Kỹ thuật trồng cây cải thảo đạt chuẩn, tăng năng suất

2649 lượt xem

Cải thảo là loại rau rất dễ trồng, có thể trồng trên đồng ruộng với diện tích lớn, hoặc trồng trong chậu xốp làm thực phẩm cho gia đình. Dù trồng ở quy mô nào, cách trồng cải thảo đơn giản, dễ thực hiện và mang lại năng suất cao. Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu cách trồng cải thảo chuẩn xác, cho năng suất và chất lượng cao nhất ngay bên dưới nhé.

1/ Những điều cần biết về cách trồng cải thảo

1.1 Đặc điểm

Cải thảo còn được gọi là cải bao, cải cuốn hoặc cải bắp tây.

Thân cao trung bình khoảng 30 – 40cm. Lá thường không có lông, nhưng đôi khi gân mặt dưới lá có lông mỏng, lá nhiều, mọc chụm lại ở gốc. Lá cải thảo hình bầu dục hoặc hình trứng, gân màu trắng và viền lá màu xanh lục.

Hoa cải thảo có màu trắng, dài khoảng 8mm. Quả dài 3 – 6cm, chứa hạt màu nâu đỏ, đường kính hạt khoảng 1,5mm.

1.2 Yêu cầu ngoại cảnh

Cải thảo là loại cây ưa sáng, cần nhiều ánh nắng để quang hợp và sinh trưởng tối ưu.

Cải thảo có thể sinh trường và phát triển trong khoảng nhiệt độ từ 18-27 độ C. Trong đó, nhiệt độ lý tưởng nhất là 22 – 25 độ C.

Với bộ rễ ăn nông nên đòi hỏi đất trồng phải tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt. Cải thảo đặc biệt không chịu được ngập úng.

1.3 Thời vụ

Thời điểm gieo hạt lý tưởng trong năm là từ tháng 7 đến tháng 4 năm sau, đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 10, lúc này thời tiết không quá nóng cũng không mưa nhiều, hạn chế được các loại bệnh và sâu hại tấn công cây con gây giảm năng suất.

2/ Chuẩn bị trồng cải thảo

2.1 Giống

Hạt giống mua tại các cửa hàng giống uy tín, nguồn gốc giống rõ ràng, tỷ lệ nảy mầm cao. Ngâm hạt giống trong nước ấm 50 độ trong vòng 30 phút để diệt bớt nấm bệnh và kích thích hạt nảy mầm nhanh hơn. Vớt ra để ráo và mang đi gieo.

2.2 Đất trồng

– Đối với trồng chậu: Trước khi trồng 1 tuần, trộn hỗn hợp đất trồng gồm xơ dừa, trấu hun, phân trùn quế, sau đó tiến hành phơi đất 1 – 2 ngày để diệt mầm bệnh. Ngoài ra các bạn có thể mua các loại đất trộn sẵn dành cho rau ăn lá của SFARM để tiết kiệm thời gian và đảm bảo chất lượng.

– Đối với trồng luống: Trước khi trồng khoảng 1 tháng, tiến hành làm đất lên luống, làm sạch cỏ, bón vôi, bón lót để diệt trừ mầm bệnh. Vào mùa khô lên luống cao 5cm, 15cm vào mùa mưa, bề mặt luống bằng phẳng rộng khoảng 1 – 1,2m để dễ chăm sóc. Rãnh rộng 20cm, rạch 2 đường song song trên mặt luống cách nhau 50cm và tiến hành bón lót với phân chuồng, đạm, lân, kali, lấp đất lại và trồng cây con.

2.3 Chậu trồng (Nếu trồng tại nhà)

Sử dụng thùng xốp cao 30cm để trồng, thích hợp với không gian vườn nhà và đủ độ rộng để cải thảo phát triển.

cach trong cai thao

Cách trồng cải thảo chuẩn chuyên gia

3/ Tiến hành gieo trồng cải thảo

3.1 Gieo ươm hạt giống

Chuẩn bị đất ươm hạt giống, tưới nước ẩm đất và làm bằng phẳng. Gieo hạt vào các lỗ nhỏ, 2 hạt/lỗ, cách nhau khoảng 3 – 5cm. Lấp đất lại, tưới nước giữ ẩm mỗi ngày. Đặt chậu ươm nơi thoáng mát, nắng nhẹ. Có thể dùng lưới che trong 15 ngày đầu, hạn chế sự ảnh hưởng của nước mưa và nắng mặt trời. Bạn có thể cung cấp dinh dưỡng bằng phân chuồng hoặc phân hữu cơ pha loãng thúc đẩy cây con phát triển nhanh.

3.2 Cách trồng cây con cải thảo

Khi cây con có 4 – 5 lá thật thì tách riêng trồng vào thùng xốp hoặc trồng trực tiếp trên đồng ruộng.

Chọn những cây con thật sự khỏe mạnh, lá xanh tốt, không bị nhiễm bệnh. Trồng với khoảng cách 25 – 30cm, chọc lỗ nhỏ, đặt bầu cây xuống và lấp chặt gốc, không trồng quá nông sẽ dễ đổ ngã. Tưới đẫm nước sau khi trồng, che chắn bớt ánh nắng cho đến khi cây hồi xanh.

4/ Chăm sóc

4.1 Tưới nước

Cải thảo không chịu được ngập úng, do đó bạn cần chú ý trong việc tưới nước. Tưới nước vừa phải, không quá đẫm, tưới 1 – 2 lần/ngày tùy vào thời tiết.

4.2 Làm cỏ

Cỏ là đối tượng cần loại bỏ trên đồng ruộng, cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính và là môi trường sống của sâu bệnh hại. Làm cỏ thường xuyên kết hợp với vun xới đất, đặc biệt ở giai đoạn cây tập trung phát triển bộ lá, lưu ý nhổ cỏ không làm động rễ cải thảo.

4.3 Bón phân và cách bón

Đối với các loại rau ăn lá, ưu tiên bón phân hữu cơ, hạn chế bón các loại phân hóa học. Nếu trồng tại nhà, cứ 10 – 12 ngày bạn pha phân chuồng hoai mục hoặc phân trùn quế, có thể là phân cá để tưới cho cây.

Trồng ở quy mô lớn trên đồng ruộng, chia nhỏ các lần bón để đạt hiệu quả:

Khi cây bắt đầu hồi xanh, tiến hành bón thúc lần 1 với phân đạm và kali pha loãng với nước, tưới vào gốc.

Khi lá cây bắt đầu vào cuốn thì bón thúc lần 2 với phân Better NPK 16 – 12 – 8 – 11 + TE, hòa tan với nước và tưới vào gốc.

Sau 14 ngày thì bón lần 3, cùng với phân Better NPK.

Bên cạnh đó, để lá cây đẹp và đạt chất lượng, phun các loại phân bón lá như Humate, Atonik, phun định kỳ 10 – 12 ngày/lần.

Lưu ý: Bạn nên tưới lại với nước sau mỗi lần bón, hạn chế tình trạng phân bón bám trên lá, dẫn đến cháy lá, giảm chất lượng.

4.4 Phòng trừ sâu hại

Sâu tơ (Plutella xylostella)

Sâu non ăn lớp biểu bì tạo thành những đường ngoằn ngoèo trên lá, sâu lớn ăn toàn bộ lớp biểu bì làm thủng lỗ trên lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và giá trị cải thảo.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, cày đất phơi ải để diệt trừ trứng và nhộng trong đất. Trồng luân canh với cây trồng khác hoặc xen canh với các loại cây có mùi xua đuổi bướm đẻ trứng. Sử dụng các biện pháp sinh học để bảo vệ thiên địch. Cuối cùng là sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Azadirachtin để tiêu diệt.

– Bọ nhảy (Phyllotetra Striolata)

Bọ nhảy trưởng thành hoạt động mạnh vào buổi sớm hoặc trời mát, ăn làm thủng lá, để trứng trong đất. Sâu non mới nở ăn rễ làm cây suy dinh dưỡng, còi cọc, thối và chết đi. Sâu non hóa nhộng trong đất nên khó phòng trừ.

Biện pháp phòng trừ: Làm đất thật kỹ, phơi ải hoặc xả nước ngâm đất để diệt nhộng và trứng. Dùng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin để tiêu diệt.

– Sâu xám (Agrotis ypsilon)

Gây hại chủ yếu giai đoạn cây con, đặc biệt thời tiết se lạnh, ẩm độ cao. Sâu con cắn phá lớp biểu bì, sâu lớn chui vào đất, đêm bò lên cắn đứt thân cây.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ xung quanh, làm đất kỹ càng.

– Sâu khoang (Spodoptera litura)

Sâu non mới nở sống tập trung, ăn chất xanh của lá. Khi lớn phân tán riêng lẻ, ăn hết biểu bì làm thủng lá. Thường gây hại mạnh vào ban đêm và hóa nhộng trong đất.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, thu dọn tàn dư thực vật. Sử dụng bẫy ngọt để dẫn dụ bướm trưởng thành, ngắt bỏ ổ trứng, diệt sâu non.

– Rệp ( Brevicolyne brassicae)

Gây hại mạnh trong mùa khô, rệp hút chích nhựa cây làm lá, búp héo rũ, lá nhạt màu. Ngoài ra, rệp còn là môi giới truyền các bệnh khác.

Biện pháp phòng trừ: Thăm đồng thường xuyên và đánh giá quần thể rệp. Ở mật độ thấp, tiêu hủy các lá bị tấn công, dùng hoạt chất Garlic juice để phòng trừ.

4.5 Phòng trừ bệnh hại

– Bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora)

Vết bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở các lá già gần mặt đất, những đốm nhỏ mọng nước và thối. Lây lan dần lên trên làm cả lá bị thối, nếu nặng có thể thối cả cây. Khi bệnh các tế bào trở nên mềm, mọng nước, hơi nhớt và có mùi lưu huỳnh.

Biện pháp phòng trừ: Làm đất kỹ, lên luống cao vào mùa mưa, bón phân cân đối, không bón nhiều đạm, tăng tỷ lệ kali vào mùa mưa.

– Bệnh cháy lá (Xanthomonas campestris)

Gây hại ở giai đoạn cây con và cây trưởng thành. Ở cây con, làm các lá bị vàng và rụng. Ở cây trưởng thành, các vết bệnh màu vàng xuất hiện ở rìa lá và hướng vào trong, dần di chuyển vào giữa lá. Vùng bị bệnh chuyển dần sang màu nâu, các mô bị chết đi, gân lá chuyển sang màu đen.

Biện pháp phòng trừ: Luân canh cây trồng. Chọn những cây giống khỏe mạnh, không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Bón phân cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng. Vệ sinh đồng ruộng và tiêu hủy các lá già hoặc cây bị bệnh.

– Bệnh đốm vòng (Alternaria brassicae)

Tấn công đầu tiên ở những lá già, ban đầu là các đốm nhỏ màu đen, sau đó lan rộng thành hình tròn màu nâu đồng tâm. Khi trời mưa, bên trên xuất hiện lớp nấm xốp màu đen.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, xử lý hạt giống trước khi gieo.

4.6 Phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM)

Sử dụng kết hợp các biện pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao hơn khi áp dụng riêng lẻ.

– Biện pháp canh tác kỹ thuật:

Vệ sinh đồng ruộng, chú ý quá trình làm đất, thường xuyên cắt tỉa các lá già ở gốc. Luân canh với các loại cây trồng khác. Sử dụng cáo hạt giống khỏe, có xuất xứ rõ ràng.

Bón phân cân đối các thành phần dinh dưỡng, thường xuyên sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh để tăng cường vi sinh vật có lợi trong đất.

Thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu bệnh và phòng trừ hợp lý.

– Biện pháp sinh học:

Sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại.

Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học nồng độ cao gây tổn hại đến quần thể thiên địch trong tự nhiên như ong ký sinh, nhện bắt mồi,…

– Biện pháp vật lý:

Sử dụng bẫy màu vàng bôi chất bám dính như nhựa thông trộn với nhớt, bẫy Pheromone, bẫy ngọt,… để dẫn dụ côn trùng.

Sử dụng các lưới ruồi cao 1,5 – 1,8m để hạn chế ruồi đục lá, côn trùng từ vườn khác bay tới.

– Biện pháp hóa học:

Đây là biện pháp can thiệp cuối cùng.

Tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng, pha thuốc theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì.

Phun thuốc khi bệnh vừa mới xuất hiện, không sử dụng các loại thuốc cấm cho rau ăn lá. Ưu tiên các loại thuốc có nồng độ thấp, ít độc đối với thiên địch và con người, chẳng hạn các thuốc có nguồn gốc thảo mộc và sinh học.

4.7 Thu hoạch, phân loại và xử lý bảo quản sau thu hoạch

Sau 2 – 3 tháng trồng sẽ cho thu hoạch. Bạn dùng dao cắt sát phần gốc, phần gốc còn lại có thể mọc tiếp lứa mới. Cắt bỏ lớp lá già bọc bên ngoài để bảo quản lâu hơn.

Bạn tiến hành phân loại dựa vào độ lớn, khối lượng và chất lượng lá, từ đó định giá bán cho từng loại.

Đặng Gia Trang đã hướng dẫn cách trồng cải thảo một cách chi tiết và chuẩn xác nhất. Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn trồng được vườn rau cải thảo như ý. Nếu gặp bất cứ vấn đề gì, hãy liên hệ Hotline 0902.652.099 để được tư vấn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết