Cách trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa chuẩn chuyên gia

1663 lượt xem

Trong rất nhiều các loại giá thể, bạn đang phân vân không biết trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa có hiệu quả không? Kỹ thuật trồng như thế nào để cây phát triển tốt và ra hoa nhiều, đẹp? Qua bài viết sau đây, Đặng Gia Trang sẽ hướng dẫn bạn cách trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa đơn giản và chuẩn chuyên gia nhất nhé.

1/ Đặc điểm khi trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa

1.1 Ưu điểm

Hiện nay, trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa đang rất được ưa chuộng, vì có khá nhiều ưu điểm hơn so với những cách trồng khác. Không những là nguyên liệu phổ biến, dễ tìm mà xơ dừa còn rất thích hợp để trồng lan hồ điệp. Xơ dừa có trọng lượng nhẹ và giá thành rẻ.

Đây là loại giá thể cực tốt vì với hàm lượng chất xơ cao nên đảm bảo được chất dinh dưỡng, độ thoáng khí giúp kích thích rễ lan phát triển. Xơ dừa khi trộn với đất có tác dụng làm đất tơi xốp hơn, giúp chống nóng hiệu quả và hạn chế thoát nước, giữ ẩm tốt.

Hơn nữa, xơ dừa khá sạch, ít mầm sâu bệnh hại nên dễ xử lý. Chỉ cần phơi xơ dừa thật khô rồi ngâm trong nước vôi loãng là được.

1.2 Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, xơ dừa cũng còn tồn tại một số nhược điểm cần lưu ý trong quá trình trồng lan hồ điệp. Xơ dừa dễ mục nát, độ bền thấp chỉ từ 1 – 2 năm là phải thay giá thể mới cho cây. Trọng lượng nhẹ, nhanh khô cũng có thể khiến cây lan hồ điệp trong chậu khó đứng vững và dễ bị đổ.

Thành phần xơ dừa có nhiều muối và những chất ảnh hưởng không tốt đến lan hồ điệp như tanin, lignin… nên nếu không xử lý cẩn thận có thể tồn đọng khiến cây chậm lớn, còi cọc thậm chí là chết. Không những thế, vì xơ dừa dễ mục, có thể mọc rêu nên có thể tạo điều kiện phát sinh nấm bệnh, gây hại tới quá trình sinh trưởng của cây lan.

2/ Kỹ thuật trồng lan bằng xơ dừa

2.1 Chuẩn bị nguyên liệu trồng lan

Một số nguyên liệu trồng lan quan trọng cần phải chuẩn bị đó là:

– Cây giống: 1 hoặc nhiều cây tùy vào nhu cầu

– Giá thể: xơ dừa, than củi

– Chậu trồng lan

– Các dụng cụ khác: bình tưới, dao, kéo,…

2.2 Cách xử lý xơ dừa trồng lan

Việc xử lý xơ dừa là rất cần thiết vì sẽ giúp khắc phục phần nào những nhược điểm trên như giảm nguy cơ gây hại của mầm sâu bệnh. Đầu tiên là cắt, xé, băm nhỏ xơ dừa cho phù hợp với kích thước cây lan và chậu trồng, rồi đập dập chúng cho tơi xốp. Đem xơ dừa phơi thật khô, tơi trong khoảng vài ngày. Tiếp tục ngâm xơ dừa trong nước khoảng 2 – 3 ngày, lặp lại từ 2 – 4 lần để loại bỏ hết chất tanin.

Sau đó, ngâm xơ dừa vào nước vôi loãng 7% khoảng 4 – 7 ngày để loại bỏ chất lignin. Lúc này, dùng nước sạch ngâm tiếp xơ dừa khoảng 2 – 4 lần để xử lý nước vôi. Cuối cùng, phơi xơ dừa đến khi khô kiệt là đảm bảo được chất lượng giá thể trồng lan hồ điệp.

2.3 Lựa chọn chậu trồng lan

Khi lựa chọn chậu trồng, bạn cần chú ý kích thước chậu vừa phải, phù hợp với kích thước cũng như số lượng cây lan giống. Nếu chậu quá bé khiến rễ không có đủ không gian để phát triển, còn nếu chậu lớn quá thì lan hồ điệp sẽ ra nhiều lá làm hạn chế khả năng ra hoa.

Có thể sử dụng chậu nhựa, chậu sứ hay chậu gỗ đều được. Nhưng chậu đất nung có nhiều lỗ thoát nước vẫn là thích hợp nhất. Trước khi trồng lan hồ điệp, bạn cần phải xử lý chậu bằng cách rửa sạch, ngâm cho chậu ngậm no nước. Cẩn thận hơn thì dùng thêm dung dịch sát trùng để loại bỏ mầm bệnh và sâu hại.

2.4 Cách chọn và xử lý cây lan hồ điệp

Để trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa đạt hiệu quả, bạn cần phải chọn cây giống thật tỉ mỉ, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cây lan hồ điệp được chọn phải đang ở giai đoạn trưởng thành, có đặc điểm mập mạp, khỏe mạnh và không có dấu hiệu của sâu bệnh. Chọn những cây có lá xanh tươi, màu đồng đều và tránh những cây mà lá quá bóng vì chúng đã hấp thụ thừa dưỡng chất nên khó ra hoa.

Bạn nên chọn những cây có bộ rễ khỏe mạnh, phát triển tốt có màu xanh đậm khi độ ẩm cao và màu xanh nhạt khi khô. Nếu cây lan hồ điệp có rễ thối hỏng thì chỉ trong thời gian ngắn sau đó cây có thể sẽ chết. Với những cây lan hồ điệp có rễ khô héo nhưng có mầm non xanh hoặc rễ mới nhú thì chúng có thể sinh trưởng bình thường khi được trồng bằng xơ dừa.

