Là một loại cây trồng khó tính, yêu cầu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê có phần khắt khe. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, một trong những điều bà con cần lưu tâm chính là phân bón cà phê được bón đúng cách, đúng lượng. Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu phân bón cà phê theo từng giai đoạn phát triển ngay trong bài viết sau nhé!
Các loại phân bón cà phê hiệu quả
Phân hữu cơ cho cà phê
Ngoài việc cân nhắc nên trồng giống cà phê nào, phân bón cũng là yếu tố bà con nông dân cần cân nhắc khi chăm sóc cà phê. Trong đó, phân hữu cơ là loại phân không thể thiếu trong canh tác nông nghiệp bền vững ngày nay. Phân bón cà phê sử dụng dòng phân hữu cơ sẽ cải tạo giúp đất tăng độ mùn và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là hấp thụ phân khoáng một cách tối đa.
Đối với cây cà phê, bà con nên sử dụng phân chuồng được ủ lên men với nấm Trichoderma hoặc các loại phân vi sinh hữu cơ, phân trùn quế, phân sinh hóa hữu cơ, phân gà hữu cơ. Tuy nhiên, tối ưu nhất vẫn là phân trùn quế các ưu điểm như: hữu cơ, lành tính, an toàn; loại phân hữu cơ duy nhất chứa trứng và kén nở thành trùn khi gặp điều kiện thuận lợi; dinh dưỡng ở dạng dễ hấp thu; bón ngay không cần ủ; kích thích rễ, mầm phát triển vượt trội với Acid Humic, Acid Fulvic và IAA; đầy đủ đa-trung-vi lượng;….
Bên cạnh đó, hãy tận dụng nguồn hữu cơ sẵn có như xác của các cây trồng, cỏ rác hay phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cà phê. Nguồn phân hữu cơ này đảm bảo sự tiện lợi, tiết kiệm nhưng vẫn giúp tăng dinh dưỡng cho đất.
Phân bón vô cơ cho cà phê
Hiện nay có rất nhiều loại phân vô cơ với thành phần dinh dưỡng và tác dụng phù hợp với từng loại cây trồng. Dưới đây là 5 loại phân bón vô cơ tốt nhất dành cho cây cà phê bà con nông dân có thể tham khảo:
Phân lân
Phân lân gồm 2 loại chính là phân lân tự nhiên và phân lân chế biến. Phân lân tự nhiên là loại phân thô, chưa qua chế biến phù hợp với đất phèn chua, nhưng ít được sử dụng. Phân lân chế biến được sử dụng rộng rãi hơn, nhất là Super lân. Trong Super lân có chứa thành phần lân 15,0 – 16,5% P2O5 dễ tiêu, 11 -12% lưu huỳnh (S) và 22-23% CaO.
Phân đạm
Một số loại phân đạm phổ biến như: Phân Canxi Nitrat Ca(NO3)2, Ure CO(NH2)2, Amoni Nitrat NH4NO3, Amoni Clorua NH4Cl, Amoni Sunfat (NH4)2SO4. Trong đó, cây cà phê ưa phân đạm Ure nhất. Hơn nữa, đạm Ure có hàm lượng dinh dưỡng cao và thích hợp bón trên mọi loại đất đặc biệt là đất phèn, đất chua.
Phân kali
Phân kali có 4 loại phổ biến là Kali Sunfat, Kali Clorua, Kali Nitrat, Kali Magie Sunfat. Trong đó, Kali Sunfat là loại phân bón cà phê khi dùng sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.
Khi chọn phân kali cho cà phê, bà con cũng nên lưu ý tuyệt đối không dùng phân Kali Clorua vì sẽ làm hạt cà phê bị mất hương thơm.
Phân DAP
Đây là loại phân bón kép, có công thức hóa học là (NH4)2HPO4 với thành phần 18% N (Nitrogen – đạm), 46% P2O5 (lân).
Phân NPK
Phân NPK được chọn là phân bón cà phê phổ biến. Thành phần phân bón gồm 3 nguyên tố chính là đạm, lân, kali kết hợp các nguyên tố trung, vi lượng khác (kẽm, canxi, magie, lưu huỳnh, đồng). Bà con có thể dùng phân NPK dưới dạng trộn hoặc dạng phức hợp đều được.
Kỹ thuật dùng phân bón cà phê tối ưu cho từng giai đoạn
Khi trồng cà phê, bà con phải chuẩn bị đất trồng đã được bón vôi từ trước. Vôi được bón vãi khắp vườn với lượng vôi từ 2-4 tấn/ha. Sau đó, đợi 1-2 cơn mưa, nếu không có mưa thì tiến hành tưới nước cho vôi tan hết trước khi trồng cà phê.
Ngoài ra, khoảng 5-7 ngày trước khi trồng, bà con có thể bón lót cho mỗi hố trồng khoảng 0,5kg phân hữu cơ bằng cách trộn đều vào đất trong hố rồi giữ ẩm cho hố trồng.
Phân bón cà phê sau khi trồng phải được sử dụng hợp lý, đúng thời điểm và đủ liều lượng. Sau đây là kỹ thuật dùng phân bón cà phê theo từng giai đoạn phát triển của cây.
Cách bón phân cho cà phê mới trồng
Cây cà phê mới trồng sẽ còn yếu ớt nên việc dùng phân bón cà phê cần thận trọng. Bà con nên bón lót phân hữu cơ (phân trùn quế, phân vi sinh hữu cơ, phân chuồng, phân gà hữu cơ, hoặc tận dụng nguồn hữu cơ sẵn có như vỏ cà phê, lá cành, cỏ rác, phế phụ phẩm nông nghiệp). Lượng phân hữu cơ cho cây cà phê mới trồng là 3 – 5 kg/cây, trộn đều với đất mặt và bón xuống hố trước 1 – 2 tháng khi trồng.
Cách bón phân cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản
Nếu dùng phân NPK hỗn hợp làm phân bón cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản thì phải là loại có thành phần N và P cao. Cách sử dụng phân bón cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản như sau (đối với 1 ha):
Năm thứ 1 (khi cây cà phê 1 tuổi):
Dùng 300kg NPK 16-16-8 (chia bón 4 lần/năm) + 200kg Super lân (chia bón 2 lần/năm) + 500kg Hữu cơ Fertiplus 65OM (chia bón 2 lần/năm).
Năm thứ 2 (khi cây cà phê 2 tuổi):
Dùng 600-700kg NPK 16-16-8 (chia bón 4 lần/năm) + 750kg hữu cơ Fertiplus 65OM (chia bón 2 lần/năm).
Năm thứ 3 (khi cây cà phê 3 tuổi):
Dùng 800-900kg NPK 16-16-8 (chia bón 4 lần/năm) + 1 tấn hữu cơ Fertiplus 65OM (chia bón 2 lần/năm).
Cách bón phân cho cà phê giai đoạn kinh doanh
Giai đoạn kinh doanh, chọn và bón đúng phân bón cà phê rất quan trọng, quyết định đến năng suất cả vụ mùa. Bà con chọn phân bón giai đoạn này cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Theo nghiên cứu, để năng suất cà phê đạt được 3 tấn nhân/ha/năm thì mỗi năm đối với 1 ha, bà con phải dùng 200-250kg N nguyên chất, 80-100kg P2O5 nguyên chất, 200-250kg K2O nguyên chất và 10-15 tấn phân chuồng để bón. Trừ đi lượng phân bón bị tổn thất do điều kiện tự nhiên, để cây cà phê đạt năng suất cao hơn thì cứ mỗi tấn nhân tăng thêm phải bón thêm 70kg N nguyên chất, 20kg P2O5 nguyên chất, 70kg K2O nguyên chất.
Thông thường, lượng phân bón cà phê dùng trong 1 năm được chia làm 4 thời kỳ bón. Lần thứ nhất vào mùa xuân (khoảng tháng 1-2) trùng với giai đoạn tưới nước. Ba lần còn lại bón vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Ở những nơi có lượng mưa lớn thì trong mùa mưa có thể chia ra làm 4 lần, giữa mùa mưa bón 2 lần, còn 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa.
Chi tiết lượng phân bón cà phê trong 1 năm
- Lần 1 (mùa khô, khoảng tháng 1 và 2): bón 15% trên tổng lượng phân bón dự kiến cho 1 năm.
- Lần 2 (đầu mùa mưa): bón 25% trên tổng lượng phân bón dự kiến cho 1 năm.
- Lần 3 (giữa mùa mưa): bón 30% trên tổng lượng phân bón dự kiến cho 1 năm
- Lần 4 (cuối mùa mưa): bón 30% trên tổng lượng phân bón dự kiến cho 1 năm
Lưu ý khi dùng phân NPK làm phân bón cà phê
Chú ý chia tỷ lệ đạm (N), lân (P), kali (K).Cụ thể như sau:
- Lần 1 (mùa khô, khoảng tháng 1 và 2): bón theo tỷ lệ N-P-K là 3-1-1 hoặc 2,5-1-1 (VD: NPK 30-10-10, NPK 25-9-9…)
- Lần 2 (đầu mùa mưa): bón theo tỷ lệ N-P-K là 2-2-1 hoặc 1-1-1 (VD: NPK 19-16-8, NPK 16-16-8, NPK 16-16-16…)
- Lần 3 (giữa mùa mưa): bón theo tỷ lệ N-P-K là 2-1-2 (VD: NPK 16-8-16, NPK 18-6-18…)
- Lần 4 (cuối mùa mưa): bón theo tỷ lệ N-P-K là 2-1-3 hoặc 2-1-2,5 (VD: NPK 15-9-20, NPK 16-8-17…)
Ngoài việc cung cấp N, P, K để cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt và đạt năng suất cao nhất, bà con cần phải bổ sung các loại phân bón cà phê chứa trung vi lượng như Ca, Mg, Mn, S, B, Zn, Cu,… có trong Canxi Nitrat Boron, Magie Sunfat, Kẽm Sunfat… Tuy nhiên để tiện lợi hơn, bà con có thể tham khảo các loại phân bón trung vi lượng tổng hợp như Combi Gold Veggie, Micro Combi…
Bên cạnh đó, hằng năm bà con cần cải tạo đất bằng cách bón thêm phân trùn quế để tăng độ tơi xốp, tăng khả năng giữ nước và phân bón cho đất, tăng lượng vi sinh vật có lợi trong đất và giúp cây cà phê hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
Thời điểm và lượng phân bón cà phê trong năm
Thời điểm và lượng phân bón cà phê trong năm còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của từng vùng. Thông thường, bà con có thể dùng phân bón cà phê chia theo 4 đợt trong năm:
- Đợt 1 (giữa mùa khô, kết hợp tưới nước lần 2, tháng 1-2): Bón 100% lượng phân SA.
- Đợt 2 (đầu mùa mưa, tháng 5-6): 30% phân urê, 30% phân kali và 100% phân lân.
- Đợt 3 (giữa mùa mưa, tháng 7-8): 40% phân urê, 30% phân kali.
- Đợt 4 (cuối mùa mưa, tháng 9-10): 30% phân urê, 40% phân kali.
Vậy là Đặng Gia Trang đã hướng dẫn kỹ thuật dùng phân bón cà phê theo từng giai đoạn phát triển. Để việc áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê hiệu quả, nhất là khi bón phân cho cây cà phê, bà con hãy đảm bảo đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách nhé!
Mọi thắc mắc về phân trùn quế cho cây cà phê, chăm sóc cà phê, vật tư nông nghiệp hữu cơ SFARM, vui lòng liên hệ 0902.652.099 để được hỗ trợ và nhận chính sách giá sỉ!
Nấm đối kháng Trichoderma Plus Humic SFARM được nghiên cứu bởi Viện Ứng dụng Công nghệ, mật độ 10^6 CFU/g phòng ngừa hiệu quả nấm bệnh gây hại tồn tại trong đất, ngăn ngừa tuyến trùng hại rễ.
Dòng phân trùn quế Sfarm Pb02 là phân trùn quế thô được lấy trực tiếp từ trang trại nhưng đã được phơi giảm ẩm.
Sfarm Pb01 là dòng phân trùn quế cao cấp đã được giảm ẩm qua hệ thống nhà màng 1 cách tự nhiên nhất, sau đó sàng lọc và rây mịn bằng hệ thống máy xử lý chuyên nghiệp.
Dòng phân trùn quế Sfarm Pb00 là phân trùn quế thô, được lấy trực tiếp từ trang trại, chưa qua giảm ẩm, xay mịn.
Xem thêm:
- Cách bón phân DAP cho sầu riêng đúng kỹ thuật, hiệu quả
- Nên trồng giống cà phê nào? 9 giống cà phê có năng suất cao
- Cách chăm sóc cà phê mới trồng cứng cáp và xanh tốt
- Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng cho năng suất cao