So với các loại nấm khác, nấm kim châm vẫn nổi bật với mùi thơm khác biệt cùng vị ngọt thanh dễ ăn nên được rất nhiều người ưa thích. Loại nấm này rất dễ trồng nên bạn có thể tham khảo cách trồng nấm kim châm qua bài viết này cùng Đặng Gia Trang để có những mẻ nấm sạch và đảm bảo an toàn cho gia đình mình nhé!
1/ Đặc điểm của nấm kim châm
Nấm kim châm có hình giá đậu nhưng với kích thước lớn. Mũ nấm lúc còn non có hình cầu hay hình bán cầu về sau chuyển sang dạng ô đường kính khoảng 1,5 – 7 cm. Mũ nấm có màu vàng nhạt ở giữa có màu vàng thẫm hơn. Cuống thẳng có màu trắng hay vàng nhạt, nửa dưới có màu nâu nhạt, kích thước rộng khoảng 0,2 – 1 cm, dài 3 – 7 cm có khi dài tới 13 cm.
2/ Điều kiện sinh trưởng của nấm kim châm
Nấm kim châm thuộc nhóm chịu lạnh
Nhiệt độ pha nuôi sợi: 18 – 26 độ C
Nhiệt độ pha hình thành quả thể: 6 – 16 độ C
Chú ý: Không nên nuôi trồng nấm kim châm ở nhiệt độ quá 16 độ C
Ẩm độ không khí
Pha nuôi sợi: 63 – 65%
Pha ra quả thể: 85 – 90%
Chú ý: Nếu độ ẩm không khí quá 90% cần tạo độ thông thoáng tốt.
Độ thông thoáng
Pha nuôi sợi: Nồng độ CO2 < 0,6%
Pha ra quả thể: Nồng độ CO2 < 1%
Chú ý: Nồng độ CO2 > 3% sẽ phát triển cuống nấm nhưng ức chế mũ nấm
Nồng độ CO2 > 5% sẽ không thể tạo ra quả thể
Ánh sáng
Pha nuôi sợi: Không cần ánh sáng
Pha ra quả thể: 1 – 2 lux (ánh sáng tán xạ)
Chú ý: Nếu chiếu sáng nhiều quá, cuống nấm sẽ bị ngắn, mũ xòe ra sớm.
pH
Sợi nấm có thể phát triển trong phạm vi pH từ 3 – 8,2 tuy nhiên thích hợp nhất là pH từ 4 – 7.
3/ Cách trồng nấm kim châm từ gốc bỏ đi
3.1 Chuẩn bị
Một khóm nấm kim châm còn nguyên rễ và thân.
Một túi bã cà phê. Bạn có thể thay bằng vỏ đậu xanh, vỏ đậu phộng, mùn cưa, rơm rạ, lõi ngô, bã mía…Tuy nhiên nếu sử dụng mùn cưa để trồng nấm kim châm thì cần được ủ đống từ 3 – 6 tháng trước đó.
Nước cất. Nếu sử dụng nước máy thì phải để ngoài ít nhất 48 tiếng để bay hết hơi flo.
Thùng nhựa
Bát tô
Túi nilon
3.2 Cách trồng nấm kim châm
Bước 1. Chuẩn bị nguyên liệu trồng nấm
Chuẩn bị bã cà phê với số lượng nhiều. Nếu không có số lượng nhiều thì nên thu thập từng ít và cho vào ngăn mát tủ lạnh cất. Bã cà phê vừa không bị mốc do thời tiết và vừa khử mùi tủ lạnh.
Khi cho cà phê vào tủ lạnh bạn nên chú ý kiểm tra chất lượng, nếu bã cà phê bị mốc dù ít cũng không nên sử dụng để trồng.
Tốt nhất bạn có thể đến các tiệm cà phê để xin bã cà phê với số lượng nhiều. Sau khi có đủ bã cà phê, trước ngày trồng nấm kim châm, lấy bã ra ngoài trong 24 giờ với nhiệt độ phòng.
Bước 2. Chuẩn bị chậu trồng nấm kim châm
Chậu trồng nấm bạn có thể dùng thùng sơn loại lớn. Sau đó đổ bã cà phê vào đầy khoảng 1/2 thùng nhựa.
Kiểm tra bã cà phê trong thùng nhựa đã đủ độ ẩm chưa. Nếu chưa thì vẫy 1 ít nước vào đều đủ ẩm, tránh để bã đọng quá nhiều nước.
Bên cạnh thùng nhựa, bạn có thể sử dụng chai thủy tinh miệng rộng. Chú ý bọc vải hoặc giấy báo để làm tối chai thủy tinh trước khi trồng nấm nhé.
Bước 3. Chuẩn bị nấm kim châm để trồng
Nấm kim châm mua về, để ra thớt, dùng dao sắc cắt đôi chia phần thân và rễ ra.
Phần thân trên bạn có thể chế biến món ăn hàng ngày còn phần rễ giữ lại để trồng.
Bước 4. Trồng nấm kim châm
Bạn tiến hành tách bộ rễ nấm kim châm thành từ 4 – 6 phần nhỏ sao cho phù hợp với thùng nhựa hoặc chai thủy tinh của bạn.
Đặt từng phần rễ nấm xuống phần bã cà phê bạn đã chuẩn bị ở trên. Dùng tay nén nhẹ để phần rễ nấm lún xuống bã cà phê.
Nếu bạn có đủ bã cà phê và rễ nấm thì có thể cho đầy thùng (cách miệng khoảng 2,5cm). Nếu không, hãy đục một vài lỗ nhỏ trên thành xô cách bề mặt giá thể khoảng vài 2 – 3cm giúp các khí CO2 sản sinh trên bề mặt giá thể được thoát ra ngoài, tránh hỏng nấm. Với một chiếc thùng như trong hình cần đục ít nhất 6 lỗ trên thành xô.
Bước 5. Chăm sóc nấm kim châm tại nhà
Dùng màng bọc thực phẩm hoặc túi bóng kính trong suốt che miệng xô, trên đó đục một vài lỗ thủng. Khi nấm kim châm bắt đầu mọc mới bỏ túi đậy.
Để thùng nhựa trồng nấm ở góc tối không có ánh sáng và lạnh. Nấm kim châm phát triển nhanh nhất ở nhiệt độ 13 độ C, và không nên vượt ngưỡng 18 độ C.
Tháo miệng túi để tưới phun sương cho phần nấm vừa trồng của bạn hàng ngày.
Trong khoảng từ 1 – 2 tuần, nấm sẽ bắt đầu mọc lên.
Bước 6: Thu hoạch
Khi nấm dài 15cm, bạn có thể thu hoạch đợt đầu tiên. Sau khi thu thập nấm, tiếp tục duy trì nhiệt độ khoảng 13 độ C. Chỉ sau khoảng 3 – 4 ngày, nấm kim châm sẽ mọc tiếp lứa thứ hai. Toàn bộ thời gian sinh trưởng kéo dài khoảng 75 – 90 ngày.
Nấm kim châm tự trồng
4/ Cách trồng mới nấm kim châm
4.1 Chuẩn bị túi màng mỏng
Chọn túi PE hay PP có kích thước 38 – 40 x 17 – 20 cm, dày 0,05 – 0,06 mm. Cũng có thể dùng chai thủy tinh miệng rộng để nuôi trồng nấm kim châm. Khi dùng chai thủy tinh miệng rộng cần phải chuẩn bị thêm các miếng màng mỏng, giấy báo hay vải phin để phủ miệng bình trước khi khử trùng (diệt khuẩn).
4.2 Xử lý nguyên liệu, phối trộn, đóng túi và khử trùng
Nguyên liệu trồng nấm kim châm tương đối đa dạng có thể là: Thân lá đậu đỏ, vỏ lạc, mùn cưa cao su, mùn cưa tạp, mùn cưa bồ đề, rơm rạ, lõi ngô, bã mía, vỏ chuối….
Một số công thức trộn nguyên liệu:
- Công thức 1: Mùn cưa 77%, Cám gạo 20%, Bột thạch cao 1%, Đường 1%, supe lân 1% bổ sung nước đạt độ ẩm 60 – 70%, pH 6,5.
- Công thức 2: Rơm rạ cắt nhỏ 72%, cám gạo 20%, bột ngô 5%, Đường 1%, super lân 1%, bột thạch cao 1%. Bổ sung nước đạt độ ẩm 60 – 70%, pH 6,5.
Cần lưu ý riêng với mùn cưa phải phải ủ đống sau 3 – 6 tháng mới nên sử dụng để trồng nấm kim châm. Nếu vội thì phải vừa phơi nắng vừa nhào trộn với nước vài ngày.
Dùng các túi nilon PE hay PP có khả năng chịu nhiệt cho mùn cưa vào túi và dùng tay ấn chặt. Dùng một cổ tròn buộc trên miệng bịch như cái cổ chai, tiếp theo xuyên một lỗ (mục đích cấy meo giống vào dễ dàng) sau cùng là nhét bông vào cổ bịch. Bịch được cho vào nồi hơi để hấp ở nhiệt độ 100 độ C (hấp cách thủy). Thời gian từ lúc đóng bịch đến khi cho vào nồi hấp càng nhanh càng tốt. Khoản 6 – 8 tiếng có thể lấy bịch ra khỏi nồi, khi mở nồi ra sẽ có mùi thơm của các nguyên liệu do đã chín.
4.3 Cấy giống
Chọn những túi giống khỏe mạnh, không quá già hay quá non. Nhận biết túi giống tơ đã kéo trắng hoàn toàn, không được có nấm dại, nấm mốc. Dụng cụ cấy dùng một cái kẹp gắp (pank y tế) vệ sinh thật kỹ (bằng cồn hoặc hơ qua lửa cồn). Có 2 loại meo lúa và meo cọng nên linh hoạt sử dụng các công cụ để thuận tiện cho việc cấy giống. Dùng pank gắp cọng meo cho vào chỗ được khoan sau khi đóng bịch rồi đóng bông lại.
4.4 Ươm tơ
Thời gian sau khi cấy giống đem đi ủ càng nhanh càng tốt
Phòng ươm bịch nuôi sợi phải sạch sẽ, thoáng mát và đã vệ sinh khử trùng
Nhiệt độ kéo sợi tốt nhất là từ 22 – 26 độ C và độ ẩm không khí phù hợp 80 – 85%
Không cần ánh sáng, để trong phòng tối
Không được tưới nước trong thời gian này
Hạn chế tác động trực tiếp lên bịch vì dễ làm dập tơ gây ảnh hưởng đến bịch nấm
Nấm bị nhiễm bệnh như mốc cam, xanh, đen… cần loại bỏ ngay và đưa ra khỏi khu vực nuôi
Thời gian ươm bịch từ 30 – 45 ngày tơ sẽ kéo trắng hết bịch
4.5 Trồng nấm
Cần ánh sáng nhẹ, phát tán đều
Độ ẩm không khí 85 – 95%
Nước tưới nên lọc qua để đảm bảo độ sạch
Rút bông mở miệng túi và xếp các bịch nấm sát lại nhau lên kệ
Đặt bịch nấm thẳng đứng trên các mặt sàn kệ sao cho miệng bịch hướng lên trên (chiều cao mỗi ô kệ cách nhau từ 45 – 50 cm tùy theo kích thước bịch nấm)
Sau từ 15 – 20 ngày sẽ thấy các quả thể nấm phát triển li ti, thời điểm này tưới nước phun sương đều đặn 2 – 3 lần/ngày, không tưới lên bịch chỉ tưới xung quanh và nền nhà.
4.6 Cách thu hái
Khi cuống nấm dài tới 15 cm và mũ nấm phẳng có màu sáng hơn thì đã đủ tiêu chuẩn để thu hoạch. Dùng tay kéo cả cụm nấm ra, bịch phôi để lại vị trí cũ. Sau khi thu hái nấm kéo túi nấm lên cao hơn bề mặt 2cm. Sau khi thu hoạch hết cụm nấm, cạo lớp vôi cũ trên bề mặt và đổ 1 lớp nước lên mặt vôi khoảng 1 – 2 cm. Duy trì nhiệt độ khoảng 13 độ C sau 3 – 4 ngày đã xuất hiện quả thể nấm đợt 2. Mỗi bịch nấm thu hoạch khoảng 3 lần.
Như vậy chỉ với vài bước đơn giản bạn đã có thể tự tay trồng nấm kim châm ngay tại nhà rồi. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!
*Xem thêm
- 2 cách trồng rau mồng tơi trong thùng xốp ăn hoài không hết
- Kỹ thuật trồng rau nhút đạt năng suất cao cho nông dân
- Cách trồng rau cần tây đơn giản nhất tại nhà