5 bước trồng dâu tây bằng hạt trong thùng xốp

1968 lượt xem

Thông thường, dâu tây được trồng bằng cây con để rút ngắn giai đoạn sinh trưởng. Tuy nhiên, việc vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sức sống của cây con. Vì thế cách trồng dâu tây bằng hạt là giải pháp tiện lợi giúp cây sống khỏe hơn. Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về 5 bước cơ bản để trồng dâu tây bằng hạt trong thùng xốp dưới bài viết này bạn nhé!

1) Đặc điểm của cây dâu tây

Dâu tây thuộc loại cây thân thảo, sống đa niên, thân ngắn với nhiều lá mọc rất gần nhau. Hầu hết các giống dâu tây đều có lá kép với 3 lá chét, mép lá có răng cưa. Cuống lá dài, thường có màu trắng khi lá còn non và chuyển sang màu đỏ khi lá già.

Hoa có 5 cánh tràng mỏng, màu trắng, hơi tròn. Hoa lưỡng tính tự thụ, có 25-30 nhị và 50-500 nhụy. Quả có hình bầu dục, quả non có màu xanh lục, khi quả chín quả có màu hồng hoặc màu đỏ tuỳ từng giống. Quả dâu tây có mùi thơm, vị ngọt lẫn vị chua, hạt nhỏ li ti nằm trên bề mặt của quả.

2) Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến cây dâu tây

2.1 Đất

Cây dâu tây thích hợp với đất trung tính độ pH 6 – 7, loại đất thịt nhẹ, hàm lượng chất hữu cơ cao, đất giữ ẩm nhưng thoát nước tốt. Đất có hàm lượng chất hữu cơ cao sẽ giúp cho cây dâu tây phát triển tốt, đạt năng suất cao và kéo dài thời gian thu hoạch quả.

2.2 Nước

Độ ẩm đất cần thiết cho sự phát triển của dâu tây là trên 84%, độ ẩm không khí cao và mưa kéo dài dễ gây bệnh cho dâu tây.

2.3 Ánh sáng và nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp cho cây dâu tây sinh trưởng và phát triển từ 18-22 oC. Ánh sáng cần thiết cho cây dâu tây sinh trưởng và phát triển. Cường độ ánh sáng mạnh thì mới sinh trưởng tốt, thiếu ánh sáng thường ảnh hưởng đến khả năng ra hoa kết quả.

3) Chuẩn bị trước khi trồng dâu tây

3.1 Thời gian trồng

Có thể trồng dâu tây quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất vẫn là khoảng tháng 4 và tháng 5. Lúc này thời tiết hết giá rét, chuyển sang hè, có nhiều ánh nắng và ấm áp là điều kiện tốt cho dâu tây phát triển.

3.2 Đất trồng

Trồng dâu tây tại nhà bằng hạt muốn cho năng suất cao thì nên chọn đất đáp ứng đủ các yếu tố sau:

– Đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt

– Đất thịt hoặc đất hữu cơ

– Đất thường trộn thêm xơ dừa, trấu hun

Hiện nay trên thị trường ưa chuộng sử dụng đất sạch hữu cơ SFARM loại chuyên dùng cho rau ăn củ quả để trồng dây tây tại nhà.

3.3 Chậu/ thùng xốp

Việc thay chậu ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Trồng dâu tây trong chậu hoặc thùng xốp có đường kính 20 cm là thích hợp nhất. Sử dụng chậu dài hoặc chậu treo lớn, quả sẽ được thả sang 2 bên, chất lượng và màu sắc quả sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó chậu cần có lỗ thoát nước để chống ngập úng cho cây.

3.4 Vị trí đặt chậu/thùng xốp

Đặt chậu cây ở vị trí có nhiệt độ khoảng 7 – 30 độ C. Nên chọn nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng như ban công, cửa sổ… để cây phát triển tốt. Cần lưu ý, thời gian chiếu sáng cho cây dâu tây không quá 12 giờ/ngày. Vào buổi tối, không nên để cây gần ánh đèn vì sẽ khiến cây phát triển nhanh nhưng không ra trái.

