CÁCH THẢ GIỐNG VÀ CHĂM SÓC TRÙN QUẾ

245 lượt xem

Cách chăm sóc trùn quế hiện đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Để có lời giải đáp thì cùng SFARM tìm hiểu ngay trong bài viết này bạn nhé.

Trước tiên, ta cần chuẩn bị chỗ cho trùn quế sinh sống. Sau khi đã làm xong chỗ nuôi, ta cho phân vào. Không được cho phân khô. Nếu phân bị khô thì phải tưới nước vào cho phân ẩm. Tốt nhất, không nên dùng loại phân đã khô.

Ta đổ phân thành một lớp dày khoảng 20cm, san cho đều. Đừng để phân kết thành những mảng lớn mà phải dầm chúng ra.
Nếu mua được ít giống, không nên cho phân vào đầy luống. Dùng gạch ngăn lại và chỉ đổ phân vào trong khoảng 1m2, dày độ 20cm. Như vậy, sau khi thả giống, mật độ giun sẽ cao, chúng dễ gặp để quấn nhau hơn. Khi nào giun đã nhiều, tiếp tục nới từ từ ra và tiếp tục cho dần phân tới hết luống.

Cách nuôi trùn quế

Khi cho giun giống vào luống, nhớ rải đều chúng lên mặt. Sau đó, dùng một tấm phủ đậy lên trên. Tấm phủ phải đảm bảo che được tối và giữ được ẩm. Tốt nhất, tấm phủ nên là bao tải đay cũ, chiếu rách hoặc một tấm vải cũ và phải được giặt sạch trước khi sử dụng để tránh các mùi,vị có thể có trước đó gây hại cho giun.

Ở trang trại nuôi giun với hàng trăm mét vuông, người ta không dùng các tấm phủ mà tiến hành che tất cả khu vực nuôi. Thường thường, bà con dùng cót, dùng bạt hoặc dùng tất cả các tấm tranh đan thưa để che xung quanh, tạo ra độ tối vừa phải trong khu vực nuôi. Với ánh sang mờ mờ đó, giun coi là tối và sẽ lên để gặp gỡ nhau.

traitrunque1

Cuối cùng, cần tưới ẩm lên toàn bộ tấm phủ. Nước sẽ thấm qua lớp phủ để tới lớp phân. Lần đầu nên tưới hơi đẫm. Chú ý, phải dùng nước sạch để tưới cho giun. Tuyệt đối không dùng nước có vôi hoặc xà phòng tưới vào luống vì như vậy giun sẽ đi hết.

Cách chăm sóc trùn quế

Sau khi thả giống, để 2 – 3 ngày sau mới kiểm tra. Lúc đó dỡ hé tấm phủ lên. Nếu thấy có giun bò lên mặt là tốt. Như vậy là nó đã thích ứng với chỗ ở mới và bắt đầu đi tìm “bạn đời” để quấn nhau.

Công việc hàng ngày của chúng ta là kiểm tra chỗ nuôi, đề phòng dịch hại (cóc, nhái, ngóe, chuột trù, chim…) và giữ ẩm cho luống. Không bao giờ để phân bị khô. Tấm phủ cũng phải luôn luôn ẩm. Vì vậy, thấy tấm phủ sắp khô phải tưới ẩm ngay.
Giun ăn phân gia súc và đùn phân của nó lên bề mặt. Phân giun tơi như mùn cưa, màu đen. Khi nào giun ăn hết thức ăn phải bổ sung ngay thức ăn vào. Vào mùa đông, cứ 7 – 10ngày lại cho thêm một lớp phân từ 3 – 5cm. Còn mùa hè, đôi khi chỉ 3 – 5 ngày là giun đã ăn hết và phải cho tiếp. Cần phải kiểm tra định kỳ xem đã hết thức ăn chưa. Ta dùng một cái dĩa tự tạo bằng tre, các răng của dĩa phải được mài tròn đầu. Dùng dĩa xới phân lên. Nếu phía dưới không tìm thấy dấu tích của thức ăn nữa là giun đã ăn hết, cần bổ sung ngay thức ăn. Nếu để giun đói, giun có thể bỏ đi. Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên là rất cần thiết.

Nếu tấm phủ là chiếu rách thì sau một vài tháng chiếu sẽ mục và giun cũng ăn luôn cả nó. Vì vậy cần phải chuẩn bị thêm tấm phủ. Luôn luôn để ý xem tấm phủ có kín luống hay không. Con giun chỉ có 3 hoạt động: ăn, quấn nhau và đẻ. Khi quấn nhau chúng ngoi lên mặt luống. Điều kiện bắt buộc để chúng có thể ngoi lên mặt là phải tối và ẩm. Vì vậy, nếu tấm phủ đảm bảo tối và ẩm thì nó có thể bò lên mặt luống cả ngày và đêm để “yêu nhau”. Việc gặp gỡ nhau càng dày thì tốc độ tăng đàn càng nhanh. Vì vậy luôn chú ý phải che tối và giữ ẩm cho luống nuôi.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Sách “Kỹ thuật nuôi trùn đất”)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)