Giá trị ngành nuôi trùn quế mang lại ở Việt Nam

1660 lượt xem

Hiện nay ở Việt Nam, các vấn nạn về bệnh tật tràn lan do thực phẩm kém chất lượng ở mức đáng báo động nên người tiêu dùng lo lắng tìm kiếm các thực phẩm sạch cho bữa ăn của mình.

Có cầu ắt có cung. Làm nông nghiệp sạch đã trở thành xu hướng vài năm gần đây, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Khi xu hướng nông nghiệp hữu cơ lan rộng thì các ngành công nghiệp phụ trợ như phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, hạt giống,… cũng thay đổi theo. Và ngành trùn quế từ nhiều năm trước chỉ là vài hộ nông dân nhỏ lẻ nuôi trùn lấy thức ăn cho hải sản và lươn thì giờ đã lan rộng trên cả nước với mục đích tạo ra nguồn phân bón hữu cơ chứ không phải chỉ lấy trùn làm thức ăn chăn nuôi nữa.

Từ cách đây hơn 5 năm, khi tôi bắt đầu tiếp xúc với trùn quế thì đơn giản đó chỉ là một cơ duyên. Nhưng để đi tiếp con đường này, kiên nhẫn với nó, nỗ lực với nó thì đó là một sự lựa chọn. Vào thời khi tôi chọn kinh doanh trùn quế, thì đã có một số người bạn làm trong lĩnh vực nông nghiệp nói với tôi nên dừng lại. Dừng lại vì nhiều năm trước cũng đã rộ lên việc nuôi trùn xong rồi lại dẹp đi hết. Vì thị trường không ổn định, trùn tươi do thị trường lươn và thủy hải sản lên xuống nên cũng thất thường theo, còn phân trùn thì không bán được. Mà nguyên nhân sâu xa là do chất lượng phân không được ổn định.

Vậy nên lúc Đặng Gia Trang ra đời là gần như đi tiên phong cho việc “khởi động” lại ngành nuôi trùn. Khởi nghiệp từ số 0 về mọi thứ, không vốn, chưa từng khởi nghiệp trước đó, chưa từng thực sự làm nông nghiệp trước đó. Sau bao nhiêu lần bầm dập, nhưng rồi tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng, vì một phần có thể tôi là người nhẫn nại và kiên định. Phần lớn nữa vì tôi nhìn thấy ý nghĩa của việc phát triển ngành trùn quế của Việt Nam. Tôi có niềm tin rằng chỉ sau 5 – 10 năm nữa, ngành nuôi trùn sẽ thành phổ biến như nhiêu ngành chăn nuôi khác. Giống như cây cà phê nhiều năm trước cũng bắt đầu từ việc một vài người trồng, sau đến bây giờ cây cà phê đã trở thành cây công nghiệp ở Việt Nam.

Cho đến bây giờ thì rất nhiều nơi ở Việt Nam, những vùng có nguyên liệu phân bò, phân heo đã có nhiều trang trại nuôi trùn mọc lên và những người làm nông nghiệp cũng dần quen với một loại phân mới là phân trùn quế. Và có lẽ các cơ quan ban ngành các địa phương cũng nhìn thấy ý nghĩa của việc phát triển ngành nuôi trùn này, nên đã có một số động thái trong việc ưu đãi, hỗ trợ và phát triển ngành.

Vậy những ý nghĩa và giá trị ngành nuôi trùn quế Việt Nam là gì? Những ý nghĩa chung chung thì có nhiều nhưng tôi tóm lại 3 ý nghĩa to lớn nhất:

  1. Xử lý vấn đề môi trường.
    Bài toán xử lý phế thải của chăn nuôi vẫn là một vấn đề của Việt Nam. Ở các công ty chăn nuôi heo lớn thì có phương án xử lý là làm hầm Biogas. Nhưng thực tế thì sau nhiều năm, vấn đề môi trương vẫn chưa được đảm bảo hoàn toàn. Trong khi đó chi phí đầu tư làm hầm biogas khá cao, nguồn điện năng thu được cũng không được tận dụng hết và vẫn để lãng phí. Vì vậy thật chưa hiệu quả kinh tế. Thay vì làm hầm biogas thì việc xử lý phế thải bằng nuôi trùn quế đem lại về hiệu quả kinh tế hơn nhiều đồng thời vấn đề về xử lý môi trường được đảm bảo hơn.
  1. Gia tăng giá trị cho nông nghiệp Việt Nam.
    Thay vì bán được 1 kg phân chuồng với giá 1 đồng, thì giờ có thể bán được cả phân trùn và trùn tươi với giá 2 đồng, 3 đồng và đồng thời tạo thêm các công ăn việc làm cho bà con nông dân.
  1. Cải tạo đất canh tác nông nghiệp Việt Nam, gia tăng chất lượng nông sản Việt
    Điều này có giá trị to lớn đối với đất nông nghiệp Việt Nam đang ngày một thoái hóa bạc màu do thói quen canh tác bằng hóa học nhiều năm nay. Chất lượng nông sản thì xuống thấp, giá bán không được cao. Việc sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân hóa học là cần thiết hiện nay để duy trì nguồn đất canh tác đồng thời để gia tăng chất lượng nông sản. Phân trùn quế có thể nói là một nguồn phân hữu cơ tự nhiên tốt nhất hiện nay, không phải chỉ bởi các dinh dưỡng đa dạng và cân đối mà bởi vì khả năng cải tạo đất số 1 của nó. Khả năng giữ độ ẩm, với đa dạng các chủng vi sinh vật có ích từ tự nhiên, các kén trùn đưa vào đất sẽ sinh sôi thành trùn, tạo thành những “cỗ máy” cải tạo cho đất. Tôi thỉnh thoảng hay nói vui với một số người bạn là chúng tôi đang làm công việc “Mang trả lại con trùn cho đất”. Chất lượng nông sản tăng lên sẽ góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp Việt Nam.

Với các giá trị ngành nuôi trùn quế to lớn như trên, chúng tôi mong các cơ quan ban ngành nhà nước có liên quan đưa ra nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và ủng hộ để ngành nuôi trùn Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, cũng là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Đặng Thị Thực – CEO Đặng Gia Trang

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (43 bình chọn)