4) Xử lý hạt giống trước khi trồng

4.1 Cách lấy hạt từ quả dâu tây tươi

Hạt dâu tây nhỏ li ti bên ngoài quả dâu có thể dễ dàng nhìn thấy. Khi quả dâu chín đỏ mọng, hạt chuyển từ màu vàng sang màu đen là đủ độ để nảy mầm. Khéo léo tách từng hạt ra khỏi quả, để lên một tờ giấy cho hạt nhanh khô. Phơi hạt dưới nhiệt độ thường trong vài giờ.

4.2 Ngâm ủ hạt trước khi trồng

Ngâm hạt trong nước ấm theo tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh trong 2 – 4 giờ. Sau đó ủ hạt trong khăn giấy ướt đựng vào hộp nhỏ đậy kín để nơi thoáng mát. Đây là cách trồng dâu tây bằng hạt dễ khiến hạt nảy mầm nhất.

5) Cách trồng dâu tây bằng hạt trong thùng xốp

Tiến hành gieo hạt vào thùng xốp với khoảng cách đều nhau và theo hàng để cây phát triển tốt hơn. Sau đó, rải một lớp đất mỏng lên bề mặt hạt vừa gieo, sau 1 – 2 tuần hạt nảy mầm. Đợi cây có 3 – 4 lá, đủ khỏe mạnh và cứng cáp thì tách ra trồng vào chậu riêng.

Cách trồng dâu tây tại nhà

Cách trồng dâu tây bằng hạt tại nhà

Đặt cây thẳng vào giữa chậu, đào lỗ đủ sâu để lấp hết bầu rễ của cây, tránh làm vỡ bầu cây con. Cây thường bị héo khi mới tách ra trồng nên cần che nắng cho cây trong 2 – 3 ngày đầu.

6) Cách chăm sóc sau khi trồng dâu tây bằng hạt

6.1 Tỉa cành

– Ngắt bỏ chùm hoa bói đầu tiên để tăng cường sinh trưởng và ức chế phát dục.

– Tỉa lá già, lá bị sâu bệnh để hạn chế khả năng gây sâu bệnh

– Tỉa chồi và chỉ để lại khoảng 3 – 5 chồi để cây thoáng

– Nếu không dùng ngó trong việc nhân giống thì nên ngắt bỏ toàn bộ

6.2 Tưới nước

Trong 5 -7 ngày đầu sau tách, cây thường bị héo nên cần tưới đẫm 2 – 3 lần/ngày để cây hồi xanh. Sau khi cây đã ổn định, bộ rễ phát triển mạnh thì có thể giảm xuống 1 lần/ ngày vào buổi sáng sớm. Chú ý tưới đủ ẩm, tránh úng nước, mỗi lần tưới khoảng 150 – 200ml/chậu.

6.3 Bón phân

Sử dụng lượng vừa phải phân trùn quế để bón cho cây. Bón phân theo nguyên tắc bón ít nhưng bón nhiều lần trong năm. Lượng phân theo khuyến cáo bón định kỳ, có thể tăng hoặc giảm tùy vào sức sinh trưởng, phát dục, chu kỳ ra quả.

6.4 Nhổ cỏ

Thường xuyên theo dõi cây và nhổ cỏ vệ sinh chậu trồng. Sự phát triển của cỏ dại sẽ che mất ánh sáng của cây đồng thời cạnh tranh dinh dưỡng.

6.5 Che phủ đất

Cây dâu tây ưa ẩm, quả thường mọc thấp nằm trên mặt đất nên hãy phủ lên 1 lớp rơm xung quanh gốc để giữ ẩm và nâng đỡ quả. Có thể thay thế bằng tấm nhựa mỏng hoặc lưới nilon để cách ly quả tiếp xúc với mặt đất giúp hạn chế nấm bệnh.

7) Phòng trừ sâu bệnh trên dâu tây

7. 1 Nhện đỏ

Nhện gây hại bằng cách chích hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ từng đám, hơi nâu ở phía dưới lá. Nhện đỏ hút chất dinh dưỡng trong trái làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn. Hoa có thể bị thối, rụng.