Trước khi trồng, bạn không thể bỏ qua bước tiến hành xử lý cây lan hồ điệp. Cắt ngắn rễ để kích thích cây mọc nhiều rễ mới, loại bỏ những phần rễ, lá bị khô già hay thối hỏng do nhiễm bệnh. Sau khi cắt, bạn dùng vôi để bôi vào vết cắt để sát khuẩn và chống mất nước. Rửa sạch cây rồi treo ngược và phun sương thường xuyên ở nơi thoáng mát, không có ánh nắng gay gắt khoảng 4 – 7 ngày.

2.5 Cách chọn bình tưới

Lượng nước tưới rất quan trọng, nó là nguyên nhân chính làm cho cây lan hồ điệp bị chết. Để tránh thừa hay thiếu nước gây tác động xấu đến cây, bạn cần phải sử dụng bình tưới phun sương phù hợp. Có thể lựa chọn bình tưới với nhiều dung tích khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng như bình 1 lít, 2 lít hay 5 lít.

2.6 Cách xử lý than củi

Với cách trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa thì than củi là nguyên liệu đi kèm để tạo hỗn hợp giá thể trồng lan. Nhờ sự hỗ trợ của than củi, giá thể trồng lan sẽ có độ thoáng khí, thoát nước tốt tạo môi trường tối ưu cho lan hồ điệp phát triển.

Than củi trồng lan hồ điệp thường được thu từ những cây lâu mục, không chứa tinh dầu như vải, nhãn, vú sữa,… Đập than củi thành những viên có kích thước tương ứng với xơ dừa, sau đó xử lý bằng cách ngâm trong nước một lúc lâu cho đến khi than củi chìm xuống.

2.7 Hướng dẫn các bước trồng lan

Cách trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa

Trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa đúng cách

Sau khi đã hoàn thành tất cả những bước chuẩn bị, xử lý nguyên liệu thì bạn bắt đầu tiến hành trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa theo 4 bước sau:

– Bước 1:

Lót dàn đều dưới đáy chậu trồng một lớp than củi nhằm tạo độ thông thoáng và giúp rễ cây không bị ngập úng.

– Bước 2:

Lót lên phía trên một lớp mỏng xơ dừa rồi đặt cây vào chậu. Khi trồng thì lưu ý cho cây nhô cao, không để phần gốc ngập sâu trong xơ dừa để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Sau đó, giúp lan hồ điệp tránh bị lung lay, nghiêng đổ khi gặp gió hay di chuyển chậu thì bạn cần cố định gốc cây bằng cọc và dây nhỏ.

– Bước 3:

Tiếp theo, lấp xơ dừa sao cho để chừa lại khoảng cách đến miệng chậu là 1cm. Lưu ý không nén chặt xơ dừa để tạo độ thoáng khí, có thể vỗ nhẹ chậu để xơ dừa trải đều hơn.

– Bước 4:

Sau khi trồng xong, bạn sử dụng bình phun sương đã chuẩn bị để tưới nước cho cây lan hồ điệp với một lượng vừa phải, đủ làm ẩm giá thể.

3/ Cách chăm sóc ban đầu cho cây lan hồ điệp

Công đoạn chăm sóc rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của cách trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa có thành công hay không. Bạn cần chú ý một vài điều sau đây về cách chăm sóc ban đầu cho cây lan hồ điệp:

3.1 Ánh sáng

Khi mới trồng xong, bạn nên đặt chậu lan hồ điệp ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp, gay gắt.

3.2 Tưới nước

Khi tưới thì chú ý giữ chế độ phun sương mỏng, lực phun vừa phải với lượng nước tưới đồng đều. Giữ độ ẩm phù hợp, tưới chậm nhiều lần cho cây và mỗi ngày tưới 1 – 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát. Sau những trận mưa thì bạn phải tưới lại ngay để rửa trôi những chất cặn đọng trên lá và thân.

3.3 Dinh dưỡng

Có thể pha dung dịch gồm 2ml Atonik và 2ml B1 hòa cùng 2 lít nước, rồi tưới bằng bình phun sương để kích thích sự phát triển của rễ và thân lan hồ điệp.

3.4 Phân bón

Không bón phân cho lan hồ điệp trước khi cây ra rễ mới. Nếu bón phân quá nhiều, nồng độ dinh dưỡng cao sẽ khiến lan hồ điệp bị cháy lá và rễ. Khoảng 1 – 2 tháng sau khi trồng, bộ rễ phát triển ổn định thì có thể bón phân. Bạn nên sử dụng các loại túi phân bón tan chậm chuyên dành cho lan như phân trùn quế viên nén Sfarm viên nén.

Ngoài ra, lan hồ điệp là giống lan khỏe mạnh, sức chống chịu tốt và ít khả năng bị sâu bệnh. Bạn chỉ cần thực hiện cách trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa đúng kỹ thuật và chăm sóc cẩn thận là được. Chú ý đến điều kiện ngoại cảnh, điều chỉnh chế độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp để lan hồ điệp ra hoa nhiều và đúng dịp.

Như vậy, với những chia sẻ được tổng hợp từ chuyên gia, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trồng lan hồ điệp bằng xơ dừa thật đơn giản và hiệu quả. Chúc bạn trồng thành công những chậu lan hồ điệp xanh tốt, khỏe mạnh và cho hoa như ý muốn nhé. Mọi chi tiết thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết