Các loại cây trồng làm trụ tiêu tốt nhất: Ưu nhược điểm chi tiết

1387 lượt xem

Cây trồng làm trụ tiêu có ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển và năng suất hồ tiêu, nhưng không phải ai cũng biết chọn đúng loại phù hợp. Trong bài viết này, SFARM sẽ giúp bà con tìm hiểu các loại cây trồng làm trụ tiêu phổ biến, ưu – nhược điểm cụ thể để có thể lựa chọn loại cây phù hợp với điều kiện canh tác.

Các loại cây trồng làm trụ tiêu
Các loại cây trồng làm trụ tiêu

1. Vai trò của cây trồng làm trụ tiêu trong canh tác hồ tiêu

1.1 Cây trồng làm trụ tiêu là gì?

Cây trồng làm trụ tiêu (Trụ tiêu sống): Là trụ sử dụng các loại cây lâm nghiệp (cây thân gỗ) có chiều hướng mọc thẳng đứng, nhanh lớn, ít phân cành, bộ rễ bám chắc vào mặt đất, vỏ có độ nhám để rễ tiêu có thể bám vào, ngoài ra không nên dùng các loại cây có mủ và thu hút côn trùng… Một số cây trồng làm trụ tiêu phổ biến có thể kể đến như: Muồng đen, núc nác lá nhỏ, lồng mức, gáo vàng, cây gòn,…

1.2 Tầm quan trọng của việc chọn đúng cây làm trụ tiêu

Việc lựa chọn cây trồng làm trụ tiêu phù hợp không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của dây tiêu mà còn ảnh hưởng đến năng suất, tuổi thọ vườn tiêu và chi phí chăm sóc. Cây trồng làm trụ tiêu không đủ chắc khỏe hoặc không phù hợp khí hậu sẽ dễ gãy đổ, ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch và làm tăng nguy cơ sâu bệnh.

1.3 Các yêu cầu cơ bản đối với cây làm trụ tiêu

  • Cây trồng làm trụ tiêu nên là cây thân gỗ, lớn nhanh, khoảng 1 – 2 năm là đủ điều kiện để dây tiêu bám leo.
  • Vỏ cây nhám để tiêu có thể dễ dàng bám chắc.
  • Thân cây trồng làm trụ tiêu nên phát triển thẳng đứng, ít cành hoặc cành dễ tỉa để không gây cản trở cho tiêu.
  • Cây có hệ rễ cọc, ăn sâu vào đất là lựa chọn ưu tiên để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu
  • Tán lá vừa phải, không cạnh tranh ánh sáng với tiêu, làm giảm quá trình quang hợp của cây tiêu.
  • Lá nhỏ, dễ phân hủy, góp phần cải thiện độ mùn, tăng dinh dưỡng cho đất.
  • Với những giống tiêu có tán phủ rộng như tiêu Vĩnh Linh hoặc tiêu Sri Lanka, cần chọn cây trồng làm trụ tiêu có thân thẳng và tán lá cân đối để hỗ trợ tốt cho sự phát triển của cây tiêu.
Cây trồng làm trụ tiêu phù hợp với điều kiện canh tác
Cây trồng làm trụ tiêu phù hợp với điều kiện canh tác

2. Tiêu chí chọn cây trồng làm trụ tiêu tốt nhất

Để đảm bảo vườn tiêu phát triển khỏe mạnh, năng suất cao và bền vững, việc chọn đúng loại cây trồng làm trụ tiêu là rất quan trọng. Một cây trồng làm trụ tiêu cần đáp ứng các tiêu chí sau

2.1 Sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc

Cây trồng làm trụ tiêu cần có tốc độ sinh trưởng nhanh để kịp thời nâng đỡ dây tiêu trong giai đoạn phát triển. Thời gian từ khi trồng đến khi đủ điều kiện cho tiêu leo thường dao động từ 1 – 2 năm. Ngoài ra, cây trụ phải dễ trồng, ít sâu bệnh trong giai đoạn đầu và không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc.

2.2 Rễ bám chắc, không cạnh tranh mạnh với tiêu

Cây trồng làm trụ tiêu lý tưởng nên có hệ rễ cọc, ăn sâu nhằm hạn chế tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng và nước với hồ tiêu – vốn là cây có rễ ngang và khá nhạy cảm. Đồng thời, rễ chắc khỏe giúp cây trụ vững trước gió lớn và thời tiết bất lợi, đảm bảo an toàn cho dây tiêu bám.

2.3 Tán cây phù hợp, không che khuất ánh sáng quá nhiều

Tán cây nên vừa phải, không quá rậm rạp để tránh che khuất ánh sáng – yếu tố cần thiết cho quá trình quang hợp của cây tiêu. Lá cây trồng làm trụ tiêu càng nhỏ và thưa càng tốt, vì chúng phân hủy nhanh, bổ sung mùn cho đất mà không làm môi trường ẩm ướt dễ phát sinh nấm bệnh.

2.4 Khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi

Cây trồng làm trụ tiêu cần có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại khu vực trồng tiêu. Đồng thời, nên là loại cây ít bị sâu bệnh tấn công, không là vật chủ trung gian truyền bệnh sang hồ tiêu. Tính ổn định cao sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho vườn tiêu trong thời gian dài hạn.

Các tiêu chí chọn cây trồng làm trụ tiêu
Các tiêu chí chọn cây trồng làm trụ tiêu

3. Các loại cây trồng làm trụ tiêu phổ biến và phân tích ưu –  nhược điểm

Trong canh tác hồ tiêu, lựa chọn cây trồng làm trụ tiêu phù hợp không chỉ hỗ trợ tiêu phát triển mà còn góp phần giảm chi phí đầu tư lâu dài. Dưới đây là những loại cây trồng làm trụ tiêu phổ biến hiện nay và ưu – nhược điểm cụ thể

3.1 Cây muồng đen

  • Ưu điểm:

Thân cứng: Thuộc nhóm cây thân gỗ loại I, cây có giá trị kinh tế cao; sau một chu kỳ canh tác hồ tiêu, thân cây có thể được khai thác làm gỗ, mang lại giá trị sử dụng kép. Lớp vỏ thân cây nhám, thuận lợi cho dây tiêu bám chắc và leo đều. Lá rụng xuống nhanh mục, tăng lượng mùn cho đất.

Rễ bám chắc: Hệ rễ cọc ăn sâu không chỉ giúp cây đứng vững trước gió bão, mà còn hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng với hồ tiêu. Ngoài ra, cây có thể trồng bằng phương pháp thực sinh hoặc chiết cành, linh hoạt theo điều kiện sản xuất của từng hộ nông dân.

Sinh trưởng nhanh: Cây nhanh lớn, cây con chỉ cần 1 – 2 năm là tiêu bám được. Có thể sử dụng phương pháp chiết cành, tuy nhiên bộ rễ khi đó thường ăn ngang, kém vững chắc và dễ bị gãy đổ khi gặp gió lớn.

  • Nhược điểm:

Tán rộng cần tỉa thường xuyên: Cành cây phát triển nhanh và mạnh, đòi hỏi phải tỉa cành định kỳ, tối thiểu 2 lần mỗi năm để giữ tán thông thoáng, tránh che khuất ánh sáng cho dây tiêu. Thêm vào đó, thân cây không phát triển thẳng tự nhiên; nếu muốn trụ đứng và cân đối, cần tạo tán và tỉa tạo hình từ những năm đầu sau khi trồng.

Cây thường gặp một số vấn đề sinh lý: bệnh xì mủ, có thể xử lý bằng thuốc hóa học và thường giảm dần khi dây tiêu phủ kín trụ. Ngoài ra, bệnh chết đứng đôi khi cũng xuất hiện, tuy nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng.