– Biện pháp:

+ Tưới nước giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô

+ Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng

+ Tưới phun mưa với áp lực mạnh khi mật độ nhện cao

7.2 Sên, nhớt

Vào ban đêm hoặc vào những ngày mưa ốc sên và nhớt bò ra ngoài để gây hại. Những vết tổn thương này làm giảm đáng kể giá trị của trái và tạo điều kiện để nấm bệnh xâm nhập và phát triển.

– Biện pháp:

+ Trong quá trình tỉa lá, thu trái nếu phát hiện sên, nhớt áp dụng biện pháp thu bắt thủ công để tiêu diệt. Thu gom toàn bộ các vật dụng như gạch, đá… trên đồng ruộng để hạn chế nơi cư trú của các loài sên nhớt.

+ Sử dụng can nhựa có hòa các chất như bã bia hoặc sữa chua để bẫy sên nhớt.

7.3 Mốc xám

Quả chín có những đốm nâu sáng xuất hiện, sau đó lan rộng cả trái và phủ một lớp mốc xám.

– Biện pháp: Chọn cây giống khỏe,sạch bệnh, có thể dùng biện pháp hóa học Actinovate.

7.4 Bệnh bạch tạng

Khi trái dâu chín, trên trái dâu xuất hiện những mảng màu trắng, làm giảm giá trị thẩm mỹ và hương vị dâu. Hơn thế nữa những mảng trắng làm tăng nguy cơ xâm nhập của nấm gây thối trái.

– Biện pháp: Vệ sinh đồng ruộng, ngắt tỉa thường xuyên để tránh rậm rạp. Cần xem xét và theo dõi thường nguồn dinh dưỡng cho đất.

7.5 Phấn trắng

Lá bệnh có khuynh hướng cuộn tròn lên phía trên và để lộ sau mặt lá một lớp bột màu trắng. Những vùng bị nhiễm bệnh thường sẽ héo khô và chết.

– Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, ngắt tỉa thường xuyên các thân lá bị bệnh đem tiêu huỷ. Giàn che dâu phải cao, thông gió, lên luống cao tránh úng vào mùa mưa. Không trồng mật độ dày, tăng cường phân kali cho cây.

8) Thu hoạch dâu tây trồng bằng hạt

Sau khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch những trái dâu đầu tiên. Khi quả chuyển sang màu đỏ sẫm là lúc dâu tây đã đủ độ chín có thể thu hoạch. Dùng tay ngắt trực tiếp ở điểm 1/4 cuống quả dâu, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Bạn có thể lấy hạt từ những quả dâu này để nhân giống.

9) Cách nhân giống dâu tây bằng ngó

Hiện nay, có nhiều phương pháp để nhân giống dâu tây như: nuôi cấy mô, gieo hạt hay trồng ngó. Tuy nhiên, nhân giống dâu tây bằng ngó là phương pháp đơn giản và được sử dụng phổ biến nhất.

9.1 Ưu điểm

– Dễ làm, chủ động được nguồn giống.

– Thời gian sinh trưởng nhanh, được thu hoạch sớm khoảng từ 1-2 tháng.

– Vì là kiểu sinh sản sinh dưỡng nên giữ nguyên được đặc tính ưu việt của cây mẹ như quả to, màu sắc đẹp, sức chống chịu tốt với điều kiện môi trường và sâu bệnh, vị ngọt mùi thơm đặc trưng, độ cứng.

– Chúng ta tách ngó dâu khi bộ rễ đã phát triển mạnh nên cây dâu nhân giống bằng phương pháp này rất dễ sống và mọc nhanh.

9.2 Nhược điểm

– Ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát dục của cây mẹ.

– Số lượng nhân giống không được nhiều như cây cấy mô.

Nếu chậu trồng rộng thì để ngó dâu sống chung với cây mẹ, không thì tách riêng ra từng chậu. Nên chọn ngó dâu có rễ dài khoảng 2 – 3 cm cắm vào bầu đất để cây phát triển ổn định rồi mới ra chậu.

Qua bài viết này, bạn đã biết được cách trồng dâu tây tại nhà bằng hạt rồi phải không nào! Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết