Mô hình trồng nấm rơm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng tận dụng hiệu quả phế phẩm nông nghiệp tại chỗ, tạo việc làm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra.
Trồng nấm rơm ngoài trời vừa giúp nâng cao thu nhập vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Lâm Đồng có khoảng 21.784ha diện tích đất lúa được trồng tại 10 huyện, trong đó diện tích lúa 2 – 3 vụ chiếm 12.211ha, lúa 1 vụ 9.573ha; có khoảng 4.500ha lúa chất lượng cao, cùng 300ha lúa giống.
Theo các nhà chuyên môn, trung bình cứ 1 tấn lúa sẽ tạo ra 1,35 tấn rơm rạ. Vậy lượng rơm rạ trung bình thải ra hàng năm tại Lâm Đồng đạt khoảng 220.050 tấn. Lượng rơm sử dụng để chăn nuôi trâu bò, ủ làm phân hữu cơ… còn hạn chế. Phần lớn chúng được sử dụng làm chất đốt, hoặc đốt trực tiếp ngoài ruộng làm phân bón, gây ô nhiễm môi trường.
Để sử dụng lượng rơm rạ này có hiệu quả cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai mô hình: “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nấm rơm ngoài trời”.
Mô hình được triển khai tại huyện Di Linh, với quy mô 25 tấn nguyên liệu; 25 nông hộ tham gia, là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Bảo Thuận.
Các nông hộ tham gia mô hình được cán bộ tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm ngoài trời, cách phòng trừ sâu bệnh, được trực tiếp thực hành trên đồng ruộng các khâu như: ngâm rơm, ủ rơm, ra luống, cấy meo nấm.
Khi kết thúc mô hình, Trung tâm sẽ tổ chức các buổi tham quan, hội thảo đầu bờ tại mô hình cho các nông hộ tham gia mô hình và ngoài mô hình trực tiếp thảo luận, trao đổi những thuận lợi, khó khăn và tồn tại của mô hình để cùng tháo gỡ, tiếp tục thực hiện nhân rộng và đánh giá hiệu quả của mô hình.
Thông qua xây dựng mô hình trồng nấm rơm ngoài trời giúp cho các hộ trồng lúa trên địa bàn huyện tận dụng hiệu quả phế phẩm tại chỗ có sẵn trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Sfarm.vn tổng hợp & biên tập