Cam xoàn là loại trái tròn, vỏ mỏng, ít hạt, thơm ngon, có độ ngọt rất cao. Năm nay dân trồng cam miền Tây phấn khởi trúng mùa, nhiều nhà thu lãi tiền tỷ.
Vài năm gần đây, cam xoàn được nhiều nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chọn đầu tư, bởi giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Văn Đen, ở ấp 2, xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) trồng 1,3 ha cam xoàn cho biết, giá cam xoàn luôn đứng ở mức cao, từ 27.000 đến 40.000 đồng/kg, trong khi thời gian trồng đến thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 2 năm.
Còn ông Dương Văn Do, ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, (Hậu Giang), trồng 5 công cũng cho biết: “Cam xoàn mỗi năm cho thu hoạch được 2 đợt trái. Từ khi ra bông đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng. Trung bình từ 3 đến 4 trái/kg, trừ chi phí, tôi lãi khoảng 400 triệu đồng/năm”.
Đặc điểm của cam xoàn là trái tròn, ít hạt, thơm và độ ngọt rất cao, có thể xem là ngọt nhất trong tất cả các loại cam. Cam xoàn cho trái theo chùm. Bình quân một cây cho sản lượng trái từ 40 đến 50 kg/năm.
Theo ông Do, cây rất dễ trồng, cây càng lớn năng suất càng tăng, trong khi nhu cầu của thị trường hiện nay lại lớn. Lợi nhuận cao hơn rất nhiều loại cây khác nên nhiều người đang chuyển hướng đầu tư.
Theo so sánh của chính những nông dân, trồng 1ha lúa lợi nhuận không bằng 1 tấn cam xoàn.
Ông Đen chia sẻ: “Năm nay, giá cao và ổn định, với 1,3 ha cam xoàn, sản lượng thu hoạch từ khoảng 50 tấn, tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng”.
Theo thống kê, diện tích cam xoàn của huyện Long Mỹ – Hậu Giang hiện khoảng 50 ha và số lượng trồng mới đang tăng nhanh. Theo ông Bảy Hiện, trồng bằng cây chiết chỉ 2- 3 năm là ra trái. Nhưng muốn năng suất cao, chất lượng bảo đảm thì người trồng phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật khắt khe, nhất là khâu xử lý đất, phân bón, nước, sao cho hợp lý và mang tính bền vững.
Cam xoàn mùa nghịch hiện có giá từ 40.000 -50.000 đồng/kg vẫn không đủ đáp ứng cho thị trường. Nhà vườn có bao nhiêu thương lái cũng đặt cọc thu mua hết, cam loại 2-3 mới mang ra bán lẻ bên ngoài.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung – Đồng Tháp, toàn huyện có trên 200 ha trồng. Nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung cho biết, nông dân các tỉnh lân cận của đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông và cả kiều bào ở Campuchia… cũng sang đặt giống với số lượng rất lớn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, ông Mai Quốc Hậu cho biết, huyện cũng vừa có buổi làm việc với các doanh nghiệp Ấn Độ về việc liên kết tiêu thụ cam xoàn, các doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng cam của vùng này.
Sfarm.vn tổng hợp & biên tập