Thương hiệu ổi VietGAP Thanh Hà

267 lượt xem

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng ổi trên địa bàn huyện Thanh Hà (Hải Dương) tăng đáng kể. Chính quyền đã khuyến khích và chuyển đổi sang hướng ổi VietGAP.

Đâu đâu cũng thấy những vườn ổi sai lúc lỉu, bọc ni lông, người xe nườm nượp chở ổi đi Hà Nội, Hải Phòng tiêu thụ. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà, đến cuối năm 2014, diện tích trồng toàn huyện đạt 1.100 ha tập trung tại các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Tân Việt, Thanh Lang…

Những năm trước, giá vải thiều liên tục rớt thảm, người dân đồng loạt chuyển sang trồng ổi. Cây ổi trồng trên đất Thanh Hà hợp thổ nhưỡng, sai quả, cho thu quanh năm. Năm đầu tiên quả bói quả và cho thu rộ vào năm thứ 2, thứ 3. Trung bình 1 sào (360 m2) ổi Bo cho thu hoạch 9 tạ quả/năm.

vuonoithanhha-phantrunque

Trồng ổi thu nhập 10 triệu đồng/sào

Với giá 10.000 – 12.000 đồng/kg, nông dân thu về 10 triệu đ/sào, hơn hẳn so với vải thiều. 1,5 mẫu ổi của gia đình chị Vương Thị Hoa (thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc) trước đây chủ yếu là đất trồng vải. Thấy giống ổi Bo Thái Bìnhổi xù sinh trưởng tốt, cho thu nhập cao, chị đã quyết định đốn vải trồng ổi.

Đang nhanh tay cắt quả bán cho thương lái, chị Hoa cho biết: “Trồng ổi vất vả nhưng bù lại được thu quanh năm, lúc nào cũng có thu nhập, tính ra đạt khoảng 150 triệu đ/năm”. Liên Mạc là xã có diện tích trồng lớn nhất huyện Thanh Hà. Năm 2014, sản lượng ổi toàn xã đạt khoảng 8.000 tấn, doanh thu hơn 64 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bóng, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc cho biết: “400 ha vải thiều của xã gần như đã chuyển đổi hết sang trồng ổi, trong đó diện tích ngoài bãi chuyển đổi 100%.

Diện tích trồng của xã không ngừng mở rộng, tính đến thời điểm hiện tại là 480 ha”. Để nâng cao mẫu mã, chất lượng của nông sản Thanh Hà, đầu năm 2014, Sở NN-PTNT Hải Dương đã quy hoạch 6 ha trồng theo quy trình VietGAP. Người dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc ổi, nhất là ổi trái vụ.

Theo quy trình này, nông dân phải theo dõi và ghi chép cụ thể quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ổi. Đặc biệt, hệ thống nước tưới phải hợp vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn cho cây. “Ổi trồng theo quy trình VietGAP cho chất lượng cao, năng suất hơn hẳn. Nông dân chăm sóc cây ổi tốt, tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng đúng kỹ thuật, quả ổi có mẫu mã đẹp nên có giá cao hơn, đầu ra cũng thuận lợi hơn”, chị Phạm Thị Lương, Phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà cho biết. Cũng theo chị Lương, nhược điểm lớn nhất của cây ổi là tuổi thọ ngắn, cây hay bị chết, sau 4 – 5 năm thì phải trồng mới.

Các nhà khoa học đang tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc phục. Nhằm giúp người dân phát triển trồng trọt cũng như quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, UBND huyện đã làm hồ sơ xây dựng thương hiệu cho cây ổi Thanh Hà

Sfarm.vn tổng hơp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết