Nhận Biết Và Cách Phòng Trừ Nhện Đỏ Hại Hoa Hồng

4366 lượt xem
Để hoa hồng sinh trưởng và phát triển tốt nhất, bên cạnh việc tưới nước, bón phân,..thì việc phòng trừ sâu bệnh hại cũng cần được thực hiện thường xuyên. Nhện đỏ hại hoa hồng là vấn đề thường gặp phải của người trồng hoa. Để nhận biết và phòng trừ nhện đỏ hiệu quả, bạn hãy cùng Sfarm Đặng Gia Trang tìm hiểu cách làm cụ thể qua bài viết sau nhé!

Nhện đỏ hại hoa hồng là gì?

Hoa Hong Bi Nhen Do
(Cận cảnh nhện đỏ trên hoa hồng)

Nhện đỏ có tên khoa học là Tetranychus urticae là loài gây hại phổ biến trên hoa hồng. Loài này thường phát triển và tấn công mạnh từ tháng 9 đến tháng tháng 3 năm sau. Chúng ưa thời tiết khô, mát nên xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh miền Bắc. Nhện đỏ gây hại khiến hoa hồng bị suy kiệt, kém phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và phẩm chất.

Đặc điểm sinh thái của nhện đỏ hại hoa hồng

Nhện non rất nhỏ màu vàng cam, nhìn bằng mắt thường sẽ cảm thấy chúng gần như những chấm đen li ti trên vật thể trong suốt. Khi nhện trưởng thành sẽ có chiều dài khoảng 0,2 mm, di chuyển chậm, thân hình tròn, đỏ mọng.

Vòng đời của nhện đỏ đặc trưng như sau: trứng được đẻ dính vào sợi tơ mạng nhện và nở ra sau khoảng 3 ngày. Vòng đời là kết hợp của trứng, sâu non, 2 giai đoạn ấu trùng và trưởng thành. Thời gian từ trứng đến trưởng thành thay đổi phụ thuộc lớn vào nhiệt độ. Thời gian từ trứng- trưởng thành từ 7-14 ngày và thời gian sống của trưởng thành kéo dài đến 22 ngày. 

Nhen Do Hoa Hong Sfarm.vn
(Cận cảnh nhện đỏ hại hoa hồng)

Cách thức gây hại của nhện đỏ trên hoa hồng

Nhện đỏ có miệng chích hút như mũi kim. Nhện đỏ tấn công trước tiên ở mặt dưới lá, làm cho lá chuyển màu vàng xám. Các đốm hoại tử màu trắng xám li ti xuất hiện khi lá bị nặng. Khi nhện đỏ dời lớp sáp, lớp mô thịt lá xẹp xuống và tạo thành các đốm màu nơi nó chích hút. Quá trình chích hút tạo thành các vết chấm trắng và về sau lá trở nên vàng xám hay màu đồng. Khi bị chích hút quá nặng lá sẽ rụng dần về phía ngọn và dẫn đến chết cây.

Dấu hiệu nhận biết nhện đỏ hại hoa hồng

Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ, do đó bạn cần thường xuyên thăm vườn và quan sát kỹ để phát hiện chúng. 

Dấu hiệu cây có xuất hiện nhện đỏ gây hại hoa hồng là ở mặt trên lá có những đốm trắng nhỏ li ti, nhìn xa lá như bạc lại và không còn màu xanh đậm khi cây khỏe. Mặt dưới lá có những đốm đỏ rất nhỏ, dùng tay miết lên lá sẽ thấy ướt. 

Dau Hieu Nhen Do Hai Hoa Hong Sfarm
(Dấu hiệu nhện đỏ hại hoa hồng, nhận biết đề trị ngay từ đầu)

Cách phòng nhện đỏ hại hoa hồng

Cắt tỉa cây

Giai đoạn tạo tán và sau mỗi đợt hoa nên cắt tỉa cây. Cắt bỏ những cành già, cành bị sâu bệnh và đem tiêu hủy. Việc này vừa giúp cây cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới, vừa hạn chế sự lây lan của các loài gây hại.

Phun nước áp lực mạnh

Phun nước với áp lực mạnh vào tán lá sẽ giúp rửa trôi trứng nhện đỏ. Cách này tuy phòng được nhện đỏ từ giai đoạn trứng, nhưng không được khuyến cáo thực hiện thường xuyên vì nước áp lực mạnh dễ gây dập lá, từ các vết thương cơ giới này sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

Thường xuyên dọn vườn

Thường xuyên dọn dẹp vườn cho sạch sẽ, dọn những lá già sát gốc hoa hồng sẽ giúp môi trường được thông thoáng, nhện đỏ khó phát triển.

Bón phân cân đối, không bón thừa đạm

Khi bón quá thừa đạm dẫn đến lá xanh, dày và thu hút các côn trùng tấn công trong đó có nhện đỏ. Bón thừa đạm cây yếu, sức chống chịu kém và dễ bị gây hại hơn. Bón phân cân đối sẽ giúp cho hoa hồng phát triển toàn diện, tăng sức đề kháng và chống chịu tốt nếu bị nhện đỏ tấn công.

Cách trừ nhện đỏ hại hoa hồng

Biện pháp sinh học

Biện pháp sinh học được khuyến khích sử dụng vì đảm bảo an toàn cho con người mà vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ cây trồng. Đối với nhện đỏ gây hại trên hoa hồng với mật độ ít và trung bình, bạn có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học như dầu neem, chế phẩm rượu tỏi ớt, các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun qua lá. Phun từ 1 – 2 tuần/lần tùy theo khuyến cáo của mỗi loại, phun khi thấy triệu chứng có nhện đỏ gây hại ít.

Biện pháp hóa học

Nếu nhện đỏ xuất hiện ở mật độ cao, khiến cây bị gây hại nặng thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học để trừ. Hoạt chất hiệu quả trong phòng trừ nhện đỏ là: Diafenthiuron 500g/L.

Cách chăm sóc hoa hồng sau khi phòng trừ nhện đỏ hại hoa hồng

Sau khi đã phòng trừ được nhện đỏ, bạn cần chăm sóc để phục hồi cây. Phần lá bị gây hại sẽ giảm khả năng quang hợp đáng kể nên cần tỉa bỏ. Tưới nước và bón phân cân đối để cây khỏe lại, nuôi lá mới. Bón các loại phân chứa đạm như phân trùn quế, đạm cá để cây đẻ nhánh nhanh.

Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
3.7/5 - (3 bình chọn)