Có thể bạn chưa biết thực trạng diễn ra phổ biến trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay là nền đất canh tác bị bạc màu thoái hóa do kỹ thuật canh tác bị lạm dụng như: sử dụng phân bón quá mức, nguồn nước tưới nhiễm kim loại nặng, đất trồng… và cơ cấu cây trồng, mùa vụ không được kiểm soát. Ảnh hưởng rõ rệt nhất là năng suất cây trồng giảm dần, chi phí tăng dần qua từng mùa vụ. Để biết cách cải tạo đất bằng phân trùn quế hiệu quả, cùng theo dõi bài viết sau đây của Đặng Gia Trang.
Các biểu hiện đất trồng thoái hoá, bạc màu, khô cằn
- Đất chai cứng, nứt nẻ
- Bạc màu
- Nhanh khô
- Cây trồng còi cọc, chậm phát triển
- Sâu bệnh xuất hiện thường xuyên
Khi đó đất nghèo dinh dưỡng, lớp đất mặt bị trơ, mất khả năng giữ nước và dinh dưỡng, cây trồng sẽ không có dinh dưỡng và nước để phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đất trồng bị thoái hóa
- Sử dụng phân hóa học quá nhiều
- Không bổ sung phân hữu cơ
- Không giữ ẩm thường xuyên cho đất
- Nguồn nước tưới bị nhiễm các kim loại nặng
- Tầng đất mặt bị rửa trôi.
Vậy nên, để phát triển cây trồng lâu dài, bền vững cần phải cải tạo lại đất trồng để phục hồi lại nền đất bằng các biện pháp:
- Bổ sung lân để nâng pH đất ở những vùng đất chua, phèn.
- Bổ sung lượng lớn phân hữu cơ vi sinh để cho đất có độ tơi xốp, vi sinh vật phân giải các chất độc hại trong nền đất.
- Tưới giữ ẩm thường xuyên.
Việc cải tạo đất yêu cầu thời gian dài nên đất trồng sẽ phục hồi dần sau thời gian canh tác. Trong đó, giải pháp sử dụng phân trùn quế để cải tạo đất được đánh giá có hiệu quả cao, cho thời gian phục hồi nên đất nhanh chóng.
Phân trùn quế là loại phân hữu cơ vi sinh cao cấp, thu được trong quá trình nuôi trùn quế. Một loại phân hữu cơ tự nhiên, hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn và sạch mầm bệnh.
Các ưu điểm, công dụng khi dùng phân trùn quế cải tạo đất
Làm cho đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng
Trong phân trùn quế có chứa hàm lượng hữu cơ và đa-trung-vi lượng rất cao. Đây là yếu tố cần bổ sung hàng đầu trong quá trình cải tạo đất. Các hợp chất hữu cơ sẽ làm thay đổi kết cấu đất bạc màu, làm đất tơi xốp hơn, tăng khả năng chứa nước và dinh dưỡng, khả năng thoáng khí cho đất, tránh các hiện tượng nghẹt rễ trên cây trồng.
Tăng hàm lượng mùn trong đất
Phân trùn quế có chứa nhiều acid humic và fulvic. Đây là 2 thành phần chính cấu tạo nên hợp chất mùn. Đất càng màu mỡ thì lượng mùn càng cao. Nó được xem là một loại keo đất. Các chất dinh dưỡng được chúng giữ lại và phân giải chậm cho cây trồng hấp thu, tránh hiện tượng dinh dưỡng bị rữa trôi, tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng, phân bón.
Giải độc cho cây trồng
Hệ vi sinh vật trong phân trùn quế rất đặc trưng. Chúng có khả năng cố định đạm, phân giải các hợp chất lân, cellulose khó tan thành các hợp chất dễ tan, giúp cây trồng có thể hấp thu. Vì vậy, hàm lượng dinh dưỡng trong đất được tăng cường đáng kể, loại bỏ các hiện tượng ngộ độc do phân bón và các chất khó tan, giải độc phèn.
Chứa kén trùn để cải tạo đất
Kén trùn trong phân trùn quế trong điều kiện độ ẩm thích hợp sẽ phát triển thành con trùn. Các con trùn hoạt động trong đất sẽ tạo độ thông thoáng trong đất giúp cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Đồng thời các chất nhớt trên thân con trùn cũng chứa một hệ vi sinh vật có lợi lớn để bổ sung vào đất. Đất tốt là đất ở đó chứa nhiều vi sinh vật có lợi, đất có trùn.
Ổn định pH cho đất
Đa số các đất bạc màu thường có độ pH thấp. Ở mức pH này thì cây trồng sẽ khó hấp thu dinh dưỡng nên sẽ bị còi cọc, không phát triển. Nhờ độ pH trung tính của phân trùn quế và hợp chất acid humic mà phân trùn quế có khả năng trung hòa pH trong đất, ổn định lại pH, tránh được việc mất cân bằng pH trong quá trình sử dụng các loại phân bón khác.
Liều lượng dùng
Để cải tạo đất bằng phân trùn quế, phân trùn quế dùng để bón lót khoản 10 tấn/ha. Định kỳ bón bổ sung 3 tháng/lần với lượng 3 – 5 tấn/ha. Nếu khu vực nước tưới không chủ động được thì bón vào đầu và cuối mùa mưa.
Cách bón
- Xới tầng đất mặt, bón phân trùn quế sau đó lấp đất lại. Tưới đủ ẩm cho đất. Hoặc rải đều bề mặt của đất trong bước làm đất rồi cày trộn đều lên.
- Tránh không để cho đất quá khô.