TRỒNG “CÂY VẠN NĂNG”

229 lượt xem

Vài năm trở lại đây, rộ lên phong trào trồng cây chùm ngây. Nhiều tài liệu trên thế giới cũng hết lời ca ngợi loại cây này. Họ gọi nó là “cây phép màu”, “cây thần diệu” hoặc “cây vạn năng”

Thực tế, “cây vạn năng” chứa nhiều chất bổ dưỡng ngay trong lá của chúng. Các nhà khoa học cho biết, nó chứa tới 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại axit amin, 46 loại chất chống ôxy hóa, các chất chống viêm nhiễm, kháng độc tố…

Nó giúp điều trị bệnh u xơ tiền liệt tuyến, ổn định huyết áp, chống hạ đường huyết và góp phần ngăn ngừa và điều trị cả bệnh ung thư. Ở Ấn Độ, người ta dùng chùm ngây để điều trị tới trên 300 loại bệnh khác nhau. Vì vậy, chùm ngây còn được gọi là “cây độ sinh”.

Trồng cây chùm ngây

Vườn trồng cây chùm ngây

Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Liên hợp quốc đánh giá rất cao giá trị của cây chùm ngây, đặc biệt là đối với các nước nghèo. Nó vừa là nguồn thực phẩm quý, vừa là vị thuốc để chữa nhiều bệnh. Năm 1989, Viện KHKT nông nghiệp miền Nam đã cho nhập hạt giống của cây chùm ngây về để trồng khảo nghiệm.

Tuy nhiên, ở nước ta cũng đã có “cây vạn năng” từ lâu rồi. Tại vùng núi các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang, bà con trồng nó ở hàng rào và coi như cây bảo vệ vườn. Nó có thể cao tới 5 – 10m. Ít ai nghĩ tới việc dùng lá của chúng để làm rau. Nhưng từ khi có các thông tin về giá trị của cây chùm ngây, dân mới bắt đầu lao vào trồng.

Ta có thể trồng chùm ngây bằng hạt hoặc bằng phương pháp giâm cành. Hạt giống được ngâm trong nước sạch trong vòng 24 giờ. Trong quá trình ngâm, ta thay nước 1 – 2 lần để tránh nước bị chua. Sau đó, ta vớt hạt ra. Lúc này, nó đã hút no nước. Ta ngâm chúng vào nước ấm 45 độ C trong vòng 5 phút (để có nước ấm 45 độ C, ta pha tỷ lệ 3 nước sôi với 2,5 nước lạnh).

Sau đó, lại ngâm tiếp chúng vào nước ấm hơn ở 55 độ C trong vòng 10 – 15 phút (tỷ lệ 3 nước sôi với 2 nước lạnh). Tiếp theo, ta vớt hạt ra và đem đi ủ trong túi vải hoặc khăn ướt. Sau 2 – 3 ngày, hạt sẽ nứt nanh. Lúc này ta đưa chúng đi cấy vào các bầu đất đã chuẩn bị từ trước. Bầu nên có kích thước 9 x 12 cm và được đục 4 lỗ xung quanh cách đáy túi bầu 1,5 – 2 cm. Trong bầu ta trộn 60% đất pha cát, 30% xơ dừa hoặc tro trấu hay rơm mục và 10% là phân hữu cơ hoai mục. Xếp bầu vào nơi có mái che và tưới ẩm ngày 2 lần. Ươm bầu khoảng 4 – 6 tháng thì có thể đem cây đi trồng được. Ta nên trồng chùm ngây trong mùa mưa. Tránh trồng chúng vào mùa khô vì cây dễ bị chết

Nếu trồng để lấy lá làm rau thì ta nên trồng với mật độ 1 m x 1,5 m (tức là cây cách cây 1 m và hàng cách hàng 1,5 m). Ta phải trồng thưa như vậy vì sau này cây sẽ vươn lên và cho chùm lá sum xuê. Khi cây lên cao độ 1 m thì ta cắt ngọn. Nó sẽ mọc ra các nhánh bên. Ta lại tiếp tục cắt các đầu ngọn của nhánh bên để nó ra tiếp các nhánh mới. Bằng cách đó, ta sẽ tạo ra tán lá như hình nấm và định kỳ thu hoạch các ngọn non để làm rau.

Lưu ý: Trước khi trồng, ta phải đào hố (30 x 30 x 30 cm) và bón lót cho mỗi hố 2 – 3 kg phân hữu cơ. Sau này, khi cây lớn lên, ta phải làm cỏ thường xuyên và bón thúc cho cây. Chùm ngây là cây có thể chịu được hạn. Người ta hay trồng nó quanh hàng rào hoặc các mô đất cao. Nếu trồng ra vườn hoặc ra ruộng thì ta phải líp luống lên cao và có rãnh thoát nước tốt. Nó rất sợ bị úng. Khi bị úng thì lá của chúng sẽ vàng đi và rụng cả loạt. Còn nếu muốn trồng chùm ngây để làm thuốc thì ta trồng mật độ thưa hơn (3 m x 3 m).

Ta nên trồng theo kiểu nanh sấu. Bộ phận chủ yếu mà ta muốn thu từ cây chùm ngây là lá của nó. Sau khi trồng khoảng 7-8 tháng là ta đã bắt đầu được thu hoạch. Ta cắt các cành lá non (dài độ 20 – 30 cm) rồi bó lại như bó rau ngót để đưa đi tiêu thụ. Việc cắt lá để làm rau phải luôn kết hợp với việc tạo tán. Ta khống chế để không cho cây cao quá 1,5 m và tạo ra tán sum xuê kiểu hình nấm cho dễ thu hoạch. Cành lá cắt ra cần phải được giữ càng tươi càng tốt. Hàng ngày, ta phải tưới, vun xới và bón bổ sung phân cho cây. Các cây chùm ngây có thể giữ được nhiều năm

(NGUYỄN LÂN HÙNG)

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết