CAM SÀNH ĐƯỢC MÙA ĐƯỢC GIÁ TẠI NGHỆ AN

192 lượt xem

Dịp này về xã miền núi Minh Thành, huyện Yên Thành ( Nghệ An) cây cam sành đang bắt đầu chín rộ, khắp trên các khu vườn đồi vàng rực một màu cam chín. Niềm vui của bà con lại càng nhân lên bởi Cam vừa được mùa lại rất được giá.

Xen giữa khu đồi ở địa bàn xóm 8 là vườn cam rộng trên 1,5 ha với gần 600 gốc cam sành của gia đình ông Nguyễn Thọ Đồng đang vào mùa thu hoạch. Là người có kinh nghiệm trồng cam đã hàng chục năm nay, ông Nguyễn Thọ Đồng đã dày công vun trồng và bảo tồn được giống cam bản địa. Đây là giống cam sành mang đặc trưng của vùng bán sơn địa của huyện Yên Thành, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này.

Đặc điểm của loại cam này là vỏ mỏng, ngọt thơm đậm đà, được thị trường ưa chuộng. Thời điểm này cam ở Minh Thành đã bắt đầu chín và cho thu hoạch, vừa được mùa lại được giá, gia đình ông không giấu nổi niềm vui.

Ông Nguyễn Thọ Đồng, xã Minh Thành, Yên Thành cho biết:Diện tích trồng cam chiếm rất ít, mỗi cây chỉ chiếm khoảng 4m2. Nếu như cây to sẽ cho 4-5 yến quả, cây nhỏ chỉ cần lấy 2 yến cũng đã có 800 ngàn đồng. Tôi thấy trồng cam khoẻ nhất và hiệu quả kinh tế nhất”.

Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ tơi xốp là điều kiện thuận lợi để cây cam phát triển, hiện nay ở xã Minh Thành đã có trên 200 hộ đầu tư trồng cam, với diện tích 32 ha. Cam sành là cây trồng truyền thống của người dân địa phương, các hộ dân không những có kinh nghiệm trồng và kỹ thuật chăm sóc để cây cam đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được thị trường tiêu thụ ổn định.

Với năng suất bình quân đạt từ 14-15 tấn/ha, giá bán như hiện nay từ 60 đến 70 ngàn đồng/kg, được thương lái đến thu mua tận vườn, đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Theo kinh nghiệm của bà con, cam là loại cây trồng khó tính nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi người trồng Cam phải nắm bắt và thực hiện đúng các quy trình khoa học kỹ thuật. Một trong những yếu tố quan trọng là nguồn phân bón phù hợp với từng loại chất đất; tưới đủ nước theo từng giai đoạn phát triển của cây Cam, đặc biệt phải làm tốt công tác phòng trừ các loại bệnh nấm mốc, sâu đục thân, lở cổ rệ và không để quả bị nứt. Ông Phan Viết Từ – Ban khuyến nông xã Minh Thành chia sẻ: “Đối với cây cam mỗi năm phải chăm bón 3 lần. Lần 1 là thời điểm sau thu hoạch, tạo điều kiện cho cây phát triển để ra quả trong vụ xuân. Đến thánh Tư âm lịch sẽ bón phân đợt 2. Lần thứ 3 vào khoảng tháng 7 âm lịch. Nếu dùng phân vô cơ bón liên tục trong nhiều năm sẽ làm cho đất bị chai dẫn đến cây cam kém phát triển nên phải dùng phân hữu cơ ủ lên mem để bón là tốt nhất…”.

Xác định được những tiềm năng của địa phương với nhiều diện tích gò đồi,đất đai màu mỡ phì nhiêu, độ dốc vừa phải, những năm qua xã Minh Thành đã phát huy lợi thế của cây Cam sành bản địa trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng thương hiệu đặc sản của địa phương.

Được sự quan tâm của các cấp, ngành, một số dự án của Nhà nước đã được đưa vào và triển khai thực hiện trên địa bàn xã: Dự án khôi phục và phát triển giống Cam bản địa từ năm 2007-2009; Dự án tài trợ của Ôxpam về phát triển vườn đồi; Dự án cạnh tranh nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và phát triển cây Cam Minh Thành (2012-2013).

Nhằm khuyết khích người dân mở rộng diện tích trồng cam, UBND xã Minh Thành cũng đã quan tâm, tạo điều kiện để bà con được tiếp cận KHKT; trao đổi kiến thức kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng trong sản xuất thâm canh, kỹ thuật ghép cành, xử lý chất đất, sử dụng phân bón phù hợp, đảm bảo cho vùng cam Minh Thành phát triển ổn định.

cam sành

Ông Nguyễn Thọ Đồng, xóm 8, xã Minh Thành, Yên Thành.

Ông Nguyễn Khánh Tùng – Phó chủ tịch UBND xã Minh Thành nói: “Ngoài trích ngân sách mời chuyên gia trồng cam về tập huấn KHKT, hàng năm xã còn trích ngân sách hỗ trợ tiền phân bón cho những hộ có nhiều diện tích. Tiếp tục tạo mối quan hệ với các ngành liên quan để thu hút các dự án liên quan đến cây cam, vừa mở rộng được diện tích, vừa làm cho cây cam ra quả đẹp hơn và chất lượng ngày càng ngọt hơn”.

Đã từ lâu thương hiệu cam Minh Thành đã được nhiều nơi biết đến, năm nay người trồng Cam ở đây lại thu hoạch một mùa vụ bội thu. Cây cam không chỉ làm giàu cho mỗi hộ gia đình mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo của một xã miền núi, hy vọng trong tương lai không xa thương hiệu cam Minh Thành sẽ được lên ngôi, được nhiều nơi biết đến, là thế mạnh để Minh Thành tiếp tục phát huy tiềm năng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo Dân Trí

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết