sản xuất nông nghiệp

Bưởi Năm Roi hồ lô – một đặc sản đã giúp nhiều nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang làm giàu.

Có thể nói, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL chưa giàu từ hạt lúa. Song, khát vọng vươn lên làm giàu bao giờ cũng cháy bỏng trong họ. Cách đây hơn 10 năm, khi con cá tra lên ngôi không chỉ nông dân mà lãnh đạo các tỉnh cũng “ùn ùn” chen chân nhau nuôi cá tra; nhiều người đã trở thành tỉ phú, phất lên sắm xe hơi “đời mới” từ con cá tra. Nhưng sự chuyển đổi bộc phát, thiếu kiểm soát từ người nuôi đến các nhà máy thủy sản đã dẫn đến những khiếm khuyết “đấu đá” trầm kha mà cái giá của nó là nhiều nông dân và nhà máy chế biến cá tra rơi vào phá sản, nợ nần trầm kha như hiện nay.

Câu chuyện nông dân tỉnh Vĩnh Long (chủ yếu ở huyện Bình Tân) ồ ạt chuyển gần 3.000ha đất trồng lúa sang trồng khoai lang năm ngoái phải trả giá đắt là một điển hình cho sự nóng vội chuyển đổi theo kiểu chạy theo đuôi thị trường, thiếu bền vững.

Hay chuyện nông dân Bến Tre đốn dừa, nông dân Hậu Giang chặt bưởi Năm Roi trồng cam sành là ví dụ sự bế tắc đầu ra ! Ít nhiều, sự bế tắc này chỉ xảy ra cục bộ 1-2 năm nhưng cũng đủ là “nắm đấm chí tử”. Không ít nông dân đã phất lên làm giàu khi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu, nuôi cá… Nhưng sự chuyển đổi này chỉ mang tính “lén lút” và “trúng rùa” lúc đầu! Điển hình như nông dân nuôi cá rô đầu vuông ở Hậu Giang: chỉ trúng giá trong 2 năm đầu, nhưng khi phong trào này lan rộng thì không ít người nuôi cá rô đầu vuông phải thua lỗ, ôm hận.

Thời gian qua, nhiều nông dân ở An Giang, Đồng Tháp đã sản xuất theo mô hình liên kết đầu vào, đầu ra để cung ứng hàng nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, phần diện tích chuyển đổi này cũng khá nhỏ lẻ và không đáng kể so với sức sản xuất và quy mô canh tác của cả vùng ĐBSCL. Hay như mô hình nuôi bò sữa ở HTX nông nghiệp Evergowth ở Sóc Trăng. “Hiện nay, HTX mua sữa tươi của xã viên với mức 12.000 đồng/kg, cung cấp thức ăn tinh trả chậm giá thấp hơn thị trường, đảm bảo mức lợi nhuận bình quân từ 45-50 triệu đồng/con/năm”- ông Trần Hoàng An, Giám đốc điều hành của HTX nông nghiệp Evergowth, cho biết. Tuy nhiên, một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thừa nhận: Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để tăng đàn bò sữa vì nhu cầu thị trường rất lớn, song rất khó để nhân rộng mô hình như HTX nông nghiệp Evergowth. Nguyên nhân chính là thiếu “vốn mồi” ban đầu cho nông dân nuôi bò và khâu tiêu thụ sản phẩm chưa lường hết được.

Nông dân sản xuất nông nghiệp là đối tượng dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Chỉ cần mất mùa, nông sản thất giá một hai vụ, họ rất dễ rơi vào diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đang trở nên một nhu cầu bức bách đặt ra từ thực tế sôi động ở ĐBSCL. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng chuyển đổi sang “trồng cây gì, nuôi con gì” có hiệu quả là một câu hỏi giống như “một câu thiệu” đã có hơn một thập niên qua. Nếu chỉ hô hào suông, làm theo phong trào mà không có quy hoạch, chiến lược cụ thể, cái khó sẽ lại bị đẩy về phía nông dân như câu chuyện hạt lúa hiện nay.

Nhiều người cho rằng, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp chỉ mang tính bền vững khi hội đủ nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề và gắn chặt với đầu ra; tổ chức lại sản xuất theo hướng nông dân liên kết tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn. Cụ thể là phải gắn với mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ có mô hình này nông dân mới đủ lực làm “đối trọng” với các đối tác cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra. Và yếu tố quan trọng nhất chính là “địa chỉ xanh” của người tiêu thụ hàng nông sản. Nói đơn giản là nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng. Trên cơ sở này mới triển khai các chương trình khuyến nông gắn với tín dụng. Nếu làm được điều này, chuyển đổi mới thật sự bền vững, giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình.

Nguồn : Báo An Giang

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết