Sáng 23-1, đoàn chuyên gia gồm GS.TS Ngô Thế Dân-Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thơ-Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thực vật Việt Nam; TS Phan Thanh Thảo-Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cùng đại diện Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã đến thăm vườn tiêu ứng dụng phân hữu cơ sinh học tại xã Hbông, huyện Chư Sê.
Các nhà khoa học tham quan mô hình vườn tiêu sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ sinh học.
Đây là vườn tiêu của anh Nguyễn Văn Đáp (xã Hbông, huyện Chư Sê) với hơn 2.000 trụ tiêu được sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ sinh học thay thế phân bón hóa học theo cách bón cũ trước đây. Đặc biệt trong đó có 500 trụ tiêu trước đó bị xoăn lá không phát triển được, dây tiêu suy kiệt rụng lá, chỉ chờ phá bỏ. Sau khi được tư vấn cách phục hồi bằng cách sử dụng phân hữu cơ sinh học, vườn tiêu của anh Đáp đã phục hồi trở lại, phát triển tốt và đang cho trái bói.
Theo GS.TS Nguyễn Thơ, canh tác cây tiêu theo hướng sử dụng phân hữu cơ sinh học là yếu tố bền vững, người dân trồng tiêu có thể thay thế hoàn toàn phân hóa học. Phân hữu cơ sinh học không gây độc hại cho người sử dụng, vật nuôi, ao cá hay môi trường xung quanh; ngoài ra còn có chức năng phục hồi, cải tạo đất hiệu quả đối với những vườn tiêu canh tác lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật lâu ngày, đất bị thoái hóa, bạc màu… giúp phục hồi bệnh chết chậm và phòng ngừa hiệu quả bệnh chết nhanh của dây tiêu, năng suất tăng từ 20% đến 35%.
Những cây tiêu phục hồi xanh tốt
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam được sản xuất bằng công nghệ hiện đại với nguồn nguyên liệu hữu cơ hoàn toàn tự nhiên trong nước đạt hoạt tính sinh học cao.
Để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến với nông dân, từ năm 2012 các nhà khoa học phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học hiệu quả trên cây hồ tiêu tại các tỉnh Đak Lak, Đak Nông và Gia Lai.
Sfarm.vn tổng hợp & biên tập