3.2 Cây lồng mức

  • Ưu điểm:

Dễ trồng: Gỗ thân cây tương đối mềm, thuận tiện cho việc tỉa cành định kỳ. Tán lá vừa phải, không che khuất ánh sáng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu quang hợp. Lá cây khi rụng xuống phân hủy nhanh, góp phần bổ sung mùn hữu cơ, cải thiện chất lượng đất.

Bộ rễ khỏe: Cây lồng mức có hệ rễ cọc ăn sâu, ít cạnh tranh dinh dưỡng với hồ tiêu. Rễ ngang mềm, dễ xử lý khi cần thiết, không ảnh hưởng đến vùng rễ của tiêu.

  • Nhược điểm:

Dễ bị sâu bệnh nếu không chăm sóc tốt: Giai đoạn cây con đòi hỏi nhiều công chăm sóc, cần thường xuyên phun thuốc trừ sâu, bón phân và buộc ngọn để cây phát triển đúng hướng. Thân cây thường không phát triển thẳng, cành ngang nhiều, gây khó khăn trong việc tạo chồi và định hướng dây tiêu.

3.3 Cây keo dậu

  • Ưu điểm:

Sinh trưởng nhanh: Keo dậu là loại cây sinh trưởng nhanh, chỉ sau khoảng 1 năm trồng đã có thể thả tiêu. Thân cây gỗ dẻo, ít gãy đổ khi gặp gió lớn. Hệ rễ cọc ăn sâu, ít cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu, tạo điều kiện cho cả hai cùng phát triển ổn định. Cành ngang mọc ít, dễ dàng tỉa gọn, giúp tiết kiệm công chăm sóc.

Thích hợp với nhiều loại đất: Cây ít bị sâu bệnh, phù hợp với nhiều vùng đất khác nhau. Ngoài ra, lá keo dậu có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm – mang lại lợi ích kép cho người trồng.

  • Nhược điểm:

Thân cây thường không phát triển thẳng, dễ đẻ nhánh nếu không được tạo tán, buộc ngọn từ sớm. Hạt keo dậu rơi xuống dễ mọc và phát triển nhanh, gây khó khăn trong việc làm cỏ và kiểm soát mật độ cây con trong vườn.

3.4 Cây gòn

  • Ưu điểm:

Dễ trồng: Cây gòn có tốc độ sinh trưởng nhanh, thân thẳng đứng, sau khoảng 1 năm có thể bắt đầu thả tiêu. Nếu muốn trồng tiêu ngay, bà con có thể lựa chọn cây gòn có đường kính thân từ 5 – 7cm. Ít cành ngang, tán lá vừa phải, không che khuất ánh sáng cần thiết cho tiêu quang hợp.

Giá thành thấp: Dễ tìm mua hoặc ươm trồng tại chỗ, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu cho bà con.

  • Nhược điểm:

Hệ rễ ngang, cạnh tranh dinh dưỡng: Hệ rễ của cây gòn chủ yếu là rễ ngang, dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng trực tiếp với hồ tiêu, ảnh hưởng đến sinh trưởng của dây tiêu về lâu dài.

Thân yếu, dễ gãy đổ khi lớn: Cây gòn thường dễ mắc sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân, làm suy yếu hoặc hư hại trụ tiêu. Gỗ mềm và khả năng bám đất kém cũng khiến cây dễ gãy đổ khi gặp gió mạnh hoặc mưa bão.

3.5 Cây núc nác rừng

  • Ưu điểm: Thân cứng, sức sống mạnh

Cây núc nác rừng có thân phát triển thẳng và lớn nhanh, thuận lợi cho việc làm trụ tiêu mà không cần nhiều công tạo hình. Ít phân cành, giúp giảm thiểu việc tỉa tán trong quá trình chăm sóc. Lá có kích thước trung bình, tương đương với lá cây lồng mức, dễ phân hủy sau khi rụng, góp phần cải thiện mùn đất.

Thân cây có lớp vỏ nhám, xù xì, là đặc điểm lý tưởng để dây tiêu bám leo chắc chắn. Ngoài ra, cây này ít gặp sâu bệnh, góp phần giảm chi phí và công chăm sóc cho người trồng.

  • Nhược điểm: Tăng trưởng chậm hơn muồng đen

Tốc độ tăng trưởng chậm hơn muồng đen nên cần trồng sớm hơn từ 1 – 2 năm nếu muốn cây đạt chiều cao và độ cứng cáp phù hợp để thả tiêu. Nếu trồng cùng lúc với muồng đen, cây núc nác rừng chưa đủ phát triển để tiêu leo bám.

Cây có hệ rễ ngang phát triển mạnh, dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng với hồ tiêu. Thân gỗ mềm nên trong những năm đầu, cây dễ gãy đổ nếu không được chống đỡ và chăm sóc kỹ.

3.6 Cây trôm

  • Ưu điểm: Bền bỉ, ít sâu bệnh

Cây trôm có thân thẳng và bề mặt vỏ xù xì, giúp dây tiêu leo bám chắc và đều đẹp. Cành ngang phát triển ít, tạo thuận lợi cho việc rong tỉa, giảm công chăm sóc. Bên cạnh vai trò làm trụ sống, trôm còn có giá trị kinh tế khi có thể khai thác mủ có giá bán cao trên thị trường, giúp bà con tăng thu nhập từ cùng một diện tích đất.

  • Nhược điểm: Phát triển chậm, cần trồng sớm hơn tiêu

Cây trôm phát triển chiều cao khá chậm, nên nếu muốn sử dụng làm trụ tiêu, cần trồng trước ít nhất 2 năm để đảm bảo đạt độ cao cần thiết. Dễ bị sâu đục thân và các loại côn trùng hút nhựa tấn công, tốn nhiều công chăm sóc. Bộ rễ ngang phát triển to, không những cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu mà còn khó xử lý nếu cần hạn chế sự lan rộng.

4. Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây làm trụ tiêu

4.1 Thời vụ trồng cây làm trụ

Thời điểm thích hợp để trồng cây làm trụ tiêu thường vào đầu mùa mưa, khi đất đủ ẩm để cây bén rễ nhanh và phát triển tốt. Việc trồng đúng thời vụ giúp giảm thiểu rủi ro cây bị sốc nhiệt hoặc thiếu nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cây trụ sớm đạt chiều cao cần thiết cho việc thả tiêu.

4.2 Khoảng cách trồng và cách bố trí trụ tiêu hợp lý

Khoảng cách trồng cây làm trụ tiêu phụ thuộc vào loại cây trồng và mật độ dây tiêu. Thông thường, khoảng cách trồng cây trụ là từ 3 – 4m tùy loại cây để đảm bảo cây trụ phát triển tốt mà không gây cạnh tranh quá mức cho tiêu. Việc bố trí trụ tiêu nên kết hợp với hướng gió và ánh sáng nhằm tối ưu sự phát triển của cả cây trụ và dây tiêu.

4.3 Kỹ thuật trồng cây trụ sống

Khi trồng cây làm trụ tiêu, cần đào hố vừa đủ rộng và sâu để đảm bảo bộ rễ phát triển thuận lợi. Trước khi trồng, nên xử lý đất bằng cách bón lót phân hữu cơ để cải thiện dinh dưỡng và cấu trúc đất. Khi đặt cây vào hố, giữ cho cây thẳng đứng, lấp đất và nén chặt xung quanh gốc, tưới đủ nước để cây nhanh bám rễ.

4.4 Chăm sóc cây trụ trong thời gian đầu

Giai đoạn đầu sau khi trồng rất quan trọng, cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm đều, đặc biệt trong những ngày nắng hạn. Bón phân định kỳ để cung cấp dinh dưỡng cho cây trụ phát triển khỏe mạnh. Cần theo dõi và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh, đồng thời thực hiện tỉa cành tạo tán để cây phát triển đúng hướng và thuận lợi cho dây tiêu bám leo sau này.

Cách trồng và chăm sóc cây làm trụ tiêu
Cách trồng và chăm sóc cây làm trụ tiêu

5. Những lưu ý khi chọn và trồng cây làm trụ tiêu

5.1 Ưu tiên cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương

Việc lựa chọn cây trụ tiêu cần dựa trên điều kiện đất đai và khí hậu của vùng trồng để cây phát triển tốt nhất. Cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng sẽ giúp rễ bám chắc, phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh và cạnh tranh dinh dưỡng với hồ tiêu.

5.2 Lựa chọn cây khỏe mạnh, không sâu bệnh

Khi mua hoặc lấy giống cây trụ, cần chọn cây có sức sống tốt, không bị sâu bệnh hoặc tổn thương. Việc sử dụng cây khỏe mạnh ngay từ đầu giúp giảm thiểu rủi ro mất mùa, đảm bảo cây trụ sống lâu dài và hỗ trợ hồ tiêu phát triển ổn định.

5.3 Chủ động tỉa cành, kiểm soát tán cây để tiêu phát triển tốt

Cây trụ cần được chăm sóc định kỳ bằng cách tỉa cành, kiểm soát tán để tránh che khuất ánh sáng và tạo môi trường thông thoáng cho dây tiêu quang hợp hiệu quả. Việc này cũng giúp hạn chế sâu bệnh phát sinh và giữ cho trụ tiêu luôn trong trạng thái khỏe mạnh.

5.4 Kết hợp sử dụng cây trụ chết và trụ sống tùy tình hình vườn

Tùy thuộc vào điều kiện vườn và nguồn lực, người trồng có thể linh hoạt kết hợp sử dụng cây trụ chết (như cột tre, trụ bê tông) và cây trụ sống nhằm tận dụng ưu điểm của từng loại. Phương án kết hợp giúp tối ưu hóa hiệu quả canh tác, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất hồ tiêu.

Lưu ý khi chọn cây trồng làm trụ tiêu cho phù hợp
Lưu ý khi chọn cây trồng làm trụ tiêu cho phù hợp

6. Câu hỏi thường gặp về cây trồng làm trụ tiêu

6.1 Cây nào làm trụ tiêu tốt nhất cho đất pha cát?

Cây trồng làm trụ tiêu tốt nhất cho đất pha cát là cây keo dậu và cây trôm. Đất pha cát thường thoát nước nhanh và giữ dinh dưỡng kém, là lựa chọn phù hợp nhờ khả năng chịu hạn tốt và bộ rễ sâu, hạn chế cạnh tranh với tiêu.

6.2 Nên chọn cây muồng đen hay lồng mức làm trụ tiêu?

Lựa chọn nên dựa trên điều kiện chăm sóc và khả năng quản lý của người trồng. Cây muồng đen phù hợp với những vườn cần trụ phát triển nhanh, thân cứng chắc, nhưng yêu cầu tỉa cành thường xuyên do tán rộng. Trong khi đó, cây lồng mức tuy phát triển chậm hơn nhưng dễ chăm sóc, tán vừa phải và rễ ít cạnh tranh dinh dưỡng hơn.

6.3 Cây gòn có phù hợp làm trụ tiêu vùng đất thấp không?

Có. Vì cây gòn chịu được úng nhẹ, tuy nhiên do rễ ngang nhiều và thân mềm dễ gãy, cần phải chú ý chống đỡ và xử lý tỉa cành thường xuyên để hạn chế thiệt hại khi gặp gió bão.

Vậy là SFARM đã chia sẻ đến bà con những thông tin hữu ích về các loại cây trồng làm trụ tiêu phù hợp, ưu nhược điểm chi tiết. Ngoài ra, còn nhiều loại cây trồng làm trụ tiêu phổ biến khác có đặc điểm phù hợp với từng điều kiện từng vùng. Đừng quên theo dõi SFARM Blog để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm canh tác hiệu quả.

Xem thêm:

SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của hơn 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý khách hàng liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết